Thiếu đồng thuận, khởi nghĩa quá “manh mún”
Đầu phiên hôm nay thị trường tiếp tục sụt giảm thêm khá mạnh do ảnh hưởng của các blue-chips lớn giảm giá sâu. VN-Index giảm tới 0,71% xuống 1.005,1 điểm. Từ đáy này xuất hiện một đợt “khởi nghĩa” đem lại nhiều hi vọng: VN-Index tăng trở lại 1.015,16 điểm, vượt qua tham chiếu 0,28%.
Thông thường nhịp điều chỉnh ngắn hạn kéo dài quá 5 phiên rất dễ quay đầu phục hồi kỹ thuật. Chính vì thế nhịp phục hồi trong ngày hôm nay đã khuyến khích nhà đầu tư mua vào bắt đáy khá nhiều. Đáng tiếc là thị trường vẫn không thể quay đầu được, do thiếu sự hỗ trợ tăng giá của nhóm blue-chips nói chung.
Tiên phong của phiên hôm nay là GAS, cổ phiếu bước sang phiên tăng mạnh thứ hai liên tục. Hôm qua GAS cũng rất nổi bật với mức tăng 1,4%. Hôm nay giá tăng thêm 1,41% nữa. Dấu hiệu khác thường có thể thấy ngay từ nhóm dầu khí: GAS tăng mạnh nhưng PLX lại giảm 0,33%, PVS bên sàn HSX cũng giảm 0,53%.
Không chỉ thiếu đồng thuận trong nội bộ nhóm, các blue-chips nói chung cũng không tăng đều. Cổ phiếu ngân hàng đóng góp VPB tăng 1,9%, TCB tăng 0,8%, EIB tăng 0,5%, CTG tăng 0,5%. Thế nhưng BID lại giảm 1,2%, HDB giảm 2,2%, VCB giảm 1,3%. Sức ép của nhóm giảm lớn gấp nhiều lần nhóm tăng.
Nhóm cổ phiếu Vingroup thì VIC tăng quá yếu 0,3%, VRE tăng 0,6% và VHM lại giảm 0,1%. Đặc biệt VNM giảm 2,3%.
Như vậy, trong số 7 mã vốn hóa lớn nhất thị trường, đã có tới 4 mã giảm, chỉ 2 mã tăng. Đây là nhóm có triển vọng lèo lái VN-Index đã không đồng thuận thì rất khó để xuất hiện một đợt khởi nghĩa thành công.
Mặt khác, thị trường cũng không có đồng thuận trong giao dịch nói chung. HSX cứ 1 mã giảm chỉ có 0,76 mã tăng. Cổ phiếu giảm nhiều hơn tăng thì dù VN-Index có tăng cũng rất ít ý nghĩa. VN-Index kết thúc phiên giảm 0,22% hay 2,27 điểm.
Đánh "du kích" ở đâu?
Tuy thị trường chung giao dịch rất kém nhưng vẫn có các nhịp đầu cơ khá nóng ở các cổ phiếu riêng lẻ. Những cuộc đánh “du kích” này chỉ phù hợp với số rất ít nhà đầu tư, cũng như chỉ bó hẹp trong một diện rất nhỏ.
CLG là ví dụ, đến hôm nay là kịch trần 20 phiên liên tục. Giá mới tăng “làng hàng” 3,7 lần. Cổ phiếu này rất nóng nhưng cũng chỉ có số ít nhà đầu tư tham gia. Hôm nay là phiên giao dịch lớn nhất của 20 phiên tăng này thì giá trị cũng chỉ 3,4 tỷ đồng giá trị. CLG đang có giá 5.490 đồng.
SJF, CIG, DIC hay bên HNX có DST, VHE, SD6, MPT cũng kịch trần. Giá các mã này từ vài ngàn tới vài trăm đồng nên giá muốn tăng cũng không khó nếu có nhà đầu tư lớn nhảy vào.
Ngược lại, có rất nhiều cổ phiếu đầu cơ bắt đầu thoái trào. Tiêu biểu là nhóm cổ phiếu FLC, HAI, TSC, MCG, HVG. Nhóm này các phiên trước đều nằm trong số tăng giá cực mạnh, thậm chí thường ở giá trần. Hôm nay giá đồng loạt giảm sàn. FLC thanh khoản tới 18,6 triệu cổ phiếu, HAI khoảng 15,7 triệu cổ phiếu, TSC khoảng 2,6 triệu cổ phiếu, HVG gần 1,9 triệu cổ phiếu.
Thanh khoản suy yếu
Tâm lý bắt đáy xuất hiện khi VN-Index tụt sâu xuống 1.005 điểm đã dẫn đến thanh khoản tăng cao trong buổi sáng. Đó là lúc kỳ vọng thị trường quay đầu lên cao nhất. Thực vậy, VN-Index từ 1.005 lên tận 1.015 tức là tăng 10 điểm rất đột ngột. Trong suốt nhịp giảm này, chưa có phiên nào VN-Index đảo chiều nhanh và mạnh như vậy.
Tuy nhiên, khi lực tăng không còn do blue-chips tăng giảm thất thường, nhà đầu tư đã dừng mua, kéo thanh khoản xuống. Do chỉ tăng buổi sáng, tổng thanh khoản phiên hôm nay giảm gần 14% tính theo giá trị khớp lệnh, khối lượng của HSX cũng giảm 6%, HNX giảm 1%.
VN-Index đang rơi xuống gần ngưỡng 1.000 điểm, là mốc kháng cự quan trọng suốt nhiều tháng mà mới được vượt qua hồi đầu tháng 11. Càng về gần mốc này nhà đầu tư càng kỳ vọng thị trường sẽ kết thúc điều chỉnh. Tuy nhiên thanh khoản suy yếu hôm nay lại thể hiện sự thận trọng rất cao.

HSX
|
HNX
|
Giá trị Khớp lệnh
|
Khối lượng Khớp lệnh
|
Giá trị Khớp lệnh
|
Khối lượng Khớp lệnh
|
3334 tỷ đồng (-13%)
|
180,8 triệu (-6%)
|
239 tỷ đồng (-19%)
|
21,4 triệu (-1%)
|