Tuần từ 17-21/2, thị trường trái phiếu chính phủ sơ cấp tổ chức 3 phiên đấu thầu của Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách Xã hội.
Theo đó, Kho bạc Nhà nước huy động thành công 10.000 tỷ đồng trên 10.000 tỷ đồng gọi thầu. Trong đó, trái phiếu kỳ hạn 2 năm trúng thầu 3.000 tỷ đồng, với lãi suất 6,15%; kỳ hạn 3 năm trúng thầu 4.000 tỷ đồng, với lãi suất 6,7%; kỳ hạn 5 năm trúng thầu 3.000 tỷ đồng, với lãi suất 7,67%.
Ngân hàng Phát triển huy động thành công 1.250 tỷ đồng trên 11.250 tỷ đồng gọi thầu. Trong đó, trái phiếu kỳ hạn 3 năm trúng thầu 700 tỷ đồng, với lãi suất 7,75%; kỳ hạn 5 năm trúng thầu 550 tỷ đồng, với lãi suất 9,0%.
Ngân hàng Chính sách Xã hội huy động thành công 350 tỷ đồng trên 1.000 tỷ đồng gọi thầu. Trong đó, trái phiếu kỳ hạn 3 năm trúng thầu 350 tỷ đồng, với lãi suất 7,5%; kỳ hạn 5 năm không trúng thầu.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, tổng khối lượng trúng thầu đạt 42.981 tỷ đồng, trong đó, Kho bạc Nhà nước đấu thầu thành công hơn 31.542 tỷ đồng (đạt 18,55% kế hoạch năm); Ngân hàng Phát triển đấu thầu thành công 9.987 tỷ đồng; Ngân hàng Chính sách Xã hội đấu thầu thành công 1.452 tỷ đồng.
Trên thị trường thứ cấp, giá trị giao dịch trái phiếu chính phủ trong tuần đạt hơn 16.224 tỷ đồng, tương đương giá trị giao dịch bình quân đạt 3.245 tỷ đồng/phiên, tăng 17,0% so với bình quân phiên tuần kế trước.
Trong đó, giao dịch outright đạt hơn 13.197 tỷ đồng, tập trung vào các trái phiếu kỳ hạn dưới 3 năm, trong đó: kỳ hạn 0 - 1 năm chiếm 19,24%; kỳ hạn 1 – 3 năm chiếm 61,0%; kỳ hạn 3 – 5 năm chiếm 16,65%, kỳ hạn 5 – 10 năm chiếm 3,1%; kỳ hạn 15 năm không có giao dịch. Giao dịch repo đạt 3.027 tỷ đồng với kỳ hạn repo từ 14 đến 94 ngày.
Trong tuần không có giao dịch tín phiếu kho bạc nào được thực hiện.
Nếu tính riêng từ 1/1/2014 đến nay, giá trị giao dịch của trái phiếu chính phủ và tín phiếu kho bạc đạt lần lượt 63,692 nghìn tỷ và 801 tỷ đồng, tương đương với giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 2.123 tỷ đồng cho trái phiếu và 26,71 tỷ đồng tín phiếu.
Đánh giá về diễn biến thị trường, Nhóm Nghiên cứu Ban Kinh doanh Vốn và Tiền tệ, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) cho rằng, tuần qua tiếp tục chứng kiến những diễn biến sôi động và bất ngờ trên thị trường trái phiếu chính phủ.
Tỷ trọng giao dịch của khối nhà đầu tư nước ngoài mặc dù giảm mạnh từ mức 22% vào tuần trước xuống còn 13% trong tuần này, nhưng giá trị tuyệt đối tiếp tục ở mức cao, đạt 3,5 nghìn tỷ đồng. Khối này đồng thời mua ròng thêm trên 900 tỷ đồng trong tuần. Tính từ 1/1/2014, giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài là 16.461 tỷ đồng, chiếm 15,87% so với giá trị giao dịch toàn thị trường.
Các yếu tố tác động về cơ bản chưa có nhiều khác biệt so với tuần kế trước, bao gồm: Thanh khoản hệ thống ngân hàng dư thừa, lãi suất giao dịch ổn định ở mức thấp, xoay quanh 1,5-2%/năm đối với kỳ hạn qua đêm - 1 tuần; thị trường tiếp tục kỳ vọng vào 1 đợt hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước do CPI tháng 1 chỉ tăng 0,69% và CPI tháng 2 dự kiến không tăng mạnh; số lượng thành viên tham gia thị trường tăng lên.
"Nhu cầu đầu tư ở mức cao đã kéo lãi suất tiếp tục đi xuống, thậm chí tốc độ còn mạnh hơn tuần kế trước, mất thêm khoảng 25-40 điểm trên các kỳ hạn. Đây là điểm khá bất ngờ so với dự doán của các chuyên gia. Đến cuối tuần, lãi suất xoay quanh khoảng 6,2%, 6,7% và 7,6%/năm lần lượt cho các kỳ hạn 2, 3 và 5 năm” – Nhóm Nghiên cứu cho biết.
Thị trường trái phiếu sơ cấp cũng diễn ra hết sức sôi động. Trong tuần, Kho bạc Nhà nước đạt tỷ lệ thành công tuyệt đối. Lãi suất trúng thầu giảm mạnh 43 điểm đối với kỳ hạn 2 năm về còn 6,15%/năm và 25 điểm đối với kỳ hạn 3 năm về còn 6,70%/năm và 28 điểm đối với kỳ hạn 5 năm về còn 7,67%/năm.
Trong tuần 24 - 28/2, nguồn cung sơ cấp tăng mạnh (Kho bạc Nhà nước gọi thầu tiếp 16 nghìn tỷ đồng, bao gồm cả tín phiếu kho bạc), tuy nhiên, nhu cầu đầu tư trái phiếu chính phủ dự báo tiếp tục duy trì dồi dào cộng với thông tin CPI tháng 2/2014 có thể sẽ thấp hơn kỳ vọng, nên lãi suất dự báo sẽ chuyển sang xu hướng đi ngang với biên độ +/-10 điểm, Nhóm Nghiên cứu nhận định./.