Giao dịch hôm nay khá sôi động khi dòng vốn mua vào có dấu hiệu phục hồi nhẹ. Nhóm cổ phiếu lớn vẫn trong tình trạng yếu do cầu hạn chế. Ngược lại, khá nhiều cổ phiếu nhỏ bật lên bất ngờ.
Sớm nở tối tàn!
Nhóm cổ phiếu nhỏ vẫn là những biến động mạnh chính của thị trường. Khác biệt lớn nhất so với hôm qua, là chính những mã bùng nổ sớm phiên trước bất ngờ nhanh chóng lụi tàn, và những cổ phiếu bị lãng quên suốt nhiều tuần nay đột ngột khởi sắc. Các giao dịch tăng giá hôm nay cũng như hôm qua, mang đầy tính đầu cơ và không có một quy luật nào. Đơn giản là dòng vốn nhảy vào những cổ phiếu nhỏ, ít được chú ý trong khi mối quan tâm lớn khiến các mã blue-chips trở nên nặng nề.
Mức rủi ro rất cao trong các biến động này có thể lấy dẫn chứng ngay từ những cổ phiếu dẫn đầu thị trường hôm qua. Hãy nhìn FLC, cổ phiếu leo kịch trần 6,67% phiên trước với mức thanh khoản đứng thứ hai ở HSX, vượt qua hàng loạt mã như DPM, HPG,… Động lực tăng của FLC mạnh mẽ đến mức hôm nay tưởng như phải là một phiên kịch trần nữa.
Thất vọng lớn đã diễn ra, khi FLC nhanh chóng bị một lượng hàng lớn xả tranh thủ lúc tăng giá đầu phiên. Cổ phiếu này chỉ leo lên cao nhất là 4.900 đồng/cổ phiếu rồi nhanh chóng suy yếu trở lại. Sức mua chỉ bằng một phần nhỏ phiên trước, thậm chí rất thận trọng. Đóng cửa giảm 2,08%, FLC đã đưa khá nhiều nhà đầu tư mua sớm sáng nay vào bẫy tăng giá.
FCN, cổ phiếu tăng 3,4% hôm qua cũng đã chấm dứt bữa tiệc tăng giá chỉ sau một đêm. Thậm chí chưa một lần vượt qua được tham chiếu hôm nay, có lúc FCN giảm tới 2,7% so với tham chiếu. FCN bị xả hàng khá mạnh khi khối lượng bắt đáy quanh mức 13.900 đồng – 14.000 đồng về đến tài khoản. Mức lãi hơn 7% chỉ sau 3 phiên đã là rất quý vào thời điểm này.
Một cổ phiếu rủi ro cực cao nữa là HAR, hôm qua được bắt đáy, giá tăng 1,5%. Mới mở cửa hôm nay nhà đầu tư đã nhanh tay xả hàng không thương tiếc. Giá giảm 4,55% hôm nay và lại tiếp tục xuyên đáy, HAR là nỗi đau không nguôi của rất nhiều nhà đầu tư suốt từ mức 35.000 đồng về gần 6.000 đồng.
Trong số các mã tăng mạnh hôm nay và giá đảo chiều ngay sáng nay còn có HQC, giảm 3,51%. Một số mã khác như VIS, LCM cũng đã suy yếu so với đà tăng trước đó.
Một số cổ phiếu nhỏ khác bật lên thay thế các cổ phiếu lụi tàn sớm. Gây ấn tượng mạnh nhất là IJC. Kể từ khi có tin chính thức bị loại ra khỏi rổ tính FTSE Index ngày 6/9, IJC đã sụt giảm 13,4% chỉ trong 6 phiên. Ngay từ cuối tháng 8 thị trường đã chiết khấu tin này và IJC đã sụt giảm liên tục. Tính chung trong 18 phiên gần nhất IJC đã giảm gần 22%.
IJC cũng là một trong những cổ phiếu rơi trở lại mức đáy lịch sử kể từ năm 2011. Đây là động lực giúp cho cầu bắt đáy quay lại cổ phiếu này. Từ mức giá 5.800 đồng, IJC bật tăng 5,17%, lên 6.100 đồng. Đây là ngày tăng đầu tiên trong suốt 9 phiên vừa qua của IJC. Thanh khoản của IJC cũng khá lớn, đạt gần 1,2 triệu cổ phiếu, tương đương 6,9 tỷ đồng. Ngoài ra một số cổ phiếu nhỏ khác cũng tăng tốt như VNE tăng 5,13%, LCG tăng 4,17%, TTF tăng 4,08%,
Sàn Hà Nội cũng đóng góp vài gương mặt tăng giá như PV2, giá chỉ có 1.800 đồng, tăng 5,88%. VIG giá 2.100 đồng, tăng 5%, PVL giá 2.400 đồng, tăng 4,35%... Đây là những cổ phiếu có thanh khoản tương đối và có giá tăng mạnh.
Tính ra 34 mã kịch trần ở hai sàn hôm nay đều nằm trong số các mã vốn hóa nhỏ, giao dịch với dòng tiền yếu. Điều này đã nói từ hôm qua: Dòng vốn không đủ mạnh để tạo sóng trên toàn thị trường, thậm chí là ở các cổ phiếu lớn, đã tìm đến các mã vốn hóa nhỏ. Tuy nhiên bản thân dòng vốn này cũng quá nhỏ nên chỉ đủ sức tạo biến động 1-2 phiên. Ngay khi giá tăng khá, áp lực chốt lời xuất hiện đã dìm giá trở lại. Đây chỉ là các hoạt động đầu cơ siêu ngắn nên rất khó đảm bảo một đà tăng bền vững thực sự.
Vốn ngoại dè dặt đẩy blue-chips
Nhìn tổng thể, nhóm cổ phiếu lớn ở hai sàn hôm nay giao dịch thiếu tích cực mặc dù thanh khoản có tăng nhẹ. Nguyên nhân đến từ hoạt động tăng mua của nhà đầu tư nước ngoài là chính. Trong rổ HSX30 chí có vài mã tăng giá, đều mang dấu ấn của lực mua này.
DPM nổi bật với trên 525.000 cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài mua vào. Khối lượng mua dồn dập này giúp DPM có lúc tăng gần 1%. Tuy nhiên bản thân khối ngoại cũng không duy trì lực mua ổn định và về cuối phiên giá chỉ còn tăng 0,48%. Có đến gần 22 tỷ đồng được đổ vào mua DPM mà không tạo được đà tăng bền.
VCB, VIC, PPC, PET, HPG, HSG cũng nằm trong số được mua vào khá nhiều nhưng giá cũng không thực sự mạnh. Trong khi đó BVH bị nước ngoài xả mạnh, giá giảm 0,28%. CTG giảm 0,61%, HVG giảm 0,48%...
Dòng tiền đổ vào nhóm cổ phiếu lớn trên hai sàn phiên này có tăng khá, nhưng giá rất ít thay đổi. VN30-Index chỉ tăng 0,01%. Rổ HNX30 giao dịch tốt về điểm số nhờ ACB, PVS, VCG tăng khá nhưng thanh khoản không vượt trội so với phiên trước do lực mua hoàn toàn phụ thuộc vào nhà đầu tư trong nước.
VN-Index đóng cửa tăng 0,17%, HNX-Index tăng 0,27% có thể coi là một kết cục tạm ổn cho phiên cuối tuần. Không khí giao dịch sôi động một phần nhờ cầu ngoại tăng, nhưng chủ yếu hấp dẫn vẫn ở các mã vốn hóa nhỏ đột nhiên đổi vai tăng luân phiên. Tuy nhiên thị trường không thể trông đợi một xu thế tăng vững chắc nếu chỉ nhờ vào nhóm cổ phiếu này.