GAS không đủ sức “dắt” VN-Index
Đợt giao dịch cuối cùng của phiên chiều nay, cổ phiếu GAS bất ngờ nhảy tăng 0,73% so với tham chiếu. Một cố gắng đáng ghi nhận khi khối lượng bán ra không hề nhỏ. Riêng trong đợt khớp lệnh đóng cửa này, chi phí để đẩy GAS tăng chỉ một bước giá cũng đã tốn gần 4 tỷ đồng.
Nhà đầu tư nước ngoài là đối tượng mua chủ yếu trong đợt giao dịch đóng cửa. Cho đến trước khi bước vào đợt này, nhà đầu tư nước ngoài đã mua vào 108.860 cổ phiếu GAS. Như vậy khối này đã mua thêm 34.360 cổ phiếu nữa lúc đóng cửa. Khối lượng mua thêm chiếm 60% mức giao dịch trong đợt cuối của GAS. Cổ phiếu này đang từ mức tham chiếu chuyển sang tăng giá. Tính ra cả phiên hôm nay nhà đầu tư nước ngoài mua vào gần một phần ba lượng giao dịch của GAS.
GAS tăng nhẹ lúc đóng cửa cũng không giúp được VN-Index sụt thêm gần một điểm, rơi xuống mức 499,46 điểm, tương đương giảm 0,23% so với tham chiếu. Chỉ số hẹp của rổ HSX30 là VN30-Index thể hiện rõ hơn biến động giá của các cổ phiếu lớn khác khi không có GAS. Chỉ số này giảm 0,4%, mạnh hơn VN-Index.
Một mình GAS tăng giá đã không đủ lực để nâng đỡ chỉ số. Các mã vốn hóa lớn khác đều sụt giảm hoặc chỉ dừng ở mức tham chiếu. GAS sẽ tạo hiệu quả tốt nhất nếu có sự trợ giúp của VNM, MSN, VIC, VCB hay BVH. Đáng tiếc MSN lại giảm 1,12%, VIC giảm tới 2,27%, VCB giảm 0,37%, còn lại VNM và BVH đứng giá.
Không chỉ có các cổ phiếu lớn nói trên suy giảm, phần lớn các cổ phiếu còn lại trong nhóm HSX30 cũng giao dịch không tốt. 21 mã giảm giá và chỉ có 2 mã tăng giá là KDC và PVD, nhóm cổ phiếu lớn giao dịch thất bại trong phiên này.
Cổ phiếu nhỏ tăng nóng – dòng tiền “lẻ” kiếm ăn?
Nếu chỉ nhìn vào Index ở hai sàn, phiên giao dịch hôm nay không thực sự mạnh. HNX-Index cũng giảm 0,26 điểm, tương đương 0,42%. HNX30-Index giảm 0,8 điểm, tương đương 0,7%. Ở phía ngược lại, khá nhiều cổ phiếu tăng giá tốt, nhưng thanh khoản không có gì ấn tượng, thậm chí là hơi thấp. HSX vẫn có 20 mã trần và HNX cũng có 7 mã.
Phần rất lớn các cổ phiếu tăng giá mạnh trong phiên hôm nay đều nằm ở nhóm vốn hóa nhỏ hoặc vừa của hai sàn. Nhóm cổ phiếu này như thể “miễn dịch” với các giao dịch buồn chán ở các cổ phiếu lớn. Trong số 20 mã kịch trần của HSX, có tới 15 mã đang giao dịch dưới mệnh giá. Cá biệt một số mã tăng trần nhưng giá cũng chỉ vài ngàn đồng và giao dịch vài chục cổ phiếu như VNI, CCL, DRH, BT6, STT, CYC, CIG…
Thị giá quá thấp ở những cổ phiếu này khiến giá trị giao dịch chỉ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Nguồn vốn này quá nhỏ và chắc chắn các nhà đầu tư trung bình cũng không thể giao dịch được chứ chưa nói đến các nhà đầu tư lớn. Số rất ít cổ phiếu dạng này có mức thanh khoản đủ tốt như TMS, HAP, KMR, PVT, ITA.
Các cổ phiếu nhỏ nói trên tăng giá rất tốt trong phiên, thậm chí không biến động nhiều và còn không điều chỉnh - ngay cả lúc VN-Index sụt giảm dưới tham chiếu. Thanh khoản yếu khiến các mã này có thể đi ngược thị trường, tạo nên sự sôi động giả tạo trên thị trường. Đây chỉ là địa chỉ cho các dòng tiền lẻ giao dịch mà thôi.
Thanh khoản giảm trong giai đoạn trống vắng thông tin
Nhóm cổ phiếu lớn ở hai sàn vẫn là các mã chính tạo nên giá trị giao dịch của thị trường. Chẳng hạn rổ HSX30 trong cả phiên hôm nay đóng góp 57% giá trị HSX và HNX30 đóng góp 67%. Tuy nhiên toàn bộ giá trị giao dịch hai sàn vẫn giảm hơn 12%. Chỉ các mã lớn mới có thể hấp dẫn được nhà đầu tư lớn giao dịch với rủi ro thanh khoản thấp. Nhà đầu tư lớn không nhiều lựa chọn trong phiên hôm nay.
Thị trường đã đi gần hết giai đoạn công bố thông tin kết quả kinh doanh quý 2 và bán niên cho năm 2013. Vẫn còn trên 150 doanh nghiệp nữa chưa công bố thông tin. Ngay trong số đã công bố, cũng chỉ có 186 doanh nghiệp có kết quả lãi tăng so với cùng kỳ. Bức tranh kết quả kinh doanh đến nay tuy không quá ảm đạm, nhưng cũng không có gì đặc sắc. Đó là chưa kể đến phần khuất ở số lớn các doanh nghiệp còn lại chưa công bố thông tin và khả năng sai lệch số liệu sau soát xét báo cáo tài chính bán niên.
Thời điểm đầu tháng 8, thị trường cũng không trông đợi gì được về các thông tin vĩ mô. Theo số liệu mới nhất thì tăng trưởng tín dụng đến 31/7 là khoảng 5,15%. Đây có thể coi là tin hỗ trợ hiếm hoi trong thời gian này. Thị trường hầu như không có phản ứng rõ rệt nào vì nhiều lý do. Trong đó, lý do quan trọng nhất là mức tăng tín dụng không thể hiện được sự đột phá nào trong việc đẩy vốn vào nền kinh tế. Mặt khác, tăng trưởng tín dụng có thể bao gồm cả việc đảo nợ.