GAS ào ạt chi tiền mặt
Động lực cho biến động có phần bất thường của GAS hôm nay là thông tin sẽ chia cổ tức 10% bằng tiền mặt. Thông tin này được lan truyền từ sáng nhưng mãi đến buổi chiều mới được công bố chính thức.
Theo nghị quyết Hội đồng quản trị, GAS sẽ trả cổ tức 10% bằng tiền mặt cho đợt 2/2013. Chỉ trong tháng trước, GAS cũng đã chia một lần cổ tức 10% cũng bằng tiền mặt. Nếu tính theo số lượng cổ phiếu lưu hành thì GAS đã bỏ ra 3.790 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông.
Ngay từ giữ phiên sáng, GAS đã bắt đầu có chuyển biến bất thường mặc dù thông tin chưa lan tỏa rộng. Đã có sự bất đối xứng về thông tin. GAS trong vài phút đầu mở cửa, giá sụt giảm 0,76% so với tham chiếu. Đây là biến động bình thường vì từ đầu tuần, cổ phiếu này đã điều chỉnh dần hơn 2,2%.
Bất ngờ diễn ra chỉ có thể cảm nhận được trên sàn giao dịch và không có thông tin được công bố chính thức nào. Dòng tiền ồ ạt chảy vào GAS, kéo giá từ 65.000 đồng lên 67.500 đồng chỉ trong chưa đầy 40 phút. GAS tăng giá trên 3% mà không lý giải được, chỉ biết rằng thanh khoản rất cao.
Đến cuối phiên sáng, GAS đã tăng 3,05% với quy mô giao dịch hơn 124,7 tỷ đồng, chiếm trên 25% tổng giá trị giao dịch của HSX. Thị giá của GAS thuộc loại cao nhất thị trường và mức giao dịch như vậy là rất cao.
Đến đầu phiên chiều, GAS mới có thông tin sẽ chia cổ tức và giá bắt đầu “phi nước đại” lên 68.500d đồng, tương đương tăng 4,58% trên tham chiếu. Đây không chỉ là mức tăng cao nhất trong số các blue-chips, mà còn xuất hiện ở cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường. Nếu như phiên sáng một mình GAS kéo điểm số thì phiên chiều, GAS tạo niềm hưng phấn lớn trên HSX, giúp hàng loạt cổ phiếu lớn phục hồi.
Tính chung cả phiên hôm nay, GAS giao dịch gần 154,2 tỷ đồng, mức kỷ lục chưa từng có ở cổ phiếu này. Về khối lượng, GAS khớp khoảng 2,33 triệu đơn vị, tuy có kém hơn ngày 28/3/2013 và ngày 17/8/2012, nhưng ở thời điểm đó, thị giá GAS chỉ ở mức quanh 40.000 đồng và 52.000 đồng/cổ phiếu. Do đó hôm nay là phiên kỷ lục chưa từng có về giá trị giao dịch của cổ phiếu này.
Cổ phiếu lớn lấy lại đà tăng
VN-Index đóng cửa tăng khoảng 1,06% so với tham chiếu, chủ yếu là nhờ GAS tăng rất mạnh. Tuy nhiên các cổ phiếu blue-chips cũng giao dịch khởi sắc. GAS không được tính trong rổ HSX30 nên điểm số của rổ này chỉ tăng 0,45% lúc đóng cửa. Dù vậy đây đã là mức tăng rất khá vì cuối phiên sáng, VN30-Index mới đứng sát tham chiếu mà thôi.
Mức tăng của các cổ phiếu lớn thấp hơn khá nhiều nhóm đầu cơ thị giá thấp trên HSX. FPT buổi sáng có lúc giảm dưới tham chiếu, sang phiên chiều đã tăng 0,26%. FPT tăng 1,79%, gần gấp rưỡi mức tăng trong phiên sáng. HPG cũng nhảy vọt 2,03%. PET thoát khỏi tình trạng vật vờ ở tham chiếu, đóng cửa tăng 1,87%. REE tăng 0,78%, VCB tăng 1,44%, VNM tăng 0,72%, VIC tăng 0,8%...
Những cổ phiếu vốn hóa lớn này phiên sáng giao dịch khá đuối nhưng đã cải thiện đáng kể trong phiên chiều. Đó là nguyên nhân khiến VN30-Index tăng tốt mà không cần nhờ đến GAS. Dòng tiền chảy vào rổ blue-chips của HSX cũng tăng gần 3% so với phiên trước.
Tại sàn Hà Nội, các cổ phiếu lớn giao dịch đuối hơn nhưng có PVS tăng 1,25%. Hôm qua PVS giảm 1,2% là một trong những nguyên nhân khiến hai chỉ số của HNX giảm điểm. Hôm nay đến lượt ACB bất ngờ giảm 0,64% khiến HNX-Index không thể đứng trên tham chiếu được, giảm 0,1%.
Dòng tiền đầu cơ vẫn “quậy” tưng bừng
Trên hai sàn hôm nay đã có 191 mã tăng giá và các mã đầu cơ nhỏ tiếp tục giao dịch sôi động. Về mặt giá, các cổ phiếu lớn còn lâu mới sánh được với các mã thị giá thấp, mặc dù dòng tiền đổ vào đây cũng không hẳn là lớn.
HSX xuất hiện TLH giao dịch khá lớn, đạt gần 18,2 tỷ đồng giá trị và giá kịch trần. NTL tuy không kịch trần, chỉ tăng 2,33% nhưng giao dịch thuộc nhóm dẫn đầu sàn với 33,5 tỷ đồng, đứng thứ hai chỉ sau GAS. DXG tăng 5,56%, DIG tăng 5,32%, TCM tăng 3,66%, FCN tăng 3,57%, KMR kịch trần, AVF tăng 3,13%... là những mã đạt thanh khoản nổi trội nhất trong nhóm đầu cơ nhỏ.
HNX cũng không chịu kém, đóng góp HNM, SD2, CTS, APS là những mã tăng trên 3% với thanh khoản cao. Đặc biệt KLF tiếp tục làm thị trường khó hiểu với mức tăng kịch trần và chuyển nhượng thành công gần 20,2 tỷ đồng giá trị cổ phiếu.
KLF công bố con số lãi 15 tỷ đồng trong quý 3, đẩy lũy kế 9 tháng lên 20 tỷ đồng. Đây được xem là thông tin xuất hiện đúng lúc khi cổ phiếu này đã trải qua các đợt điều chỉnh đầu tuần. Đặc biệt liên tiếp cổ đông lớn đã bán ra KLF tới 1,13 triệu cổ phiếu trong những ngày vừa qua.
HSX
|
Giá trị khớp lệnh
|
Khối lượng khớp lệnh
|
875,9 tỷ đồng (+15%)
|
57,9 triệu đơn vị (-7%)
|
HNX
|
Giá trị khớp lệnh
|
Khối lượng khớp lệnh
|
183,6 tỷ đồng (-26%)
|
22 triệu đơn vị (-37%)
|
Phía ngược lại, PVX hôm nay làm đau tim những nhà đầu tư bắt đáy phiên trước khi giá sụt giảm sàn mà hàng triệu cổ phiếu vẫn mắc kẹt lại. PVX hôm qua đón tin xấu, giá giảm sàn nhưng vẫn chuyển nhượng chừng 6,5 triệu cổ phiếu. Hôm nay 1,18 triệu cổ phiếu nữa được giao dịch với mức giá giảm kịch biên độ 7,41% và hơn 7,3 triệu cổ phiếu nữa mất thanh khoản.
Quy mô giao dịch toàn thị trường phiên này vẫn đạt trên 1.000 tỷ đồng là con số đáng khích lệ. Mặc dù các điều chỉnh ngắn hạn liên tục diễn ra nhưng dòng tiền vẫn đang mua vào ổn định.
5 cổ phiếu đạt giá trị giao dịch cao nhất
HSX (tỉ đồng/tỉ lệ % so với tổng giá trị sàn)
|
HNX (tỉ đồng/tỉ lệ % so với tổng giá trị sàn)
|
GAS (154,2) – (17,6%)
|
KLF (20,2) – (11%)
|
NTL (33,5) – (3,8%)
|
VCG (17,1) – (9,3%)
|
PPC (33,3) – (3,7%)
|
SHB (15,6) – (8,5%)
|
REE (26,9) – (3,1%)
|
PGS (15,5) – (8,4%)
|
BVH (24,3) – (2,8%)
|
FIT (13,4) – (7,3%)
|
|