Mới đi được 1/4 chặng đường
Trong một buổi họp báo được Bộ Tài chính tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, Bộ Tài chính, KBNN, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đang nỗ lực thực hiện Nghị quyết 78/2014/NQ - QH của Quốc hội về phát hành trái phiếu dài hạn từ 5 năm trở lên, nhằm tái cơ cấu nợ công theo hướng lành mạnh hơn.
Tuy nhiên, theo báo cáo từ Bộ Tài chính, riêng trong tháng 5, KBNN đã tổ chức 8 phiên đấu thầu trái phiếu, tổng số huy động đạt 3.408 tỷ đồng, trong đó kỳ hạn 5 năm là 71 tỷ đồng; kỳ hạn 15 năm là 3.337 tỷ đồng, bằng 22,5% so với tháng 4/2015 (13.523,4 tỷ đồng) và bằng 13,7% so với cùng kỳ năm 2014 (22.203,1 tỷ đồng).
Lũy kế huy động vốn đến thời điểm 31/5/2015 là 72,9 nghìn tỷ đồng (trong đó kỳ hạn 5 năm chiếm 57,91%, kỳ hạn 10 năm chiếm 15,32% (kỳ hạn 15 năm chiếm 26,77%), đạt 29,17% kế hoạch cả năm. Kỳ hạn vay trung bình năm 2015 đến thời điểm 29/5/2015 là 8,44 năm.
Lý giải cho tỷ lệ huy động đạt thấp, KBNN cho biết, trong tháng 5, tình hình thị trường diễn biến không thuận lợi cho công tác huy động vốn. Khối lượng trái phiếu dự thầu và trúng thầu đều giảm, lãi suất trúng thầu tăng 10 điểm đối với kỳ hạn 15 năm.
Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại tập trung nguồn vốn cho nền kinh tế, nên nguồn vốn dành cho TPCP bị giảm đi.
Đề ra giải pháp
Ngoài nguyên nhân được KBNN chỉ ra khiến cho việc huy động vốn thông qua kênh phát hành TPCP bị sụt giảm, Bộ Tài chính cho biết, còn có nguyên nhân theo yêu cầu của Quốc hội, bắt đầu từ năm 2015 chỉ phát hành các loại trái phiếu có kỳ hạn 5 năm trở lên.
Trong khi đó, theo báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia mới đây, nguyên nhân khiến huy động vốn sụt giảm là do chính sách tiền tệ thắt chặt, các ngân hàng thương mại đẩy mạnh hoạt động tín dụng, giảm đầu tư vào TPCP.
Còn nếu đầu tư vào TPCP thì các ngân hàng này cũng chọn loại TPCP có kỳ hạn dưới 5 năm nhằm đảm bảo tốt hơn danh mục đầu tư, nên loại trái phiếu có kỳ hạn 5 năm trở lên đã không được các ngân hàng này quan tâm nhiều.
Tuy nhiên còn một nguyên nhân sâu xa nữa là theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư 36/2014/TT- NHNN, chỉ cho phép các tổ chức tín dụng là Ngân hàng Nhà nước được đầu tư mua TPCP theo tỷ lệ tối đa so với nguồn vốn ngắn hạn là 15% và 35% đối với ngân hàng cổ phần, và 15% dành cho chi nhánh nước ngoài. Điều này đồng nghĩa với việc Ngân hàng Nhà nước không khuyến khích các tổ chức tín dụng tham gia thị trường trái phiếu.
Để khắc phục tình trạng này, một số chuyên gia kinh tế đang đưa ra đề xuất Quốc hội cần xem xét sửa đổi Nghị quyết 78 để tạo ra các chính sách linh hoạt và dựa trên các điều kiện thực tế của thị trường. Do đó, việc phát hành TPCP với các kỳ hạn ngắn 1, 2 và 3 năm nên tiếp tục đươc duy trì song song với loại TPCP có kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên.
Về phía Bộ Tài chính cũng đã tìm ra giải pháp trước mắt là mở thêm kênh huy động vốn cho NSNN thông qua việc phát hành riêng lẻ trái phiếu bằng ngoại tệ (trong cuối tháng 4 vừa qua đã phát hành cho Vietcombank với mức lãi suất xoay quanh 4,8%/năm cho kỳ hạn 5 - 10 năm) bên cạnh các cải tiến trong phát hành TPCP từ phía KBNN như: thí điểm phát hành TPCP không thanh toán lãi định kỳ để đa dạng các sản phẩm trên thị trường; hoán đổi kéo dài kỳ hạn trái phiếu để tái cấu trúc danh mục nợ TPCP, nhằm giãn áp lực trả nợ cho NSNN trong những năm tới…/.