PVF: Ám ảnh giải chấp
Tâm điểm của nhóm blue-chips phiên này chắc chắn là PVF – cổ phiếu đang gây khủng hoảng trầm trọng cho cổ đông nhỏ lẻ. Hôm qua PVF đã gây sốc cho thị trường bằng một phiên giảm sàn trong cơn lũ bán tháo không rõ nguyên nhân. Hoàn toàn không có thông tin cụ thể nào liên quan đến PVF, chỉ biết rằng áp lực bán sàn lên tới hàng triệu cổ phiếu.
Sáng nay PVF tiếp tục khiến nhà đầu tư “phát điên”. Bảng điện vừa bật lên, đã có ngay gần 250.000 cổ phiếu bị đặt bán ATO và trên 200.000 cổ phiếu khác bị đặt bán giá sàn. Lệnh vào với tốc độ lớn như vậy chỉ có thể là lệnh đặt trước. Nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ rất khó đưa ra một quyết định bán dứt khoát như vậy khi chưa hiểu rõ nguyên nhân, cũng như rất khó để tranh lệnh với các nhà đầu tư lớn, chưa kể là chính công ty chứng khoán.
Quả nhiên sau 1 phút đầu tiên thị trường mở cửa, chỉ có thêm chừng 30.000 cổ phiếu nữa đặt bán ATO do nhà đầu tư nhận thấy không thể bán được trong tình cảnh này. Cho đến tận lúc khớp lệnh mở cửa, lượng bán ATO của PVF cũng không tăng thêm nữa. Nhà đầu tư đã chấp nhận kẹt lại khi khe cửa quá hẹp.
PVF mở cửa giá sàn, giảm 5,45% không có gì khó hiểu. Ngay phút đầu tiên của đợt khớp lệnh liên tục, lượng đặt bán sàn vọt lên gần 500.000 đơn vị. Có lẽ nhà đầu tư lại hi vọng thoát ra được khi thấy lượng giao dịch mở cửa tương đối lớn, khớp gần hết khối lượng bán ATO – hơn 213.000 đơn vị. Đến 9h30, lượng bán sàn lên tới 660.000 đơn vị. Đến 10h tăng lên gần 870.000 đơn vị. Đến 11h con số là 1,18 triệu đơn vị.
Rất ít nhà đầu tư dám bỏ tiền ra chống đỡ một áp lực bán khủng khiếp như vậy. Cả phiên PVF chỉ giao dịch được chừng 417.000 đơn vị. Trong đợt khớp lệnh đóng cửa, chỉ có 800 cổ phiếu mua vào, chống lại gần 1 triệu đặt bán ATC và hơn 1,1 triệu khác đặt bán giá sàn. Lượng mua này chỉ nhằm tạo giá đóng cửa cho PVF mà thôi.
PVF đã phá các loại đáy trong lịch sử giao dịch niêm yết và không rõ sẽ còn giảm đến đâu. Thị trường đang phản ánh những rủi ro trong tương lai gần với PVF. Đầu tiên là câu chuyện sáp nhập sẽ dẫn tới việc hủy niêm yết, không rõ trong bao lâu. Thông tin này thực ra không mới, đã được đề cập đến trước cả đại hội cổ đông của PVF. Nhưng càng đến gần ngày quỹ VNM đảo danh mục, mối quan tâm càng lớn vì nếu hủy niêm yết lâu, quỹ này sẽ phải loại PVF ra khỏi rổ. Điều này có nhiều hệ lụy và nhà đầu tư trong nước đang cố gắng chạy trước nhà đầu tư nước ngoài. Mặt khác, các công ty chứng khoán có thể thực hiện bán ra nếu có trong danh mục cầm cố vì PVF đã sụt giá tới hơn 20% chỉ trong 15 phiên vừa qua.
Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay cũng đua bán ra khoảng 146.000 PVF. Khối lượng bán thực tế có thể lớn hơn nhưng chỉ khớp được chừng đó, vì khối ngoại cũng bị kẹt lại trong tình thế PVF mất thanh khoản. Nếu PVF rơi vào trường hợp bị bán kỹ thuật, khả năng mất giá sẽ còn dài.
Cổ phiếu nhỏ hút khách
Không chỉ riêng với PVF, hôm nay cũng không phải là một ngày giao dịch “đẹp” đối với các cổ phiếu blue-chips ở hai sàn. Rổ cổ phiếu lớn đều ghi nhận những giao dịch kém về thanh khoản lẫn giá. Nhiều cổ phiếu không những nâng đỡ được thị trường, mà còn hướng sự chú ý của nhà đầu tư theo hướng tiêu cực.
Rổ HSX30 ghi nhận hàng loạt mã giao dịch kém, giá giảm. Các cổ phiếu lớn mất sức chống đỡ như VNM: giảm 0,72%, VIC giảm 0,79%, BVH giảm 0,55%, CTG giảm 0,61%, FPT giảm 0,69%, HSG giảm 0,77%. Ngoài ra VCB, SSI, MSN, MBB, HAG, GMD, EIB chỉ trụ được ở tham chiếu. HSX30 có tới 15 mã giảm giá, 6 mã tăng.
Các cổ phiếu lớn trong rổ HNX30 cũng không đẹp hơn bao nhiêu. ACB giảm 1,29%, PVS giảm 0,67%. Duy nhất SHB kéo lại, tăng 3,17%. Mặc dù vậy SHB cũng không gánh lại được số giảm giá ở BVS, KLS, NTP, PGS, SCR, VCG. Rổ này cũng có số giảm giá chiếm áp đảo.
Ngược lại, một số cổ phiếu vốn hóa nhỏ, thị giá thấp ở hai sàn hôm nay lại khởi sắc bất ngờ. Trên HSX, trong số các cổ phiếu tăng tốt và thanh khoản cao, xuất hiện FLC, PVT, FCN. FLC tăng giá kịch trần 6,67% với giá trị giao dịch đứng thứ hai sàn này. PVT giá tăng 4,48%, đứng thứ 4. Ngoài ra còn phải kể đến HAR, LCM, VIS, HQC cũng tăng với thanh khoản khá cao.
Sàn Hà Nội có số cổ phiếu tăng giá nhiều nhưng chất lượng thanh khoản không bằng HSX. Phần lớn số cổ phiếu tăng giá mạnh nhất chỉ giao dịch vài trăm đơn vị. Rất ít cổ phiếu giao dịch nổi trội như CMI, VGS, HNM.
Hiện tượng các cổ phiếu nhỏ đột nhiên giao dịch mạnh lên thể hiện nhu cầu đầu cơ đang tăng trong bối cảnh thị trường chưa có xu thế rõ ràng. Dòng tiền yếu không thể tạo sóng được ở các cổ phiếu lớn nên đã chảy vào các cổ phiếu nhỏ, nhất là những mã có tính chất đầu cơ cao trong quá khứ. Tuy nhiên quy mô giao dịch ở các mã này cũng không phải là lớn, không đại diện được cho dòng vốn đầu cơ nói chung./.