Để cùng tìm hiểu thêm về vấn đề này, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Quý, Chuyên viên phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS).
* Dư luận thời gian qua đang dành sự quan tâm khá lớn tới cuộc sáp nhập giữa Sacombank và Southern Bank. Điều này có tác động thế nào tới nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng nói chung và riêng cổ phiếu của hai ngân hàng này nói riêng, thưa ông?
|
|
 |
Trong ngắn hạn, cổ phiếu ngành ngân hàng chưa thể đi theo xu hướng tăng tích cực, vì cần có các bằng chứng về hiệu quả hoạt động kinh doanh sắp tới...
|
 |
|
Ông Nguyễn Văn Quý
|
|
|
- Trong hai năm gần đây, khi nền kinh tế gặp khó khăn do suy thoái, ngành ngân hàng với vai trò là huyết mạch đã bộc lộ rất nhiều điểm yếu, như nợ xấu và "ma trận" sở hữu trong hệ thống ngân hàng.
Con số nợ xấu cao trong hệ thống ngân hàng đã chỉ rõ sự bất cập và yêu cầu phải tái cơ cấu là sự tất yếu để tồn tại và duy trì sự ổn định hệ thống tài chính của nền kinh tế.
Không chỉ có Sacombank với Southern Bank mà đã có rất nhiều sự kiện sáp nhập lớn trong thời gian qua như: SCB với Ficombank và Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa hay HBB với SHB, PVFC với Ngân hàng Phương Tây (Western Bank)… và hàng loạt các đợt tự cơ cấu lại như Navibank, Tien Phong Bank, GPBank, TrustBank…
Mô hình chung sau khi sáp nhập nguồn vốn và tài sản của ngân hàng đều tăng lên, giúp họ có thêm nguồn lực tài chính cũng như tăng khả năng quản trị rủi ro, tăng sức cạnh tranh.
Ngoài ra, quá trình sáp nhập và tái cơ cấu cần có thời gian để đưa bộ máy quản lý vào trạng thái ổn định, rồi sau đó từng bước mới đẩy mạnh phát triển. Do đó, trong ngắn hạn những cổ phiếu của các ngân hàng này sẽ chưa thể đi theo xu hướng tăng tích cực, vì cần có các bằng chứng về hiệu quả hoạt động kinh doanh sắp tới.
 |
Nợ xấu vẫn là yếu tố chính "níu chân" cổ phiếu ngân hàng tăng điểm. Ảnh: T.L
|
* Một số ý kiến dự báo, việc sáp nhập, hợp nhất của các ngân hàng sẽ còn tiếp tục. Theo ông, xu hướng này có làm tăng tính hấp dẫn cho cổ phiếu nhóm ngành này?
- Trong ngắn hạn các đợt sáp nhập này sẽ tiếp tục tạo ra những biến động nhất định đến ngành ngân hàng. Tuy nhiên điều đáng lo ngại nhất hiện nay đối với ngành không chỉ là quá trình cơ cấu lại, mà cốt lõi vẫn là hiệu quả đem lại của nó.
Đó là một hệ thống ngân hàng minh bạch, thống nhất, xử lý dứt điểm tình trạng sở hữu chéo và từng bước đưa tỷ lệ nợ xấu của ngành trở lại mức an toàn, có thể kiểm soát. Do đó, trong dài hạn hiệu quả của những đợt sáp nhập vừa qua sẽ đem lại sự tích cực cho cổ phiếu nhóm ngân hàng.
* Diễn biến giá cổ phiếu ngành ngân hàng thời gian qua cho thấy, dường như nhà đầu tư đang rất thận trọng với những sự sáp nhập, hợp nhất, hay thâu tóm. Quan điểm của ông thế nào?
- Sự biến động trong ngành ngân hàng vẫn còn đang tiếp diễn, do đó nhà đầu tư có lý do để chưa thể tin tưởng vào việc đầu tư nhóm cổ phiếu ngân hàng trong thời điểm hiện tại.
Mặc dù, VAMC đã ra đời và từng bước giúp việc khoanh vùng các khoản nợ xấu để xử lý, tuy nhiên con số này vẫn còn khá lớn và nó tiềm ẩn rủi ro. Ngoài ra, nội tại những ngân hàng mới sáp nhập cũng có những khó khăn riêng như vừa đảm bảo hoạt động kinh doanh ổn định, có lãi vừa đảm bảo quá trình xử lý khối lượng nợ xấu được đẩy nhanh càng sớm càng tốt.
Đặc biệt, xu hướng lãi suất cho vay hiện tiếp tục có dấu hiệu hạ nhiệt sẽ càng làm gia tăng sự cạnh tranh trong ngành trong hoạt động cho vay. Đầu ra bị thu hẹp, do tăng cường quản trị rủi ro, trong khi đầu vào với lãi suất thấp như hiện nay sẽ là một bất lợi cho các ngân hàng.
Với những rủi ro đó sẽ không khó hiểu nếu như nhà đầu tư hiện nay không quá quan tâm đến nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng.
Tuy nhiên với lộ trình sáp nhập và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, đặc biệt là sự siết chặt về quy chuẩn phân đinh nợ xấu của Thông tư 02 dự kiến áp dụng trong năm 2015 thì trong dài hạn hệ thống ngân hàng sẽ dần đi vào ổn định.
* Ông có khuyến nghị gì đối với nhà đầu tư về nhóm cổ phiếu ngành này?
- Nhóm ngành ngân hàng đang có những khó khăn làm giảm tính hấp dẫn của cổ phiếu nhóm ngành này. Tuy nhiên, Thông tư 02 về phân định nợ xấu trong hệ thống ngân hàng vừa qua đã được sửa đổi theo hướng linh hoạt hơn, theo đó nhiều khoản vay có thể sẽ không được đưa ngay vào dạng nợ xấu trong năm 2014.
Thông tin này góp phần giảm bớt sự khó khăn của các ngân hàng trong ngắn hạn. Tuy vậy, nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn và duy trì tăng trưởng tốt mới chính là điểm hấp dẫn đối với cổ phiếu ngân hàng trong dài hạn.
* Xin cảm ơn ông!