Những quyết sách, những giải pháp đồng bộ, đòi hỏi sức mạnh tổng hợp và quyết tâm là vấn đề hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay. TBTCVN đã ghi lại những quyết tâm đó của một số lãnh đạo các bộ, ngành nhân dịp đầu năm Giáp Ngọ.
Nông nghiệp Việt Nam những thách thức và cơ hội lớn
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết: Năm 2013, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành Nông nghiệp ước đạt 27,5 tỷ USD, tăng 0,7% so với năm 2012 (tăng 300.000 USD so với năm 2012), thặng dư thương mại đạt hơn 8,5 tỷ USD, trong đó: Thủy sản đạt 6,7 tỷ USD, đồ gỗ và sản phẩm từ gỗ 5,5 tỷ USD, rau quả tăng 25,7%, hạt điều tăng 12,9%, hạt tiêu tăng 13,4%; tôm ước đạt 3 tỷ USD… Các mặt hàng giảm kim ngạch xuất khẩu gồm: Gạo đạt 3 tỷ USD, giảm 18,7%; cà phê đạt 2,7 tỷ USD, giảm 26,6%; cao su đạt 2,5 tỷ USD, giảm 11,7%.
Mặc dù, đây là năm có nhiều khó khăn, thách thức nhưng nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự hỗ trợ, phối hợp của các cấp, ngành và các địa phương và các đơn vị trong bộ, đặc biệt trong khâu chỉ đạo sản xuất, phòng chống thiên tai, dịch bệnh nên các lĩnh vực sản xuất tiếp tục phát triển, sản lượng hầu hết các sản phẩm đều tăng, chất lượng và an toàn thực phẩm được cải thiện, chương trình nông thôn mới được đẩy mạnh, lan tỏa trên phạm vi cả nước. Các nhiệm vụ khác đều được triển khai thực hiện có kết quả, góp phần duy trì tăng trưởng của nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, ổn định xã hội, cải thiện đời sống của dân cư nông thôn.
Bước sang năm 2014, ngành Nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước những thách thức và cơ hội lớn. Mục tiêu của ngành là: Khuyến khích phát triển chế biến nâng cao giá trị gia tăng là hướng quan trọng và nội dung trọng tâm của chương trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp mà chúng tôi đang nỗ lực để triển khai thực hiện. Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp sẽ tập trung chuyển đổi cơ cấu đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao; đổi mới sản xuất, đào tạo nhân lực… Đồng thời, thực hiện kế hoạch hành động về hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2011 - 2015, tiếp tục triển khai các cam kết, thỏa thuận quốc tế đã ký. Tích cực vận động nguồn tài trợ quốc tế từ các tổ chức quốc tế, các nước và các tổ chức phi chính chính phủ quốc tế để bổ sung vào ngân sách của ngành…
Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, chúng tôi tin tưởng rằng với sự tích cực của bản thân và sự phối hợp của chính quyền địa phương các cấp, đồng bào cả nước ngành Nông nghiệp chúng ta nhất định sẽ có bước chuyển biến trong thời gian tới.
Tăng trưởng phải song hành với ổn định kinh tế vĩ mô
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, mục tiêu tăng trưởng GDP đặt ra cho năm 2014 là 5,8%, năm 2015 là 6 - 6,2%. Để đạt được mục tiêu này, điều kiện tiên quyết là phải đảm bảo được sự ổn định kinh tế vĩ mô. Nếu không đảm bảo được điều này, lạm phát sẽ quay trở lại, lãi suất tăng lên, doanh nghiệp còn khó khăn hơn.
|
|
 |
Mục tiêu tăng trưởng GDP đặt ra cho năm 2014 là 5,8%, năm 2015 là 6 - 6,2%. Để đạt được mục tiêu này, điều kiện tiên quyết là phải đảm bảo được sự ổn định kinh tế vĩ mô. |
 |
|
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh
|
|
|
Tiếp đó, phải vực dậy được sản xuất ở tất cả các cấp, các ngành trong xã hội, nhất là lực lượng doanh nghiệp, các hộ sản xuất trong nông nghiệp. Các doanh nghiệp có điều kiện, có định hướng tốt, sản phẩm tốt… cần tạo điều kiện để được tiếp cận với vốn lãi suất thấp. Phải có chủ trương chỉ đạo rạch ròi về điều này. Nguồn tiền phải đưa được đến với các doanh nghiệp này để họ đầu tư vào các mặt hàng xuất khẩu cũng như tiêu thụ. Cùng với đó, dành ưu tiên tín dụng vào khu vực sản xuất các mặt hàng truyền thống, các hộ sản xuất nông nghiệp có thị trường tốt.
Song song với đó, phải khai thác tốt hơn nữa nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, đó là các doanh nghiệp tư nhân trong nước và khu vực tư nhân của nước ngoài. Nếu khôi phục được tiềm lực, sự trỗi dậy của khối doanh nghiệp tư nhân trong nước và nước ngoài, chúng ta sẽ có nguồn lực tốt, góp phần thiết thực vào thực hiện mục tiêu tăng trưởng 5,8% cho năm 2014.
Tuy nhiên, một lần nữa tôi cũng phải nhắc lại rằng, việc Việt Nam có đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững, cùng với ổn định kinh tế hay không phụ thuộc ở chính Việt Nam. Việt Nam có cải cách mạnh mẽ và cải cách đúng vào những lĩnh vực cần cải cách hay không? Nếu không, hai năm tới, cũng không thể có tăng trưởng mạnh. 5 năm sau còn khó khăn hơn nữa.
Tiếp tục phối hợp, thực hiện đồng bộ chính sách tiền tệ
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết: Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai đồng bộ các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Các giải pháp đó là chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ thanh khoản của hệ thống, ổn định thị trường tiền tệ, đồng thời đảm bảo kiểm soát tiền tệ theo mục tiêu lạm phát; chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tích cực có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng để đáp ứng các nhu cầu vốn của nền kinh tế, đặc biệt là đối với các lĩnh vực ưu tiên, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Việc điều hành chính sách tiền tệ kết hợp chặt chẽ, đồng bộ với các giải pháp điều hành tỷ giá đã góp phần ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, giảm tình trạng đô la hóa, củng cố niềm tin vào VND và các giải pháp điều hành của NHNN. Về cơ bản năm 2013, tỷ giá và thị trường ngoại tệ tiếp tục diễn biến khá ổn định, dự trữ ngoại hối nhà nước tiếp tục tăng.
Sau hơn một năm rưỡi triển khai khuôn khổ pháp lý mới về quản lý thị trường vàng có thể khẳng định đến nay quyền sở hữu, tích trữ, mua, bán vàng miếng hợp pháp của người dân được bảo vệ; thị trường vàng miếng đã được sắp xếp lại một cách cơ bản; trật tự, kỷ cương trên thị trường đã được xác lập, tạo tiền đề phục vụ tốt hơn cho nhu cầu của người dân; thị trường vàng đã dần ổn định, sự mất cân đối về cung cầu vàng miếng trong nước đã được thu hẹp đáng kể, từ đó ngăn chặn được ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Vai trò quản lý nhà nước đối với thị trường vàng đã được nâng cao tạo tiền đề tiến tới huy động nguồn lực vàng trong dân, phục vụ quốc kế dân sinh.
Lộ trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD cũng đã có những bước tiến mới. Hệ thống ngân hàng đã tính cực thực hiện các giải pháp để kiềm chế nợ xấu gia tăng và xử lý nợ xấu. Nhờ đó, nợ xấu của các TCTD đã từng bước được xử lý, tốc độ gia tăng nợ xấu đã giảm dần. Trong năm 2012 và 10 tháng đầu năm 2013, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các TCTD vẫn tích cực trích lập dự phòng rủi ro để tạo nguồn xử lý nợ xấu và chủ động xử lý một khối lượng lớn nợ xấu bằng nguồn dự phòng. Tổng số nợ xấu đã được xử lý và đưa ra theo dõi ngoại bảng là 105,9 nghìn tỷ đồng. Tính đến 29/11/2013, VAMC đã phát hành trái phiếu đặc biệt mua nợ xấu của 23 ngân hàng với tổng số dư nợ gốc 20,17 nghìn tỷ đồng, giá mua khoảng 16,4 nghìn tỷ đồng. Dự kiến đến cuối năm, VAMC sẽ mua được tối thiểu 30-35 nghìn tỷ đồng nợ xấu.
Những thành công bước đầu đã được khẳng định. Tuy nhiên, thách thức trong 2 năm tới (2014-2015) vẫn còn rất lớn, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa chính sách tiền tệ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác, trực tiếp là chính sách tài khóa và chính sách thương mại. Bên cạnh đó, kiên trì điều hành ổn định tỷ giá và quản lý thị trường vàng theo mục tiêu đã đề ra; điều hành hoạt động thị trường tín dụng, bảo đảm cung ứng đủ vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế; đồng thời kiềm chế lạm phát theo chỉ tiêu đã được Quốc hội xác định/.
Tài chính góp phần quan trọng vào sự nghiệp y tế
|
|
 |
Sự liên kết, phối hợp giữa Bộ Y tế và Bộ Tài chính vốn có truyền thống từ lâu, và ngày càng được Lãnh đạo hai Bộ quan tâm, tạo điều kiện phát triển. |
 |
|
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến
|
|
|
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, năm 2013 ngành Y tế đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, ngoài sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ nhân viên y tế còn có sự phối hợp chặt chẽ, sự ủng hộ tích cực của các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Tài chính.
Sự liên kết, phối hợp giữa Bộ Y tế và Bộ Tài chính vốn có truyền thống từ lâu, và ngày càng được Lãnh đạo hai Bộ quan tâm, tạo điều kiện phát triển. Những hoạt động phối hợp giữa hai bộ trong thời gian qua có thể nói là hiệu quả, thiết thực và đã đạt được kết quả; nhiều văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực y tế đã được trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, hoặc được liên Bộ Tài chính, Y tế ban hành. Đặc biệt, Bộ Tài chính đã hướng dẫn, hỗ trợ Bộ Y tế về chuyên môn nghiệp vụ tài chính để sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích các nguồn đầu tư cho lĩnh vực y tế.
Nhân dịp năm mới Giáp Ngọ 2014, tôi xin gửi lời chúc sức khỏe và hạnh phúc tới Quý báo và toàn thể bạn đọc Thời báo Tài chính Việt Nam, chúc Quý vị một năm mới nhiều niềm vui và thành công.
Bệnh tật là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nghèo đói, nhất là những gia đình người bệnh nghèo hoặc cận nghèo, thậm chí cả những gia đình khá giả, vì ngoài chi phí cho chữa bệnh, người bệnh còn mất sức khỏe, mất hoặc giảm cơ hội mưu sinh, ngoài ra còn mất thời gian và chi phí cho người nhà phục vụ... Sinh thời Hải Thượng Lãn Ông nói, mong người ta có sức khỏe, đừng bệnh, để mình có thể làm “ông già lười” (Lãn Ông!). Trong y học hiện đại, điều đó có nghĩa là hãy quan tâm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Thực tế cho thấy nhiều người còn chưa quan tâm đến sức khỏe. Để có sức khỏe tốt, mọi người hãy tự bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho chính bản thân và gia đình mình như: Ăn uống điều độ, đủ chất dinh dưỡng, sử dụng thực phẩm an toàn, tránh lạm dụng những chất béo, bia, rượu…; tập thể dục đều đặn hàng ngày; khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để sớm phát hiện những vấn đề liên quan đến sức khỏe, kịp thời điều chỉnh hoặc chữa trị sớm nếu phát hiện có bệnh. Sức khỏe và vốn quý nhất của mỗi người, chúng ta bảo vệ và trân trọng vốn quý đó.
Triển khai đồng loạt các chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản
Hoàn thiện các dự án luật, tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với thực hiện chiến lược phát triển nhà ở quốc gia là những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2014, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
|
|
 |
Hoàn thiện các dự án luật, tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với thực hiện chiến lược phát triển nhà ở quốc gia là những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2014. |
 |
|
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng
|
|
|
Theo đó, năm 2014 Bộ sẽ tập trung vào các nhiệm vụ được Quốc hội và Chính phủ giao. Thứ nhất, tiếp tục tập trung cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, đặc biệt là Luật Xây dựng (sửa đổi), Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) để trình Quốc hội thông qua....
Trong lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng, sẽ tăng cường kiểm soát chất lượng công trình, quản lý thực hiện có hiệu quả công tác thẩm tra thiết kế - dự toán theo Nghị định 15/2013NĐ-CP…
Trong lĩnh vực quản lý phát triển đô thị, sẽ tập trung thực hiện Nghị định 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị, từng bước tạo cơ sở pháp lý và thực tiễn phục vụ soạn thảo Luật Đô thị.
Trong lĩnh vực nhà ở và quản lý thị trường bất động sản, sẽ tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia để tăng nhanh diện tích nhà ở xã hội phục vụ các đối tượng khó khăn về nhà ở...
Tiếp tục tăng cường quản lý, khai thác vật liệu xây dựng phục vụ trong nước và xuất khẩu, giải quyết vật liệu tồn kho; quản lý thực hiện tốt quy hoạch phát triển xi măng giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030; điều chỉnh quy hoạch tổng thể ngành Vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020.
Xây dựng và hoàn thiện Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp ngành Xây dựng; hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp, tập trung nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng thuộc mọi thành phần kinh tế, phát huy vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước.
Bộ cũng sẽ tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học: chuyển đổi mô hình hoạt động, tăng cường tự chủ, tự hạch toán, lấy thu bù chi, có tích luỹ…
Phối hợp tốt với Bộ Tài chính về điều hành, quản lý giá
Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết: Theo quy định của pháp luật, chủ trì và quản lý nhà nước về giá thuộc phạm vi của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, với chức năng là cơ quan phối hợp trong việc kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định về đăng ký giá và bình ổn giá, trong thời gian qua, Bộ Công thương và Bộ Tài chính đã có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, điều hành giá, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu.
|
|
 |
Tôi hy vọng trong năm mới, năm 2014, hai Bộ vẫn phát huy được mối quan hệ tốt đẹp này trong công tác quản lý, điều hành giá. |
 |
|
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa
|
|
|
Sự phối hợp này thể hiện cả ở khâu xây dựng văn bản pháp luật, đến việc trao đổi thông tin, dự báo tình hình giá cả thị trường hàng hóa, bình ổn thị trường, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu để kịp thời kiến nghị lên Chính phủ các biện pháp can thiệp, giúp ổn định thị trường, giá cả.
Trước những vấn đề “nóng” liên quan đến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu, hai bộ đã chủ động kết hợp, thống nhất sử dụng linh hoạt các công cụ thuế, phí, hạn ngạch thuế quan... trong việc bảo đảm cung cầu, điều tiết bình ổn thị trường, ổn định giá cả (điển hình là mặt hàng xăng dầu, đường, gạo...), chú trọng mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Hai bộ cũng phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc triển khai các chương trình dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường, nhất là trong dịp Tết. Không để xảy ra mất cân đối cung cầu, găm hàng, tăng giá làm mất ổn định thị trường.
Phối hợp trong công tác tuyên truyền, bảo đảm có sự thống nhất, đồng thuận trong công tác quản lý điều hành giá cả, thị trường. Công khai, minh bạch, thông tin đầy đủ để tạo sự đồng thuận của xã hội, hạn chế các thông tin không chính xác, cá biệt dễ gây hiệu ứng tâm lý, gây xáo trộn thị trường.
Riêng đối với mặt hàng xăng dầu, công tác quản lý nhà nước về giá đã và đang được hai Bộ phối hợp thực hiện theo đúng Nghị định 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Tôi hy vọng trong năm mới, năm 2014, hai Bộ vẫn phát huy được mối quan hệ tốt đẹp này trong công tác quản lý, điều hành giá.
Dồn toàn lực để đổi mới toàn diện giáo dục - đào tạo
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết: Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
|
|
 |
Năm 2014, Bộ sẽ bỏ “ba chung” (chung đề thi, chung ngày thi, dùng chung kết quả xét tuyển) trong thi tuyển sinh đại học, cao đẳng. Đây được coi là mở đầu đột phá trong đổi mới nhằm thay đổi cách dạy, cách thi trong trường phổ thông cũng như trong ngành Giáo dục và Đào tạo. |
 |
|
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận
|
|
|
Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp Bộ Lao đông - Thương binh và Xã hội và các bộ, ban ngành liên quan xây dựng dự thảo chương trình hành động thực hiện Nghị Quyết 29-NQ/TW, Bộ đang khẩn trương triển khai.
Theo đó, mục tiêu cụ thể với giáo dục mầm non là giúp trẻ phát triển thể chất, tình cảm, hiểu biết, thẩm mỹ, hình thành các yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị tốt cho trẻ bước vào lớp 1. Đối với giáo dục phổ thông, tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng ngoại ngữ, tin học, năng lực và kỹ năng thực hành. Đối với giáo dục đại học, tập trung đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, phát triển phẩm chất và năng lực tự học, tự làm giàu tri thức, sáng tạo của người học…
Năm 2014, Bộ sẽ đẩy nhanh việc thiết kế, xây dựng chương trình sách giáo khoa phổ thông; tăng tốc và thực hiện cơ cấu lại các cơ sở đào tạo giáo viên, nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở này, vấn đề cốt lõi của đổi mới giáo dục là phải thay đổi từ chính đội ngũ người thầy thì mới có thể đổi mới căn bản, toàn diện và bền vững. Bộ sẽ lựa chọn 6 trường sư phạm lớn nhất của đất nước, làm đầu tàu, động lực để triển khai việc này là Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm Thái Nguyên, Đại học Sư phạm Huế, Đại học Sư phạm Đà Nẵng. Lãnh đạo Bộ đã làm việc với các hiệu trưởng, tham khảo mô hình các nước để xây dựng mô hình phù hợp. Đặc biệt, sẽ sớm hoàn thiện mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia…
Năm 2014, Bộ sẽ bỏ “ba chung” (chung đề thi, chung ngày thi, dùng chung kết quả xét tuyển) trong thi tuyển sinh đại học, cao đẳng. Đây được coi là mở đầu đột phá trong đổi mới nhằm thay đổi cách dạy, cách thi trong trường phổ thông cũng như trong ngành Giáo dục và Đào tạo./.