Những mã đi ngược thị trường
VN-Index đóng cửa hôm nay giảm 0,42% so với tham chiếu. HNX-Index cũng giảm 0,08%. Số cổ phiếu giảm giá trên hai sàn là lớn với 228 mã. Tuy nhiên HSX vẫn còn 84 mã tăng và HNX còn 75 mã. Các cổ phiếu lớn – đặc biệt trên HSX – đã tạo nên một phiên điều chỉnh.
Riêng nhóm cổ phiếu đầu cơ thị giá thấp vẫn giao dịch tích cực. Do các cổ phiếu này được dòng vốn đầu cơ quan tâm nên biến động giá phụ thuộc nhiều vào cung cầu từng thời điểm, hơn là các yếu tố cơ bản. Do vậy khả năng đi ngược thị trường hầu như chỉ tập trung vào những mã này.
HSX tiếp tục chứng kiến một số mã giao dịch cực mạnh với mức giá tăng tốt. Đứng đầu bảng về thanh khoản là FCN – cổ phiếu hôm nay đạt mức giá cao nhất trong lịch sử. Tuy không tăng kịch trần nhưng FCN đã tiến thêm 5% so với mức đóng cửa hôm qua, đạt 16.800 đồng/cổ phiếu. Nếu tính theo giá điều chỉnh sau khi chốt quyền ngày 8/8 vừa qua thì đây là mức giá cao chưa từng có của FCN kể từ khi niêm yết.
Mức tăng tuy có kém hơn một số mã khác nhưng với quy mô giao dịch tới 17,8 tỷ đồng, FCN nổi lên như một cổ phiếu thu hút được dòng vốn đầu cơ lớn. FCN không có thông tin nào đặc biệt gần đây, ngoại trừ việc quỹ Vietnam Holding hôm 1/10 thông báo mới mua vào 829.930 cổ phiếu, nắm giữ 5,01% vốn. FCN hôm nay tiếp tục được nhà đầu tư nước ngoài mua vào 107.000 đơn vị nữa nhưng cũng chỉ chiếm khoảng 10% khối lượng giao dịch.
Ấn tượng mạnh nhất với FCN hôm nay là thanh khoản thuộc loại cao, thậm chí còn cao hơn nhiều blue-chips. Cổ phiếu này đứng thứ 12 trên HSX về giá trị giao dịch, vượt cả HPG, HAG, PVD… Hôm nay cũng là ngày 1,2 triệu FCN mua hôm 30/9 về tài khoản nhưng giá không điều chỉnh mà lại tăng mạnh.
Ngoài FCN, một số cổ phiếu đầu cơ nhỏ khác ở HSX cũng giao dịch rất ấn tượng. LCM có phiên kịch trần thứ 2 liên tiếp với giá trị giao dịch gần 12,9 tỷ đồng. HAR – cổ phiếu làm khuynh gia bại sản không biết bao nhiêu nhà đầu tư khi rơi từ 35.000 đồng về quanh mức 5.000 đồng – hôm nay cũng tăng 5,17% với khoảng 15,3 tỷ đồng giá trị giao dịch. ITC – cổ phiếu đã tăng hơn 20% trong 11 phiên vừa qua – hôm nay lại tăng tiếp 4,41%.
HSX có 18 mã tăng trần nhưng giao dịch thanh khoản ở mức cao thì lại không nhiều. Những cổ phiếu nói trên là các giao dịch đáng chú ý nhất và cũng không đại diện cho biến động chung của thị trường. Thuần túy dòng vốn đầu cơ tham gia mua mạnh mới có thể dẫn dắt giá đi ngược xu thế chung.
Sàn Hà Nội cũng đóng góp một vài mã đầu cơ nhưng giao dịch không tin cậy như trên HSX. Nổi bật là KLF, cổ phiếu tăng 6,07% với trên 22,9 tỷ đồng tham gia cuộc chơi đầy mạo hiểm ở đây. KLF mới niêm yết và khối lượng hàng trôi nổi thấp nên khả năng đầu cơ thành công lớn. Sàn này chỉ còn lại vài mã tăng giá với thanh khoản tương đối tốt như SJM, HNM, APS.
Ở phía giảm giá, hiện tượng đáng chú ý nhất là PVX, cổ phiếu vừa công bố con số lỗ sau soát xét gây sốc: Báo cáo 6 tháng của công ty mẹ ước tính con số lỗ là 365,96 tỷ đồng thì kiểm toán “chữa lại” thành lỗ 987,19 tỷ đồng. Mức lỗ chênh nhau tới 621,1 tỷ đồng khiến nhà đầu tư choáng váng. Khi tin ra vào buổi chiều, PVX lập tức bị bán tháo và giá sụt xuống mức sàn, mất 10% so với tham chiếu. Với con số lỗ khổng lồ như vậy, PVX khó thoát khỏi lỗ cả năm nay và điều đó đồng nghĩa với việc hủy niêm yết bắt buộc.
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng
Các cổ phiếu blue-chips hôm nay điều chỉnh giảm rất nhiều ở cả hai sàn là nguyên nhân chính khiến chỉ số giảm điểm. Mức tăng giá ở vài chục cổ phiếu thị giá thấp, vốn hóa nhỏ không thể bù đắp được với các mã trong rổ HSX30 hay HNX30 mất giá.
Trong các mã lớn nhất của HSX, chỉ có GAS, VIC đứng tham chiếu, coi như không ảnh hưởng gì đến chỉ số. Còn lại MSN giảm 1,16%, VNM giảm 0,71%, BVH giảm 1,27%, VCB giảm 0,72%, DPM giảm 0,73%. Trong số các mã thuộc HSX30, chỉ có GMD, KDC, PET, PVD tăng giá. Mức tăng đáng chú ý nhất thuộc về KDC - 1,96% - sau khi KDC có tin lên kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho đối tác chiến lược.
Nhà đầu tư nước ngoài phiên này vẫn duy trì được đà mua ròng ở HSX bước sang phiên thứ 10 liên tục. Nguồn vốn lớn được rót vào GAS, CTG, MSN, PVD, VCB, CTD, FCN, KBC. Quy mô mua ròng ở sàn này khoảng 11,8 tỷ đồng.
HSX
|
Giá trị khớp lệnh
|
Khối lượng khớp lệnh
|
765,1 tỷ đồng (-20%)
|
61,7 triệu đơn vị (-18%)
|
HNX
|
Giá trị khớp lệnh
|
Khối lượng khớp lệnh
|
249,4 tỷ đồng (+29%)
|
34,8 triệu đơn vị (+39%)
|
Tại HNX, duy nhất SHB giao dịch ấn tượng với mức tăng 1,49%, là cổ phiếu lớn duy nhất nâng đỡ điểm số. Các cổ phiếu còn lại trong rổ HNX30 phần lớn là giảm giá, nhưng cũng chỉ đủ cân bằng với SHB. Đó là nguyên nhân giúp HNX-Index giảm không đáng kể so với tham chiếu.
Với các giao dịch khớp lệnh, nhà đầu tư nước ngoài cũng mua ròng tại HNX, tập trung vào SHB. Tuy nhiên do SHB có vài giao dịch bán ròng thỏa thuận lớn nên tính chung sàn này bị bán ròng gần 3,4 tỷ đồng.
Thanh khoản ở hai sàn hôm nay tiếp tục được duy trì ở mức cao, đạt 1.014,5 tỷ đồng. Đây là phiên thứ 4 liên tiếp giá trị khớp lệnh ở mức trên ngàn tỷ. Thị trường điều chỉnh về điểm số và giá chủ yếu ở các cổ phiếu blue-chips nhưng mức độ không lớn.
5 cổ phiếu đạt giá trị giao dịch cao nhất
HSX (tỉ đồng/tỉ lệ % so với tổng giá trị sàn)
|
HNX (tỉ đồng/tỉ lệ % so với tổng giá trị sàn)
|
GAS (34,2) – (4,5%)
|
SHB (51,1) – (20,5%)
|
PPC (32,2) – (4,2%)
|
KLF (22,9) – (9,2%)
|
BVH (27,2) – (3,6%)
|
SCR (19,7) – (7,9%)
|
FLC (27) – (3,5%)
|
PVX (17,9) – (7,2%)
|
ITA (25,8) – (3,3%)
|
VCG (17,1) – (6,9%)
|
|