Việt Nam sẽ có 2.000 doanh nghiệp CNHT vào năm 2030
Theo đề án Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp với sản phẩm CNHT có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa và xuất khẩu 25% giá trị sản xuất công nghiệp.
Đến năm 2030, sản phẩm CNHT đáp ứng được 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa. Và nước ta sẽ có khoảng 1.000 DN công nghiệp hỗ trợ đủ năng lực cung ứng cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam. Đến năm 2030, phấn đấu đạt khoảng 2.000 DN công nghiệp hỗ trợ.
Về giá trị sản xuất công nghiệp, đến năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp của CNHT chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành công nghiệp. Đến năm 2030, chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành công nghiệp.
|
Đến năm 2030, sản phẩm CNHT đáp ứng được 70% nhu cầu cho sản xuất trong nước. Ảnh: TL
|
Mục tiêu liệu có quá xa vời?
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, ngành CNHT của Việt Nam hiện nay còn tồn tại quá nhiều hạn chế, bất cập. Tính đến thời điểm hiện tại mới chỉ có khoảng 50 DN tham gia lĩnh vực này, đó là chưa kể đến sản phẩm của số DN này cũng chỉ dừng ở mức đơn giản. Chính vì vậy, trong vòng 5 - 15 năm nữa, con số DN hoạt động trong ngành CNHT lên đến 1.000 - 2.000 DN là một mục tiêu khá xa vời.
"Trên thực tế, các công nghệ phức tạp để sản xuất hàng hóa chất lượng cao và phù hợp với yêu cầu thị trường vẫn chưa được DN sử dụng nhiều. Các sản phẩm chủ lực của DN đều là các sản phẩm thô hoặc sản phẩm đến tay người tiêu dùng ở mức độ công nghệ thấp mà thiếu các sản phẩm trung gian cung cấp theo một chuỗi giá trị đòi hỏi tích hợp nhiều công nghệ khác nhau", TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam nhận xét.
Bên cạnh đó, Việt Nam hy vọng thu hút DN FDI vào đầu tư để từng bước nâng cao năng lực công nghệ cho các DN trong nước, thông qua đó, các nhà cung cấp trang thiết bị nước ngoài chuyển giao công nghệ vào nội địa. Song, hầu hết DN FDI trong các khu chế xuất có mối liên kết rất yếu với các ngành công nghiệp nội địa nên việc nắm bắt và hấp thụ công nghệ của Việt Nam còn thấp.
Mặt khác, quy mô sản xuất kinh doanh của các DN trong nước còn nhỏ bé và khả năng cạnh tranh kém. Bản thân DN ít quan tâm đến vấn đề công nghệ và phát triển sản phẩm mới, chưa coi trọng đúng mức đến các vấn đề kỹ thuật công nghệ, số lượng DN có nhu cầu đào tạo nhân lực để làm chủ kỹ thuật chưa nhiều...
"Với thực trạng còn nhiều bất cập như vậy, để đạt được mục tiêu đến năm 2030, sản phẩm CNHT đáp ứng được 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa... đòi hỏi các DN phải cố gắng nỗ lực rất cao, nếu không muốn nói là sẽ khó khăn để đạt được", ông Kiêm phân tích.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, hiện quy định trong luật của nước ta chưa thấy rõ được vấn đề chuỗi cung cấp các sản phẩm phụ trợ để cho ra sản phẩm hoàn thiện cuối cùng. Vẫn còn những quy định cứng nhắc về danh mục, dán nhãn các linh kiện, thiết bị nhập khẩu..., gây khó khăn cho DN.
Chính vì vậy, để đạt được mục tiêu Quy hoạch tổng thể phát triển CNHT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đề ra thì phải hoàn thiện cơ chế chính sách cho phát triển CNHT cũng như bản thân DN trong ngành phải có sự thay đổi vượt bậc.
Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 sẽ tập trung ba lĩnh vực:
- Lĩnh vực linh kiện phụ tùng tập trung phát triển linh kiện phụ tùng nhựa cao su và linh kiện phụ tùng điện - điện tử, đáp ứng mục tiêu đến năm 2020 cung ứng được 60% nhu cầu. Trong đó giá trị xuất khẩu các sản phẩm linh kiện phụ tùng chiếm 30% tổng giá trị sản xuất công nghiệp trong lĩnh vực này. Đến năm 2030, cung ứng được 80% nhu cầu, đẩy mạnh sản xuất các lĩnh vực sản phẩm phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao.
- Lĩnh vực CNHT ngành dệt may - da giày: Phát triển nguyên vật liệu và phụ liệu, đáp ứng mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ cung cấp trong nước của ngành công nghiệp dệt may đạt 65%, ngành da giày đạt 75-80%, với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao phục vụ sản xuất xuất khẩu.
- Lĩnh vực CNHT cho công nghiệp công nghệ cao: Phát triển sản xuất vật liệu, thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, phần mềm và dịch vụ, phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao.
|