Thanh khoản hồi phục
Sau một tuần giao dịch ảm đạm với kỳ nghỉ Tết dương lịch cắt ngang, thị trường đã quay trở lại nhịp độ giao dịch tích cực hơn. Không chỉ phục hồi về giá ở nhiều cổ phiếu, dòng tiền cũng vận động một cách tích cực, đẩy quy mô giao dịch hôm nay lên mức cao nhất kể từ ngày 30/12/2013.
Một điểm khá dễ nhận trong phiên đầu tiên của tuần mới sau kỳ nghỉ, là có sự phân hóa về giá ở các cổ phiếu lớn. Một số mã vốn hóa hàng đầu đã tăng giảm trái chiều, qua đó kìm giữ mức tăng của điểm số không quá mạnh. Trong khi GAS tăng 1,52%, MSN tăng 0,61%, thì VNM, VIC đứng giá, VCB giảm 0,37%, CTG giảm 0,61%.
Ngay trong nhóm các blue-chips tăng giá cũng có sự khác biệt về sức mạnh. Những cổ phiếu tăng tốt nhất là những mã hoặc nằm trong danh sách mua lớn của khối ngoại, hoặc nằm trong nhóm những cổ phiếu có tiềm năng hưởng lợi sau khi mở room. Đặc biệt các cổ phiếu chứng khoán cũng thể hiện sức bật rất tốt với kỳ vọng kết quả kinh doanh khả quan nhờ thị trường tăng trưởng khá trong năm 2013 và thanh khoản được giữ ở mức cao.
Điểm khác biệt này thể hiện sự thay đổi vị trí về quy mô giao dịch trong phiên. Chiều nay HSX chứng kiến REE, SSI giao dịch rất mạnh. Đây cũng là hai cổ phiếu blue-chips có mức tăng giá rất ấn tượng. REE đóng cửa ở mức cao nhất trong 18 phiên nhờ mức tăng 1,68% so với tham chiếu. Buổi sáng REE giao dịch khá nhạt, giá mới tăng 0,67%. Lượng cầu vào rất mạnh với REE không chỉ đẩy giá lên mà còn đưa REE tới vị trí dẫn đầu thị trường về thanh khoản, đạt trên 1,8 triệu cổ phiếu, tương đương 53,9 tỷ đồng.
SSI cũng có mức tăng trưởng rất tốt về thanh khoản và giá. Đóng cửa đạt 18.300 đồng, tương đương tăng 1,67% so với tham chiếu, SSI chính thức xác lập giá cao nhất trong 10 tháng.
REE và SSI chỉ hai trong số nhiều cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực thì kỳ vọng mở room đạt mức tăng tốt trong phiên hôm nay. Cùng nhóm ngành chứng khoán với SSI, HCM cũng tăng 0,78%, xác lập mức giá đỉnh trong vòng 2 năm. SSI và HCM có sự hỗ trợ tốt về thông tin, trong khi những cổ phiếu chứng khoán cùng ngành khác tăng yếu hơn: VND tham chiếu, BVS tăng 0,88% và giá vẫn loanh quanh mức 11.000 đồng từ đầu tháng 12 năm ngoái. KLS tăng 1,14% và giá vẫn thấp hơn khá nhiều so với đỉnh đầu tháng 12…
Nhà đầu tư nước ngoài có vẻ đã lấy lại được phong độ một chút sau kỳ nghỉ, bắt đầu tăng quy mô mua vào trong phiên hôm nay. Mặc dù còn xa khối này mới trở lại thời kỳ trước tết dương lịch, nhưng khối lượng ở HSX cũng đã tăng 53% về khối lượng và 64% về giá trị. Tuy nhiên danh sách mua khá tập trung: DPM, HAG, HPG, MSN, SSI, VIC, VSH, GAS, TDH là những cổ phiếu được đổ tiền vào nhiều nhất.
Trên sàn Hà Nội, nhóm blue-chips cũng chứng kiến sự tăng giá vượt bậc của PVS. Cổ phiếu vốn hóa hàng đầu ở HNX đã đóng vai trò quan trọng trong việc bù đắp cho ACB giảm 0,63%, giúp đẩy HNX-Index tăng 1,26%. PVS tăng tới 5,45%, dẫn đầu trong số những mã vốn hóa lớn nhất sàn. Cũng chỉ bằng một phiên đột biến về giá, PVS đã nhảy lên mức giá cao nhất kể từ tháng 4/2011.
Nhờ có sự gia tăng đáng kể về giao dịch ở các blue-chips, quy mô khớp lệnh hai sàn hôm nay đạt 1.218,4 tỷ đồng, tăng 28% so với phiên cuối tuần trước và là mức cao nhất trong 5 phiên.
Cổ phiếu đầu cơ: FLC rớt đài
Biến động tích cực ở các blue-chips đã ủng hộ cho các cổ phiếu thị giá thấp có được một phiên tăng giá tốt. Mặc dù tính chất đầu cơ nổi trội ở những mã nhỏ có khả năng đi ngược dòng, nhưng khi thị trường chung mạnh lên, độ bật của những mã này thường lớn hơn do yếu tố thanh khoản yếu. Cùng một lượng tiền như nhau nhưng khả năng đẩy giá ở các mã thị giá thấp dễ hơn blue-chips rất nhiều do mức giá của những mã này vừa thấp, khối lượng hàng lại ít.
Cả hai sàn thống kê có khoảng 54 mã kịch trần, thậm chí còn nhiều hơn cả phiên đột biến ngày 31/12 nhờ thông tin room. Quả là bức tranh sáng sủa cho các cổ phiếu nhỏ vì không có blue-chips vốn hóa lớn nào tăng trần được trong hôm nay.
Tuy nhiên không phải tất cả các cổ phiếu nhỏ đều có sức mạnh thực sự. Trên HSX, FLC có một phiên đẩy giá bất thành. Khối lượng bắt đáy lớn T+3 đạt lợi nhuận vừa phải nhưng cũng đã thoát hàng mạnh. FLC đứng thứ 3 thị trường về quy mô giao dịch với gần 44,7 tỷ đồng và 4,8 triệu cổ phiếu.
Bị xả đúng phiên phục hồi thứ 3, FLC vẫn mang tính tăng kỹ thuật nhiều hơn là kết thúc đợt giảm. Về mặt thanh khoản, mặc dù vẫn khớp với quy mô lớn nhưng so với quá khứ, thanh khoản của FLC đang giảm dần thể hiện mức sụt giảm nhất định về dòng tiền.
Ngoài FLC, một số ít cổ phiếu nhỏ ở HSX cũng giao dịch kém tích cực và giảm như PXT, VNI, SMA, HLA, ANV.
Trên sàn Hà Nội, một số cổ phiếu đầu cơ cũng không thể chung nhịp tăng với các mã như PVX, SHN… là API, KSD, CVN, PV2, NHM, CMI, HLD, KLF.
Phía tăng, các giao dịch hoành tráng nhất xuất hiện tại PVX, SHN, ORS. PVX tuy không kịch trần được nhưng cũng tăng 6,25% với thanh khoản đứng thứ hai ở HNX, sau PVS, đạt 7,77 triệu cổ phiếu, tương đương 26,1 tỷ đồng. HSX chứng kiến khá nhiều cổ phiếu đột biến giá và thanh khoản như ITD, PXS, VHG, TDC, DLG, MCG.
Phiên giao dịch hôm nay sôi động trở lại thể hiện ở hai điểm: Thanh khoản phục hồi trở lại mức bình thường trước tết, đồng thời số lượng cổ phiếu tăng giá trải rộng khắp các nhóm cổ phiếu, nhóm ngành. Như vậy sức cầu phục hồi và có tính lan tỏa chứ không tập trung vào vài cổ phiếu vốn hóa lớn hay chỉ bó hẹp ở dòng tiền đầu cơ.