Theo dữ liệu của Trung tâm Thông tin Tín dụng (CIC), từ trước tới nay có khá nhiều doanh nghiệp cùng lúc có quan hệ tín dụng với nhiều ngân hàng thương mại. Sự phức tạp liên quan chỉ thực sự nổi lên vài năm gần đây, khi hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn và nợ xấu tăng cao.
Tại một cuộc tọa đàm cuối tháng 5/2013, đại diện một số lãnh đạo ngân hàng băn khoăn khi bàn về tiêu chuẩn phân loại nợ, gắn với những doanh nghiệp có nhiều mối quan hệ tín dụng như vậy.
Một phía ý kiến cho rằng, doanh nghiệp cùng lúc có nhiều khoản vay tại các tổ chức tín dụng khác nhau, nếu một khoản vay trở thành nợ xấu, tất cả các khoản còn lại cũng bị xem là nợ xấu - dù chưa quá hạn. Điều này trên thực tế có những tình huống “oan” cho cả doanh nghiệp lẫn ngân hàng.
Theo góc nhìn trên, một doanh nghiệp kinh doanh đa ngành, mảng bất động sản gặp khó khăn và vướng nợ xấu, nhưng mảng thương mại vẫn hiệu quả, khoản vay ở dự án thương mại bị đánh giá theo khoản nợ xấu ở mảng bất động sản là không hợp lý. Ngân hàng cho vay ở mảng thương mại “vô tình” bị vướng thêm nợ xấu, dù khoản vay chưa quá hạn; doanh nghiệp cũng bị mất điểm xếp hạng tín dụng chung cho toàn bộ hoạt động.
Tuy nhiên, ở góc nhìn ngược lại, quan điểm chung đưa ra là: dù có những khoản vay khác nhau, ở các ngân hàng khác nhau, thuộc các lĩnh vực khác nhau và tình trạng khác nhau, nhưng một khi anh đã không trả nổi khoản này thì khoản khác hoàn toàn cũng dễ bị rủi ro.
Theo đó, trong cơ chế phân loại và trích lập dự phòng thời gian qua, nhiều ngân hàng thương mại đã chủ động áp dụng cơ chế trên: nếu doanh nghiệp có nhiều khoản vay tại mình, hoặc ở ngân hàng khác có một khoản gặp rủi ro, bị xếp vào nhóm nợ cao hơn, thì tất cả các khoản vay khác cũng bị xếp vào nhóm cao đó.
Quy định trên cũng được áp dụng chặt chẽ cho các khoản vay mới. Nói cách khác, doanh nghiệp đã có nợ xấu thì coi như hết cửa vay vốn ngân hàng. Song trên thực tế cũng có một vài trường hợp may mắn, hoặc ngân hàng ở vào tình thế bắt buộc phải cho vay.
Tháng 8/2012, Công ty Thủy sản Bình An (Bianfishco) đứng trên bờ vực phá sản. Hàng trăm tỷ đồng nợ nguy cơ mất vốn, hàng chục tỷ động nợ tiền nguyên liệu các hộ dân là gánh nặng, mà không có ngân hàng nào chìa tay hỗ trợ được nữa. Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) trở thành cổ đông bất đắc dĩ, cũng như buộc phải cho vay mới để bổ sung vốn lưu động, để có nguồn cho Biafishco trả nợ nông dân, để bắt đầu tái cơ cấu và nuôi hy vọng thu hồi nợ.
Tương tự, đầu năm nay, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cũng phải bấm bụng cho Công ty Thủy sản Phương Nam vay thêm 300 tỷ đồng, để có vốn mồi thực hiện tái cơ cấu, tránh công ty này phá sản và mất luôn khối nợ lớn.
Với Biafishco và Thủy sản Phương Nam, ngân hàng bấm bụng cho vay bởi tình thế bắt buộc, cho vay doanh nghiệp đang nặng nợ xấu, khoản vay mới cũng phải phân loại ở nhóm rủi ro cao và phải thực hiện trích lập dự phòng tương ứng. Tất nhiên, đây là vốn vay ngắn hạn, hai bên có thể áp dụng các kỹ thuật để đảo hoặc xoay để trách chi phí trích lập vào cuối kỳ, cũng như có cơ chế giám sát dòng tiền chặt chẽ và cử người trực tiếp tham gia quản lý điều hành…
Qua những thực tế đó cho thấy, doanh nghiệp yếu, thậm chí sắp phá sản vẫn có cơ hội nào đó để vay vốn ngân hàng. Nhưng những trường hợp trên là quá đặc biệt. Cơ hội không mở rộng cho số đông.
Ngày 14/10 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước có văn bản số 7558, mở cơ chế cho phép tổ chức tín dụng không xem xét các điều kiện về các khoản nợ cũ khi khách hàng vay vốn mới có dự án, phương án kinh doanh có hiệu quả, đảm bảo thu hồi được nợ.
Nhà điều hành đã bật đèn xanh, cho phép tổ chức tín dụng cho vay mới doanh nghiệp đang vướng nợ xấu mà không bị xếp khoản vay mới vào nợ xấu. Điều này có ý nghĩa lớn với những doanh nghiệp còn hy vọng phục hồi, hay ít nhất là tạo điều kiện để có thể tìm nguồn lực mới chống đỡ cho những khó khăn hiện nay.
Song, giữa muốn và được vẫn là khoảng cách lớn. Cơ chế đã nới, nhưng ngân hàng không hẳn sẵn sàng, dù áp lực tăng trưởng tín dụng đang dồn vào cuối năm, dù vốn khả dụng dư thừa và cần đẩy mạnh cho vay để có thể cải thiện lợi nhuận…
Tại cuộc họp 14 ngân hàng thương mại lớn trong tuần qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã “hỏi thăm” về tình hình triển khai cơ chế theo văn bản 7558 nói trên. Tuy nhiên, câu trả lời là sự thận trọng của các thành viên.
Đại diện Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) gián tiếp trả lời khi đưa ra quan ngại: giả sử cho vay doanh nghiệp yếu, đang có nợ xấu ở tổ chức tín dụng khác, họ vay và đem vốn mới đi trả cái nợ đó mà không đưa vào khôi phục sản xuất kinh doanh thì sao?
Không tham dự cuộc họp trên, song khi trao đổi với Thời báo Tài chính Việt Nam Online, phó chủ tịch hội đồng quản trị một ngân hàng thương mại nói chắc: “Đương nhiên là không thể cho vay!”.
Vị lãnh đạo ngân hàng này lý giải, cơ chế đã có nhưng trong tình huống này các ngân hàng cũng phải tự bảo vệ lấy mình. Như ý kiến trên, điều lo ngại nhất là doanh nghiệp vay vốn để đi trả ngân hàng khác, trong khi ngân hàng cho vay không thể trực tiếp cử người vào nắm sổ sách và quản lý dòng tiền trực tiếp như trường hợp của Biafishco hay Thủy sản Phương Nam…
Cũng từ tình huống trên, phó chủ tịch ngân hàng nọ cho rằng, thực tế thời gian qua có nhiều trường hợp doanh nghiệp đi vay vốn để trả nợ cũ. Điều mà ông lưu ý là trong phần trả nợ cũ là có cả phần lãi cho khoản nợ đó.
“Vậy thì hãy xem, tăng trưởng tín dụng thấp và chật vật đã đành, nó lại còn không thực chất hoàn toàn. Trong phần tăng trưởng tín dụng còn có cả phần vốn dùng để trả lãi ngân hàng chứ không phải hoàn toàn dùng cho sản xuất kinh doanh. Người ta vẫn vay vốn để đảo nợ, vay để có tiền trả lãi cho khoản cũ. Cho nên mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay 12% cũng chỉ là một con số mà thôi, quan trọng là bao nhiêu phần trăm tăng trưởng là thực chất, là có chất lượng và ý nghĩa thực sự”, vị lãnh đạo ngân hàng này nhấn mạnh thêm.