Giá vàng (giao ngay, tại thị trường New-york) tăng trong 2 tuần đầu tháng 3/2014, giảm ở 2 tuần cuối tháng. Cụ thể: từ 1.338,30 USD/ounce (ngày 2/3) tăng lên các mức 1.340,00 USD/ounce (7/3), 1.366,00 USD/ounce (ngày 12/3) và 1.387,20 USD/ounce (ngày 15/3); sau đó giảm trở lại về các mức: 1.366,90 USD/ounce (ngày 17/3), 1.311,80 USD/ounce (ngày 24/3), 1.293,80 USD/ounce (ngày 27/3) và 1.285,00 USD/ounce (ngày 31/3). Mức giá trung bình trong tháng ngày: 1.336,25 USD/ounce, thấp nhất 1.283,00 USD/ounce, cao nhất 1.392,50 USD/ounce.
Căng thẳng giữa Nga và các quốc gia phương Tây trong vấn đề Ukraine là yếu tố quan trọng hỗ trợ tăng giá vàng với vai trò là tài sản trú ẩn an toàn trước những biến động chính trị khó lường ở quốc gia Đông Âu. Giá vàng đã chạm mức cao nhất 6 tháng (kể từ tháng 10/2013) sau thời điểm quân đội của Nga vào bán đảo Crime cuối tuần trước.
Tuy nhiên, căng thẳng lắng dịu tại bán đảo Crime và tình hình kinh tế Mỹ khả quan là yếu tố hỗ trợ giá vàng giảm dần vào 15 ngày cuối tháng.
Quý I/2014: Giá vàng tăng liên tục, lần lượt vượt qua các mốc 1.269,30 USD/ounce (ngày 20/1), 1.310,22USD/ounce (ngày 10/2), đạt mốc 1.383,90 USD/ounce (ngày 10/3), cao nhất trong 6 tháng. Nguyên nhân chủ yếu khiến giá vàng tăng là:
Nhu cầu vàng vật chất tăng cao (sau khi giá vàng sụt giảm mạnh (gần 30%) trong năm 2013, đặc biệt là nhu cầu từ Trung Quốc. Tết Âm lịch là thời điểm nhu cầu vàng của người Trung Quốc tăng mạnh. Theo Hiệp hội Vàng Trung Quốc (CGA), năm 2013, Trung Quốc đã vượt Ấn Độ, trở thành nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới. Năm 2013 Trung Quốc đã mua 1.176 tấn vàng, tăng 41,36% so với năm 2012, trong đó 717 tấn vàng làm nữ trang, 376 tấn vàng dùng để đầu tư, 49 tấn dùng trong công nghiệp, 35 tấn cho các mục đích khác.
Căng thẳng giữa Nga và các quốc gia phương Tây trong vấn đề Ukraine hỗ trợ giá vàng tăng trong tháng 3/2014, chạm mức cao nhất trong 6 tháng (kể từ tháng 10/2013) sau thời điểm quân đội của Nga vào bán đảo Crime.
Từ 10/3 đến 31/3/2014, giá vàng giảm do căng thẳng lắng dịu tại bán đảo Crưm và tình hình kinh tế Mỹ khả quan.
Thị trường trong nước, trong tháng 3/2014, thị trường vàng miếng trong nước dao động quanh mức 36 triệu đồng/lượng. Mặc dù giá vàng thế giới giảm sâu, mất ngưỡng 1.300 USD/Ounce nhưng giá vàng trong nước giảm rất chậm so với giá thế giới hoặc vẫn đứng im. Sự lệch pha này, khiến chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá thế giới được nới rộng hơn. So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng trong nước hiện đang cao hơn giá vàng thế giới hơn 2,5 triệu đồng/lượng.
Giá bán vàng 99,99% tại các công ty kinh doanh vàng bạc Nhà nước tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh dao động lần lượt ở mức 3,617-3,615 triệu đồng/chỉ (đầu tháng), đến cuối tháng, giá vàng giảm nhẹ và dao động phổ biến ở mức 3,558-3,555 triệu đồng/chỉ, với mức giảm lần lượt là 59.000-60.000 đồng/chỉ.
Quý I/2014: Những tháng đầu năm 2014, thị trường vàng trong nước kém sôi động cả về giá và lượng giao dịch. Trong bối cảnh xu hướng mua vàng đang hạ nhiệt, thì việc dừng cung vàng ra thị trường thông qua các phiên đấu thầu vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước là điều tất yếu xảy ra. Có thể nói, trong giai đoạn Quý I/2013, thị trường vàng miếng trong nước ổn định cả về giá và tình hình cung cầu.
Chỉ số giá vàng trong nước giảm trong tháng 1/2014 và tăng trong tháng 2, tháng 3/2014. Chỉ số giá vàng các tháng (so cùng kỳ tháng trước) như sau: tháng 1 giảm 1,82%, tháng 2 tăng 1,87%, tháng 3 tăng 3,31%. Chỉ số giá vàng bình quân quý I/2014 giảm 21,77% so với cùng kỳ năm 2013./.