50% người tiêu dùng "chuộng" mua sắm qua mạng
Đây là kết quả thông qua việc phỏng vấn 11.000 người tiêu dùng trên 11 TP lớn thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC), trong đó tại Việt Nam có 1.000 người tiêu dùng từ độ tuổi 18 - 64, chia đều giữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Theo đó, hầu hết người tiêu dùng được phỏng vấn của Việt Nam nhận thấy những cải thiện tiêu biểu trong các trung tâm thương mại (TTTM) lớn, nhỏ và các nhà phố thương mại trong ba năm qua. Hơn 60% người được phỏng vấn cho biết, các trung tâm mua sắm mà họ đến thường xuyên có cải thiện về thiết kế, cách bố trí, dịch vụ và diện tích công cộng. Hơn 50% đồng ý rằng ngày càng có nhiều thương hiệu quốc tế gia nhập thị trường và các TTTM có nhiều tiện ích giải trí hơn.
 |
Mua sắm trực tuyến ngày càng được nhiều người tiêu dùng lực chọn Ảnh: ST
|
Theo đánh giá của CBRE, người tiêu dùng châu Á - Thái Bình Dương đang ngày càng có xu hướng sử dụng thương mại điện tử. Có 45 - 50% số người được hỏi cho rằng, họ sẽ mua sắm trực tuyến thông qua máy tính hay điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng thường xuyên hơn trong hai năm tới.
Chưa hết, tỷ lệ này còn cao hơn nữa ở người tiêu dùng trong độ tuổi từ 55 đến 64 với 69% cho rằng sẽ mua sắm các mặt hàng phi thực phẩm thường xuyên hơn bằng điện thoại thông minh, máy tính bảng. Và 25% số người được khảo sát dự định sẽ mua sắm ít hơn tại các cửa hàng thực tế.
Loại hình thương mại truyền thống có lạc quan?
Cũng theo số liệu khảo sát, có 78% cho biết có thể dành ra đến 30 phút để di chuyển đến TTTM họ yêu thích và 57% số người thích mua sắm tại các TTTM lớn.
Đánh giá về kết quả này, bà Dương Thùy Dung, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu thị trường và Tư vấn phát triển của CBRE Việt Nam cho biết, mặc dù người tiêu dùng đang có xu hướng đến với thương mại trực tuyến vì nhiều tiện ích. Song, triển vọng của loại hình thương mại truyền thống vẫn khá lạc quan.
"Vấn đề là đã đến lúc các TTTM không nên và không thể theo cách thức làm như cũ mà cần lưu ý tới những cạnh tranh đến từ loại hình thương mại trực tuyến. Đặc biệt, triển khai việc bán hàng trên mạng thường xuyên hơn cũng như quảng cáo thông qua các kênh xã hội và thiết kế các trang web theo mô hình thương mại điện tử giữa công ty và người tiêu dùng".
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, hiện nay, người tiêu dùng Việt Nam đánh giá cao sự đa dạng của các thương hiệu bán lẻ trong một trung tâm mua sắm, tức là họ thích có nhiều sự lựa chọn từ nhiều thương hiệu. Ngược lại, người tiêu dùng Việt không ưa chuộng mô hình trung tâm thương mại chỉ có một vài thương hiệu.
Bên cạnh đó, theo khảo sát theo độ tuổi cho thấy, hơn 50% khách hàng trong độ tuổi từ 18-34 đánh giá rằng những tiện ích như dịch vụ ăn uống, dịch vụ vui chơi giải trí và tổ chức sự kiện nhằm tạo ra những trải nghiệm hấp dẫn cho người đến mua sắm tại các TTTM có vài trò tương đối hoặc rất quan trọng trong quyết định lựa chọn địa điểm mua sắm của họ./.