Cần có các quy định mới
Lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp (TCDN), Bộ Tài chính cho biết, các DNNN trước đây đã chuyển sang công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu hoạt động theo Luật DN, nên trong thực tế việc quản lý và xử lý nợ không thể thực hiện theo NĐ 69. Hơn nữa, phạm vi xử lý của nghị định này là các nợ tồn đọng trước thời điểm 31/12/2000, vì vậy đến thời điểm này, không còn được áp dụng.
Bên cạnh đó, NĐ 69 chỉ tập trung đến việc xử lý nợ mà chưa đề cập nhiều đến trách nhiệm của chủ sở hữu, DN trong việc quản lý nợ. Ngoài ra, giá trị và tổng nợ phải thu, nợ phải trả của các tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) nhà nước có xu hướng gia tăng. Do vậy cần có các quy định chặt chẽ để quản lý các khoản công nợ này.
Mặt khác, nội dung của NĐ 69 dựa trên cơ sở Luật DNNN (năm 2003). Đến thời điểm này, Luật DNNN đã được thay thế bởi Luật DN (năm 2005), dẫn đến cần xem xét ban hành nghị định mới thay thế NĐ 69 cho phù hợp với các quy định mới của Luật DN.
Theo một lãnh đạo cục TCDN, đã đến lúc, cần nhanh chóng ban hành nghị định về quản lý nợ DN thay thế NĐ 69, nhằm đảo bảo sự đồng bộ và phù hợp với các quy định mới.
Có cơ chế chịu trách nhiệm cá nhân
Dự thảo nghị định thay thế NĐ 69 đang được Bộ Tài chính chủ trì xây dựng. Một trong những nội dung quan trọng là thành lập mô hình Công ty Mua bán nợ quốc gia (hay Công ty Mua bán nợ Việt Nam). Theo đó, DNNN gặp khó khăn trong quá trình xử lý, thu hồi nợ có thể bán cho Công ty Mua bán nợ Việt Nam với mức giá thỏa thuận hợp lý.
Các khoản nợ đó, Công ty Mua bán nợ Việt Nam được xử lý bằng các hình thức: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh của khách nợ; áp dụng mức lãi suất của khoản nợ đã mua cho phù hợp với khả năng trả nợ của khách nợ và điều kiện thị trường; thực hiện tái cơ cấu lại DN cùng với việc chuyển nợ, tài sản thành vốn góp của Công ty Mua bán nợ Việt Nam; bán các khoản nợ và tài sản đã mua theo phương thức thỏa thuận trực tiếp, chào giá cạnh tranh hoặc tổ chức đấu giá công khai theo quy định của pháp luật; tổ chức thu hồi nợ theo quy định, tổ chức đòi nợ trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức khác cung cấp dịch vụ đòi nợ hoạt động hợp pháp tại Việt Nam...
Cũng theo dự thảo quy định: Hội đồng thành viên, chủ tịch hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, tổng giám đốc, giám đốc DN có trách nhiệm xử lý kịp thời các khoản nợ.
Nếu không xử lý kịp thời các khoản nợ không thu hồi được theo quy định, để chủ sở hữu có văn bản nhắc từ 2 lần trở lên, căn cứ vào hậu quả của việc xử lý chậm ảnh hưởng đến tình hình tài chính, kết quả kinh doanh của DN, chủ sở hữu quyết định hình thức kỷ luật (cảnh cáo, miễn nhiệm) đối với từng chức danh trên của DN.
Nếu vì không xử lý kịp thời dẫn đến thất thoát vốn của chủ sở hữu tại DN thì phải đền bù thiệt hại bằng tài sản cá nhân, chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu và trước pháp luật.