Huy động vốn trong và ngoài nước đầu tư cho y tế
Trước tình hình nhu cầu đầu tư cho y tế ngày càng lớn, ngân sách nhà nước không thể đáp ứng hết được, Bộ Y tế và các địa phương đã, đang triển khai các giải pháp huy động nguồn lực từ vay vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị.
Đến nay nhiều dự án đã đăng ký nhu cầu vay vốn tín dụng khoảng 46.000 tỷ đồng; số vốn đã giải ngân đến nay cho các dự án khoảng hơn 6.500 tỷ đồng.
Trong thời gian qua, Bộ Y tế và các địa phương đã nghiên cứu, xây dựng các mô hình đầu tư PPP trong lĩnh vực y tế phù hợp với điều kiện Việt Nam. Đã có một số dự án PPP đang trong giai đoạn chuẩn bị, một số dự án PPP đầu tư trên đất của các cơ sở y tế công lập và nhà đầu tư bỏ vốn xây dựng bệnh viện. Việc triển khai các dự án đầu tư theo hình thức này, góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng hệ thống y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ người dân.
Hiện nay, Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xây dựng thông tư hướng dẫn về thực hiện PPP trong ngành Y tế với các nội dung phù hợp theo quy định của luật và các nghị định hướng dẫn.
Bộ Y tế đã tiếp tục xây dựng các dự án để huy động các nguồn vốn ngoài nước (ODA) cho y tế. Bộ đã xây dựng và được Chính phủ phê duyệt các dự án như: Dự án vay vốn Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng phát triển Châu Á để đầu tư cho y tế cơ sở các tỉnh miền núi, khó khăn; Dự án vay vốn của Chính phủ Nhật Bản đầu tư xây dựng bệnh viện Chợ Rẫy cơ sở 2; Dự án vay vốn Hàn Quốc đầu tư cơ sở 2 của Trường Đại học Dược Hà Nội.
Hiện tại, Bộ này đang đề xuất dự án vay vốn ADB đầu tư cơ sở 2 của Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Y Hà Nội; một số dự án đầu tư cho một số bệnh viện tỉnh, huyện... Trong thời gian tới sẽ tập trung vào các dự án mà các bệnh viện vay lại toàn bộ hoặc một phần, để giảm gánh nặng nợ công và trả nợ của Chính phủ.
Sẽ tính đúng, tính đủ chi phí trong giá dịch vụ
Bên cạnh việc huy động các nguồn vốn vay để đầu tư vào lĩnh vực y tế, Bộ Y tế đã đề xuất Bộ Tài chính bổ sung các cơ chế đặc thù cho riêng ngành Y tế vào dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 16/2015/NĐ-CP theo hướng đổi mới cơ chế tài chính, giá dịch vụ y tế, đổi mới phương thức quản lý đơn vị sự nghiệp công lập.
Cụ thể, phân loại đơn vị làm 4 nhóm: Tự bảo đảm chi thường xuyên và đầu tư; tự bảo đảm chi thường xuyên; tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị do ngân sách bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên. Đồng thời, xây dựng lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế. Hiện nay, đã tính chi phí trực tiếp và tiền lương theo mức 1.490.000 đồng. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Quốc hội đã thống nhất “trước mắt chưa triển khai điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7/2020”, vì vậy, trong thời gian tới tạm thời chưa điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo mức lương cơ sở 1.600.000 đồng/người/tháng và trong năm 2020 cũng chưa tính chi phí quản lý trong giá.
Đến nay, 100% đơn vị sự nghiệp đã được phân loại, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính theo các nhóm quy định tại một số nghị định của Chính phủ. Số đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên ngày càng tăng, các đơn vị do ngân sách bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên (có nguồn thu nhỏ hơn 10% chi thường xuyên) giảm.
Tính đến năm 2019, trên cơ sở tổng hợp 55/63 báo cáo của các tỉnh với tổng số 2.016 đơn vị thì có khoảng 240 đơn vị đã tự đảm bảo chi hoạt động thường xuyên, chiếm 11,9% tổng số đơn vị sự nghiệp; đối với 1.250 đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên thì mức tự bảo đảm từ nguồn thu cũng rất cao, nhiều đơn vị đã bảo đảm được từ 80 - 90%. Kết quả đó đã góp phần giảm chi ngân sách khoảng 10.000 tỷ đồng/năm.
Đối với các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế quản lý, năm 2020 đã có 33/84 (39%) số đơn vị. Số đơn vị, nhất là các bệnh viện tự bảo đảm được chi thường xuyên tăng nhanh do thực hiện được giá dịch vụ có tiền lương. Bộ Y tế đã tham mưu và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP thí điểm tự chủ 4 bệnh viện thuộc Bộ Y tế (Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện K). Số đối tượng hưởng lương từ ngân sách giảm 32.924 người, tiền lương phải chi khoảng 3.175 tỷ đồng/năm; giảm ngân sách cấp cho các bệnh viện./.