Góp 533,2 triệu USD vào RVP
Năm 2008 cho Tập đoàn Dầu khí (PVN) được cấp phép đầu tư ra nước ngoài (ĐTRNN) với định mức vốn 614 triệu USD trong thời hạn 5 năm từ 2008-2012 để thực hiện dự án liên doanh khai thác dầu khí Rusvietpetro (RVP) tại Nga có tổng mức vốn đầu tư 1.253 triệu USD, với tỷ lệ tham gia của PVN 49%; OAO Zarubezhneft 51%.
Năm 2013, PVN được phép điều chỉnh nâng tổng mức vốn ĐTRNN của Dự án lên 2.016 triệu USD (trong đó: Vốn góp trực tiếp của PVN vào RVP 539 triệu USD bao gồm góp vốn Điều lệ và thực hiện hợp đồng ghi nhận nợ giữa RVP với PVN; vốn tự bổ sung của RVP từ nguồn khấu hao và lợi nhuận để lại là 240 triệu USD; Vay ngoài 1.236,3 triệu USD).
Theo báo cáo của PVN, thực tế tập đoàn đã góp vào RVP 533,2 triệu USD, trong đó vốn góp điều lệ là 82,1 triệu USD, cho vay vốn cổ đông (cho RVP vay vốn) 451,1 triệu USD.
Đến hết tháng 8/2014, PVN đã thu hồi tổng số tiền nợ gốc và lãi là 166,8 triệu USD (nợ gốc 155,8 triệu USD và tiền lãi phát sinh 11 triệu USD). Số nợ gốc còn phải thu hồi là 295,3 triệu USD.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, thời gian thu hồi số nợ gốc này muộn nhất là ngày 30/6/2017.
Vấn đề lo ngại?
Cũng theo PVN, số lợi nhuận để lại tái đầu tư qua 3 năm từ 2011- 2013 đã đạt đủ mức quy định Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh ĐTRNN năm 2013 là 240 triệu USD.
Ngoài ra, sau khi chuyển về nước 80,199 triệu USD và để lại tái đầu tư 14,55 triệu USD, số lợi nhuận được chia trong năm 2013 đang được PVN để tại nước ngoài là 31,61 triệu USD. Hiện PVN đang xin ý kiến NHNN cho phép gia hạn thời hạn chuyển về nước số tiền này thêm 6 tháng theo quy định của Chính phủ.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, tổng số tiền PVN để lại tại Nga khoảng 566,91 triệu USD (240 triệu + 31,61 triệu + 295,3 triệu USD).
Tổng số lợi ích kinh tế tạm tính PVN có được từ việc đầu tư: bao gồm thu hồi vốn cho vay cả gốc lẫn lãi + lợi nhuận để lại tái đầu tư khoảng 438,41 triệu USD (166,8 triệu USD + 240 triệu USD).
Nếu tính thêm số lợi nhuận đã chuyển về nước năm 2013 là 80,199 triệu USD, thì tổng số lợi ích kinh tế tạm tính PVN có được khoảng 518,6 triệu USD so với số tiền đã chuyển ra 533,2 triệu USD.
Theo nhận định của PVN, tính đến thời điểm hiện tại Dự án đã mang lại hiệu quả kinh tế nhất định, với nguyên nhân chính là RVP đẩy nhanh khai thác sớm nhằm tranh thủ ưu đãi thuế suất thuế khai thác tài nguyên của Nga 0% từ năm 2011 đến 2015.
Tuy nhiên, vấn đề lo ngại của PVN lúc này là trong trường hợp liên doanh không được tiếp tục hưởng ưu đãi thuế khai thác tài nguyên sau năm 2015 và trong bối cảnh giá dầu thô sụt giảm, điều kiện vay vốn tại Nga khó khăn như hiện nay thì hiệu quả kinh tế của Dự án giai đoạn tới khó được đảm bảo.
Đề xuất phương án tài chính
Trước mối lo ngại này, PVN đã đề xuất về phương án tài chính cho Dự án đó là:
Trình Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt để được ký kết Hiệp định giữa Chính phủ Liên bang Nga và Chính phủ Việt Nam về việc tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực thăm dò địa chất và khai thác dầu khí tại Liên bang Nga trong khuôn khổ Dự án RVP (bao gồm việc cho phép RVP được áp dụng ưu đãi thuế khai thác tài nguyên với mức thuế suất 0% đến hết năm 2033).
PVN cũng đề nghị Chính phủ cho phép, trong thời gian Hiệp định liên Chính phủ chưa được ký kết, PVN được đàm phán với Phía đối tác Nga trong Liên doanh về phương án tài chính của RVP với mức tối thiểu: Chia cổ tức cho hai phía tham gia ở mức 100 triệu USD/năm trong các năm từ 2015-2019; Gia hạn 2 hợp đồng nhận nợ ký năm 2010 đến năm 2020.
Trường hợp RVP được gia hạn ưu đãi thuế khai thác tài nguyên cho các Lô đến hết năm 2033, cho phép PVN đàm phán thỏa thuận với Phía Nga với PA tài chính như sau:hai Phía tham gia Liên doanh phân chia lợi nhuận sau thuế năm 2014 và các năm tiếp theo ở mức tối đa có thể; cấp vốn bổ sung cho RVP thông qua hợp đồng nhận nợ (cho vay vốn cổ đông) với trị giá tới 160 triệu USD.
Được biết, những phương án tài chính theo đề xuất của PVN, đã được Bộ Tài chính cho ý kiến, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.