Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cho biết, phiên đấu thầu có tổng khối lượng gọi thầu 1.250 tỷ đồng với 2 loại kỳ hạn: 2 năm (1.000 tỷ đồng) và 5 năm (250 tỷ đồng).
Trong đó, trái phiếu kỳ hạn 2 năm có 6 thành viên tham gia dự thầu, khối lượng dự thầu hợp lệ đạt 2.450 tỷ đồng. Lãi suất đặt thầu nằm trong khoảng 8,19-8,45%/năm. Kết quả, huy động thành công 1.000 tỷ đồng, với lãi suất trúng thầu 8,33%/năm, thấp hơn 0,12%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 3/12/2013).
Trái phiếu kỳ hạn 5 năm có 3 thành viên tham gia dự thầu, khối lượng dự thầu hợp lệ đạt 280 tỷ đồng. Lãi suất đặt thầu nằm trong khoảng 9,43-9,45%/năm. Kết quả, huy động thành công 250 tỷ đồng, với lãi suất trúng thầu 9,45%/năm, bằng lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 3/12/2013).
Tính từ đầu năm, so với khối lượng huy động cả năm là 40.000 tỷ đồng thì VDB đã huy động gần đạt kế hoạch của cả năm.
Theo đánh giá của một số chuyên gia, việc trái phiếu của VDB trở nên “đắt khách” hơn trong thời gian qua là do có quy định mới thắt chặt lượng cung của loại trái phiếu. Cụ thể, Thông tư 167/2013/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 34/2012/TT-BTC, của Bộ Tài chính đã quy định: Trong thời gian Thủ tướng Chính phủ chưa có văn bản phê duyệt hạn mức bảo lãnh phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh cho các Ngân hàng chính sách, Bộ Tài chính thông báo hạn mức phát hành tạm thời trong quý 1 năm kế hoạch cho các Ngân hàng chính sách, với giá trị tối đa không vượt quá số nợ gốc trái phiếu đến hạn trong quý 1 năm kế hoạch và hạn mức đang trình Thủ tướng Chính phủ. Thời gian thông báo là trước ngày 31/12 hàng năm.
Với quy định này, nhu cầu mua trái phiếu của VDB tăng lên do lo ngại nguồn cung sẽ có thể siết chặt từ quý 1/2014. Đồng thời, hiện tại, lãi suất của trái phiếu chính phủ bảo lãnh do VDB phát hành đang khá hấp dẫn so với lãi suất trái phiếu chính phủ./.