Việc Ngân hàng Nhà nước (ngày 19.8) tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa Đồng Việt Nam và Đô La Mỹ thêm 1,0%, đồng thời tiếp tục tăng biên độ tỷ giá từ ± 2,0% lên ± 3,0% sẽ làm cho giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam tính theo đồng Việt Nam đắt lên, có thể tác động khiến mặt bằng giá trong nước từ nay đến cuối năm 2015 tăng.
Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng một số hàng hoá, dịch vụ có thể tăng trong dịp tết Trung thu, chuẩn bị năm học mới 2015-2016; đồng thời, mùa mưa bão tiếp diễn... có thể gây sức ép lên mặt bằng giá.
Tuy nhiên, trong tháng 9.2015 cũng có nhiều yếu tố giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá như giá nhiều hàng hoá nguyên nhiên vật liệu thiết yếu trên thị trường thế giới dự báo tiếp tục xu hướng giảm hoặc ở mức thấp.
Trong nước, cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ tiếp tục được giữ vững; tác động theo độ trễ của việc điều chỉnh giảm giá xăng dầu trong tháng 8.2015 đến mặt bằng giá chung; các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp tăng cường quản lý, kiểm soát, bình ổn thị trường, giá cả theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 2.1.2014 của Chính phủ; chương trình bình ổn thị trường phục vụ mùa khai trường 2015-2016 được thực hiện hiệu quả tại một số địa phương (điển hình là TP Hồ Chí Minh)...
Trước đó, khi giá xăng, dầu giảm liên tục trong thời gian qua và việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá sẽ có thể có những tác động nhất định đến thị trường, Bộ Tài chính đã có công văn số 11198/BTC-QLG ngày 14.8.2015 chỉ đạo Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các Sở, ngành liên quan (Công thương, Giáo dục, Y tế, Quản lý thị trường, Thuế, Công an, Hải quan...) tiếp tục tham mưu và triển khai tăng cường công tác quản lý, bình ổn giá trên địa bàn, trong đó có giá cước vận tải bằng xe ô tô.
Tiếp đến, ngày 25.8.2015, Bộ Tài chính tiếp tục có Công văn số 11707/BTC-QLG đề nghị Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp triển khai tăng cường công tác quản lý, bình ổn giá trên địa bàn, trong đó yêu cầu và giám sát chặt chẽ việc kê khai lại giá cước đối với dịch vụ vận tải bằng xe ô tô phù hợp với biến động giảm của chi phí nhiên liệu đến giá cước vận tải.
Trên cơ sở các văn bản của Bộ Tài chính, ngày 27.8.2015, Bộ Giao thông vận tải có Công văn số 11473/BGTVT-VT yêu cầu Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện kê khai và niêm yết giá cước vận tải theo quy định.
Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) theo quy định; có văn bản đề nghị Hiệp hội Vận tải ô tô tại địa phương tuyên truyền, vận động các đơn vị vận tải trên địa bàn thực hiện việc kê khai và niêm yết giá cước theo quy định và đảm bảo nguyên tắc điều chỉnh giảm giá cước vận tải đường bộ phù hợp theo mức giảm giá nhiên liệu.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải, các địa phương (như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng...) cũng đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện.
Song song với đó, trong tháng 8.2015, Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan) đã triển khai kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá tại một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng như: khí hóa lỏng (LPG), vắc xin phòng bệnh cho gia súc gia cầm, phân đạm, thuốc bảo vệ thực vật; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thẩm định giá tại một số doanh nghiệp thẩm định giá. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ kê khai giá của doanh nghiệp đối với danh mục hàng hóa, dịch vụ kê khai giá tại Bộ Tài chính.
Tại một số địa phương, Sở Tài chính cũng tiếp tục phối hợp với các Sở, ban ngành liên quan tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí, đặc biệt đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu trên địa bàn.