Theo BSC, dù vậy chỉ số P/E của 2 thị trường đang có xu hướng giảm dần vào cuối năm do kết quả kinh doanh của các DN dần được cải thiện. Tuy nhiên, chỉ số P/E của HSX đang ở mức thấp và đang được cải thiện sẽ vẫn thu hút dòng vốn ngoại trong thời gian tới.
Khối ngoại đẩy mạnh mua ròng sau 3 tháng bán ròng…
Theo báo cáo của BSC, kết thúc tháng 10, nhà đầu tư nước ngoài đã tiếp tục đẩy mạnh mua ròng, sau 3 tháng bán ròng. Khối này đã có 2 tháng mua ròng liên tiếp với quy mô tăng dần, riêng trong tháng 10, họ mua ròng 1.005 tỷ đồng, gấp 1,8 lần so với tháng 9.
Một điểm đáng lưu ý, trong một năm trở lại đây, các quỹ ETFs luôn chiếm từ 50%-80% khối lượng mua ròng hàng tháng. Nhưng sang tháng 10, hoạt động mua ròng của 2 ETFs chỉ chiếm 30% tổng lượng mua ròng của toàn khối ngoại. BSC cho rằng, sự mua vào của khối ngoại khi tỷ trọng mua của các quỹ ETFs giảm là tín hiệu tích cực trong tháng 10.
|
Giao dịch khối ngoại tính từ đầu năm 2013. Nguồn: Blomberg, BSC
|
Cụ thể hơn, tháng 10, hai quỹ ETFs đã mua ròng 300 tỷ đồng, trong đó, ETF VNM (Vietnam Market Vector) phát hành thêm 700 nghìn chứng chỉ quỹ tương đương mua ròng 200 tỷ đồng và FTSE VN phát hành thêm 190 nghìn chứng chỉ tương đương với mua ròng 100 tỷ đồng. Hai quỹ này có giá trị phát hành tăng 67% so với tháng 9.
BSC nhận định, sự ổn định của kinh tế vĩ mô, cùng với tương quan so sánh giữa thị trường Việt Nam so với thị trường khu vực khiến dòng vốn ngoại đang có xu hướng chuyển dịch vào thị trường trong nước. Ngoài ETFs, dấu hiệu tích cực cũng đến từ các quỹ đóng điển hình như Vietnam Holding khi huy động thêm 15,5 triệu USD, SSI thành lập quỹ đầu tư nông nghiệp mới quy mô 150 triệu USD.
Sự gia tăng mua ròng của khối ngoại càng được nhấn mạnh hơn về tính tích cực của thị trường chứng khoán khi việc mở room cho khối ngoại và tham giá TPP đều không đạt được mục tiêu rõ ràng trong tháng 10. Cho dù đây là những thông tin được xem như tâm điểm chú ý của thị trường trong tháng vừa qua.
Diễn biến ngành có điểm lạ…
Kết quả kinh doanh quý III/2013, bức tranh đến thời điểm này cho thấy, số DN báo lỗ đã giảm và DN ghi nhận lãi ròng quý III đã tăng lên so cùng kỳ năm trước. Các Bluechips như: VNM, PPC, GAS, PVD, KDC, FPT, CSM, HPG, VCB, REE, PGS đều công bố kết quả kinh doanh tốt trong quý III và dự kiến sẽ vượt kế hoạch năm 2013.
Dự báo trong những tháng cuối năm, bên cạnh những ngành dự kiến sẽ đạt kết quả tốt như dầu khí, nhựa, phân bón, hóa chất, điện, dược, săm lốp; thị trường sẽ quan tâm thêm những ngành đang có dấu hiệu cải thiện dần hết quả kinh doanh như BĐS, ngân hàng, vận tải, xi măng,.., báo cáo của BSC cho hay.
Đặc biệt, BSC cho biết, trong tháng 10, sự phân hóa đã diễn ra ngược lại với các tháng trước, những ngành tăng trưởng tốt nhất tính từ đầu năm (dược, dầu khí) điều chỉnh giảm nhẹ, trong khi các ngành có kết quả kinh doanh yếu lại tăng tốt (BĐS, ngân hàng, tài chính,…). Ngành tài chính vươn lên dẫn đầu trong tháng 10 với mức tăng 7,31%. Ngược lại, ngành dầu khí có mức giảm mạnh nhất, từ mức tăng 8,16% trong tháng 9 đã giảm 2,19% trong tháng 10 do ảnh hưởng từ thông tin giá xăng dầu thế giới giảm mạnh.
Vẫn hấp dẫn khối ngoại...
Ghi nhận của BSC cho thấy, mặt bằng P/E của 2 chỉ số HSX và HNX tháng 10 có giảm nhẹ so với tháng trước đó. Tốc độ tăng EPS của các cổ phiếu trong quý III đã vượt tốc độ tăng giá khiến cho mặt bằng P/E giảm nhẹ. Nếu so sánh với các thị trường biên (frontier market) khác và các thị trường trong khu vực, chỉ số P/E của HSX thấp thứ 5 trong số 20 thị trường, trong khi HNX đang ở mức khá cao.
![]() |
Chỉ số P/E của Việt Nam so với các nước trong khu vực. Nguồn: Blomberg, BSC
|
Dù vậy, chỉ số P/E của 2 sàn đang có xu hướng giảm dần vào cuối năm do kết quả kinh doanh của các DN dần được cải thiện. Do đó, P/E của HSX đang ở mức thấp và đang được cải thiện sẽ vẫn thu hút dòng vốn ngoại trong thời gian tới, BSC nhận định.
Theo các chuyên gia của BSC, những yếu tố nâng đỡ thị trường trong tháng 10 đang được duy trì và sẽ hỗ trợ cho quá trình tích lũy của thị trường trong tháng 11. Dòng vốn đầu cơ sẽ tiếp tục luân chuyển giữa các nhóm ngành chưa tăng giá, hoặc tham gia đẩy giá ở những cổ phiếu vừa và nhỏ có kết quả kinh doanh quý III cải thiện. Đây sẽ là đặc tính thị trường trong phần lớn thời gian giao dịch tháng 11 khi gần 1/4 số DN còn lại sẽ dần công bố kết quả kinh doanh quý III. VN-Index trong tháng 11 dự báo không có sự biến động mạnh, thanh khoản giảm sút và chỉ số tiếp tục nằm trong khoảng từ 485-515 điểm. Tuy nhiên, giai đoạn cuối tháng 11 thời điểm các ETFs rà soát danh mục quý IV sẽ kéo dòng tiền trở lại và tạo ra một xu hướng rõ rệt hơn vào tháng 12./.