PVT bại trận, KMR thất thủ
Cho đến hôm qua, bất chấp việc cổ phiếu PVT bị xả giá sàn nhưng vẫn có tới hơn 3 triệu cổ phiếu được bắt đáy. Tổng nguồn vốn nhà đầu tư bắt đáy ở PVT phiên trước lên tới 79,2 tỷ đồng, mức cao nhất trong vòng hơn 3 năm.
Lực mua cực mạnh ở PVT hôm qua thể hiện lòng tham vẫn còn rất lớn. Không phải ngẫu nhiên PVT thu hút được một lượng vốn lớn như vậy khi giá giảm. Nhà đầu tư vào sau vẫn còn kỳ vọng rất lớn ở cổ phiếu này, nhất là khi xuất hiện báo cáo tài chính quý 3 với con số lãi sau thuế 19,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 6,3 tỷ đồng.
Lực cầu bắt đáy này đã tạo điều kiện cho PVT bật tăng trở lại trong phiên hôm nay. Tiếp tục có một lượng lớn tiền nữa nhảy vào mua. Thậm chí, giá PVT còn được kéo từ 9.700 đồng lên 9.900 đồng, vọt trở lại qua tham chiếu trong phiên sáng. Tuy nhiên chiều nay, PVT đã làm thất vọng không ít nhà đầu tư: Lực bán lại gia tăng trở lại với mức độ cao hơn, đè giá giảm 5,1%, chỉ còn trên mức sàn 2 bước giá.
PVT luôn được kỳ vọng lớn trong suốt 3 tháng qua, trước thông tin cước vận tải đang tăng, kinh tế phục hồi thì nhu cầu vận tải cũng phục hồi, thậm chí là đi trước. Không chỉ PVT, nhiều cổ phiếu vận tải khác cũng tăng, nhưng PVT là mã được đầu cơ mạnh nhất. Động lực tăng giá của PVT cũng dựa trên kỳ vọng hợp lý, nhưng khi đã tăng quá dài thì yếu tố đầu cơ đóng vai trò chi phối.
Với mức tăng khoảng 88% kể từ đầu tháng 8/2013 đến ngày hôm qua, PVT đã đem lại cơ hội lợi nhuận rất lớn. Với mức giá đang ở đỉnh trong gần 3 năm, phần lớn nhà đầu tư đã có lãi. Điều đó đã dẫn tới khối lượng cổ phiếu tiềm năng có nhu cầu chốt lời là rất lớn, chưa kể khối lượng cổ phiếu được sử dụng để cầm cố, huy động thêm vốn để đánh “gấp thếp” nhằm kiếm lợi nhuận lớn hơn.
Mặc dù PVT có thông tin hỗ trợ, nhưng điều đó cũng không thể đảm bảo cho một xu hướng tiếp tục tăng. Rất có thể kết quả kinh doanh đã phản ánh hết vào mức tăng mạnh 3 tháng vừa qua. Mặt khác, cũng có thể kết quả kinh doanh đó gây thất vọng cho nhà đầu tư.
Nhìn vào báo cáo quý 3 của PVT, bên cạnh con số lợi nhuận chung khá tốt, là những dấu hiệu không chắc chắn. Hoạt động kinh doanh chính của PVT trong quý 3 năm nay chỉ đạt lợi nhuận 27,7 tỷ đồng, giảm so với mức 51,3 tỷ đồng cùng kỳ. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 24,6 tỷ đồng so với mức âm 6,3 tỷ đồng của năm ngoái là nhờ 23,7 tỷ đồng doanh thu hoạt động tài chính. Như vậy có vẻ như kỳ vọng về sự tăng trưởng của ngành vận tải đã không đúng. Tính chung 9 tháng đầu năm nay, PVT đạt lợi nhuận trước thuế 175,5 tỷ đồng thì có tới 130,3 tỷ đồng từ hoạt động tài chính.
Với mức giảm mạnh trên 5% hôm nay, PVT tiếp tục làm kẹt lại hàng trăm tỷ đồng giá trị cổ phiếu đã mua vào trong 3 ngày qua.
KMR, cổ phiếu cũng gây bất ngờ không kém PVT, hôm nay bắt đầu bị chốt lời mạnh. Ở mức giá cao nhất kể từ tháng 6/2012, KMR đã liên tục kịch trần một cách khó lý giải nếu chỉ thuần túy nhờ những thông tin cơ bản. Sáng nay KMR lại tiếp tục được đẩy tăng thêm 4% nữa trong phiên sáng. Tuy nhiên đó lại là cái bẫy tăng giá. Lực bán xuất hiện dồn dập trong buổi chiều nhanh chóng dập tắt các nỗ lực nâng đỡ giá.
KMR có thể chịu ảnh hưởng mạnh từ sự bại trận của PVT. Dù sao hai mã này đã sát cánh cùng nhau tăng suốt nhiều tháng. Dù yếu tố cơ bản có tốt đến đâu thì cũng có điểm cân bằng với giá. Dòng vốn đầu cơ vào sau dễ dàng tạo nên sự định giá quá lố. KMR đóng cửa giảm 2%, lực cầu bắt đáy vẫn còn lớn. Tuy nhiên hôm nay mới là phiên giảm đầu tiên của cổ phiếu này. Khối lượng cổ phiếu đạt lợi nhuận tích lũy trong 25 phiên vừa qua khoảng 21 triệu cổ phiếu. Liệu KMR sẽ cần bao nhiêu tiền nữa để có thể đẩy giá lên cao hơn?
Hoạt động chốt lời diễn ra khéo léo!
Hoạt động chốt lời mạnh yếu khác nhau trong các cổ phiếu nóng được thực hiện một cách khéo léo hôm nay. HSX vẫn còn 25 mã trần và HNX còn 19 mã. Bên cạnh những cổ phiếu bị xả thẳng như PVT, KMR tạo đà giảm giá có thể nhìn thấy được, nhiều cổ phiếu khác vẫn đang bị bán ra âm thầm, giá vẫn tăng nhưng sức mua đang dần cạn kiệt.
Đa số các cổ phiếu nhỏ còn tăng giá hoặc tăng trần hôm nay đều gặp phải lượng bán ra lớn. Điểm khác biệt là người bán không hạ giá nhiều mà chờ đợi người mua hưng phấn để có thể bán được với giá tốt hơn. Hiện tượng xả hàng khéo léo đã xuất hiện ở các cổ phiếu khác như BGM, IDJ, KSD.
IDJ đóng cửa phiên cuối tuần chỉ còn tăng 3,03%, trên tham chiếu một giá, trong khi hai phiên trước vẫn kịch trần. Trên 668.000 cổ phiếu xếp hàng chờ bán nhưng người mua không đủ tiền để nâng giá lên, hoặc không đủ để khớp hết. BGM vẫn kịch trần, tăng 5,56% nhưng cũng có gần 320.000 cổ phiếu treo bán giá trần suốt từ sáng không giao dịch hết. KSD cũng tương tự BGM, thanh khoản đã dễ dàng hơn rất nhiều.
Trên sàn Hà Nội, KSD tính đến hôm nay cũng là kịch trần phiên thứ 5 liên tục. Khác với 4 phiên trước, người bán hôm nay đã sẵn sàng trao tay cho người mua ở giá trần, nhưng lực cầu đã chững lại.
HSX
|
Giá
trị khớp lệnh
|
Khối
lượng khớp lệnh
|
777,7
tỷ đồng (-31%)
|
60
triệu đơn vị (-29%)
|
HNX
|
Giá
trị khớp lệnh
|
Khối
lượng khớp lệnh
|
204,5
tỷ đồng (-35%)
|
24,6
triệu đơn vị (-32%)
|
Các cổ phiếu nóng ở hai sàn còn trụ lại bao gồm TNT, LAF, HLG, SBA, MTG, PXI. Đây là những mã còn dư mua trần khối lượng lớn. Không có gì chắc chắn những cổ phiếu này nằm ngoài vòng xoay chốt lời lẫn lượng. Cách đây chỉ một phiên, không ai nghĩ rằng KMR, BGM hay PVT có thể đổ gục như vậy.
Giao dịch của phiên hôm nay hầu như tập trung hết sự chú ý vào các cổ phiếu nóng. Blue-chips giao dịch ảm đạm và phân hóa mạnh. VN-Index phút chót giảm 0,08% do BVH, DPM, SSI, PVD giảm giá còn lại phần lớn là đứng giá như GAS, VNM, VIC, MSN.
Sàn Hà Nội cũng giao dịch cân bằng với HNX-Index chỉ mất 0,11%. SHB tăng 1,45%, PVS tăng 0,63% đã “giảm xóc” đáng kể từ những cổ phiếu giảm giá như AAA, BVS, PGS, PVG, VCG.
Thanh khoản hai sàn hôm nay suy giảm tới 32%, chỉ đạt 982,2 tỷ đồng./.
5 cổ phiếu đạt giá trị giao dịch cao nhất
HSX (tỉ đồng/tỉ lệ % so với tổng giá trị sàn)
|
HNX (tỉ đồng/tỉ lệ % so với tổng giá trị sàn)
|
HAG (49,1) – (6,3%)
|
VCG (22,5) – (11%)
|
PPC (43,1) – (5,5%)
|
KLF (21,5) – (10,5%)
|
PVT (38,9) – (5%)
|
PGS (19,9) – (9,8%)
|
REE (35) – (4,5%)
|
SHB (19,3) – (9,4%)
|
ITA (33) – (4,2%)
|
FIT (14,6) – (7,2%)
|
|