Điều này sẽ tạo ra sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp (DN) trong nước và nước ngoài. Ông Nguyễn Đoàn Thăng - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông cho rằng, để vượt qua thách thức này thì DN phải đổi mới để phát triển, nếu không sẽ chết.
PV: Theo Hiệp định ATIGA, năm 2015 cơ bản hàng hóa nhập khẩu từ các nước ASEAN sẽ có mức thuế suất 0%. Chỉ còn 7% dòng thuế được linh hoạt điều chỉnh đến năm 2018. Điều này sẽ tác động như thế nào đến DN Việt Nam?
Ông Nguyễn Đoàn Thăng: Nói về Hiệp định ATIGA, ngay từ 2010, 6 nước ASEAN là: Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippine, Brunei đã mở cửa thị trường hoàn toàn, các DN của họ đã được cọ sát, đã được chuẩn bị từ năm 2010. Họ lại đi trước chúng ta hàng chục năm, năng suất lao động gấp ta từ 2,5 đến 15 lần…
Trong khi đó Việt Nam, Lào, Campuchia, Myamar được ưu ái lùi thời hạn, nhưng đến hết 2015 tuyệt đại bộ phận dòng thuế nhập khẩu phải giảm xuống 0%, 7% còn kéo dài thêm, nhưng năm 2018 cũng phải cắt giảm. Nếu sản phẩm không tốt, không đẹp, không rẻ, không bền sẽ không cạnh tranh được ngay ở thị trường trong nước. Ta mở cửa để hàng nước ngoài tự do thâm nhập thị trường Việt Nam. Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan… cũng mở cửa để hàng Việt Nam tự do thâm nhập vào thị trường của họ.
Nhưng làm sao để sản phẩm của ta vượt qua được những hàng rào kỹ thuật kiểu mới, không phải để bảo vệ hàng nội địa mà nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, bảo vệ sở hữu trí tuệ và nâng cao chất lượng cuộc sống con người, đang là thách thức lớn.
|
|
 |
Để vượt qua thách thức này thì DN phải đổi mới để phát triển, nếu không sẽ chết. |
 |
 |
Ông Nguyễn Đoàn Thăng |
|
|
PV: Ông vừa nói đến những thách thức khi thị trường được mở cửa, thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng sẽ về 0% theo cam kết của AFTA. Vậy thách thức đối với Rạng Đông là gì? Ông có nhận định gì về làn sóng đầu tư nước ngoài tại Việt Nam?
Ông Nguyễn Đoàn Thăng: Khi các hiệp định được ký kết, tự do hóa đầu tư sẽ diễn ra, Việt Nam sẽ là nơi thu hút mạnh từ các DN nước ngoài. Song với trình độ nguồn nhân lực thấp, trình độ khoa học và công nghệ thấp, trình độ quản trị thấp, liệu chúng ta có tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu hay chính người tài của chúng ta lại bị các công ty nước ngoài thu hút.
Tất cả những thách thức đó đã được đặt ra. Riêng với Công ty Rạng Đông, câu hỏi “tồn tại hay không tồn tại; đổi mới để tiếp tục phát triển hay là chết?” đã đặt ra trước 3.000 cán bộ công nhân viên Công ty Rạng Đông trong “năm thi đua nước rút”, trong năm cuối cùng Khẩn trương - Tăng tốc - Quyết liệt và Đồng bộ thực hiện Chiến lược tái cấu trúc toàn diện công ty do Đại hội Đảng bộ của đơn vị nhiệm kỳ 23 (2010 - 2015) đặt ra.
Hiện nguồn lực vật chất, điều kiện duy trì hoạt động bình thường của công ty năm 2015 đã được chuẩn bị và cơ bản đã tạm ổn, mọi người có thể yên tâm thực hiện chương trình của năm thi đua nước rút, chuẩn bị ứng phó với những thách thức đang đến rất gần. Chúng tôi hiểu rõ thách thức thực sự sẽ đến vào năm 2016 - 2017.
PV: Là người chèo lái “con thuyền" Rạng Đông, ông đã có kế hoạch gì để tận dụng được cơ hội, vượt qua thách thức trong những năm tới đây?
Ông Nguyễn Đoàn Thăng: Chúng tôi hiểu rằng, Rạng Đông sắp bước vào cuộc cạnh tranh cam go và khốc liệt, không còn hàng rào bảo hộ, phải tự đứng lên trên đôi chân của mình, trong một thị trường rộng lớn, một công xưởng ASEAN, một cộng đồng ASEAN thống nhất.
Đó là chưa kể Hiệp định tự do hóa thương mại Trung Quốc - ASEAN đang tiến đến những mốc cuối của lộ trình giảm thuế nhập khẩu. Cuộc đấu sắp tới đối với chúng tôi là cuộc đấu không cân sức, cả về vốn liếng để đầu tư những dây chuyền hiện đại nhất, trình độ khoa học - công nghệ, trình độ đội ngũ và cả kinh nghiệm trên thương trường.
Để đương đầu với thách thức mới, Hội nghị cán bộ công nhân lao động của công ty đã nhất trí phải tiến hành đổi mới, mà cốt lõi nhất là phát huy nhân tố con người.
PV: Xin cảm ơn ông.
Mở rộng thị trường xuất khẩu để dần thích nghi
Để sản phẩm xâm nhập thị trường nước ngoài, Công ty Rạng Đông đã không ngừng tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu. Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu tăng 45,7% đạt 421 tỷ đồng, tăng 132 tỷ đồng so với năm 2013. Trong đó phích và ruột phích xuất khẩu đạt 8,743 ngàn sản phẩm gấp 2,5 lần và kim ngạch xuất khẩu phích tăng 85 tỷ đồng so 2013. Tất cả những phấn đấu đó đã đưa doanh số tiêu thụ toàn công ty năm 2014 đạt 2.805 tỷ đồng, tăng 12,5% so 2013, tăng 311 tỷ so với năm.
Sau 10 năm cổ phần hóa, từ số vốn Nhà nước giao là 79,150 tỷ đồng thì đến nay vốn chủ sở hữu đạt được 503 tỷ đồng tăng gấp 6,35 lần. Nộp ngân sách 219,2 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2013.
|