Trên 100 mã kịch trần
Khó mà tưởng tượng được chỉ mới hai phiên trước, có cả trăm cổ phiếu đầu cơ rơi thảm ở mức sàn, nhiều mã mất thanh khoản, hôm nay giá lại bật ngược “điên rồ”. 102 cổ phiếu kịch trần lúc đóng cửa hôm nay, số lượng cổ phiếu cao nhất trong vòng 8 phiên.
Rổ HSX30 có một đại diện duy nhất tăng trần là ITA. Cổ phiếu này cũng chỉ có giá 10.300 đồng. Tuy nhiên ITA lâu nay vẫn có dấu hiệu của dòng tiền lớn khi duy trì mức giao dịch hàng trăm tỷ đồng mỗi ngày. Phiên này ITA đứng thứ 2 thị trường với khoảng 12,6 triệu cổ phiếu giao dịch, tương đương 128,1 tỷ đồng.
Các đại diện còn lại đều đến từ các cổ phiếu ngoài rổ HSX30 và đặc biệt tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa nhỏ, thị giá thấp và có tính đầu cơ cao. Tính đầu cơ thể hiện ở mức độ chấp nhận rủi ro cực cao. Mới hai phiên trước, đa số cổ phiếu dạng này còn sàn hàng loạt, hôm nay đã bật lại hết biên độ tăng.
Có thể điểm ra đây rất nhiều cổ phiếu quay ngoắt 180 độ như vậy. PTL là ví dụ. Hôm qua PTL giảm sàn và mất thanh khoản, hôm nay giá vọt lên trần với khối lượng giao dịch cao nhất 6 phiên. Bình quân 20 phiên gần nhất PTL giao dịch chừng 1,37 triệu cổ phiếu, hôm nay khớp 3,21 triệu.
PTK hôm qua cũng giảm sàn, thậm chí là phiên sàn thứ 2 liên tục. Hôm nay PTK cũng lội ngược dòng ngoạn mục, thậm chí là rất mạnh. Khối lượng giao dịch cũng cao gấp đôi mức trung bình.
Nhà đầu cơ bất ngờ hào hứng trở lại, đua giá trần ở hang loạt mã nhỏ.
PV2 trên sàn Hà Nội, hôm qua nhà đầu tư muốn tháo chạy cũng khó, giá giảm sàn. Hôm nay đã quay ngược lên tăng trần. PFL, KSQ, VIG, PVL, PSG… cũng có giao dịch tương tự.
Hàng loạt cổ phiếu nhỏ khác cũng bật ngược với cường độ tối đa sau những phiên điều chỉnh liên tục trước đó là VHC, DRH, VNE, LCG, SHI, DXG, SMA, MCG, AGR, ASM, VTO, DCT, PVA, SHN, PXA, ORS, GGG…
Điểm chung của các cổ phiếu nhỏ này, là giá cho đến ngày hôm qua vẫn đang điều chỉnh trả lại phần lớn mức tăng trong sóng đầu cơ trước đó. Nhiều mã thậm chí sàn liên tiếp nhiều phiên, mức điều chỉnh lên tí 30-50% mức tăng trước. Đây chính là yếu tố hấp dẫn xu hướng đầu cơ quay lại với hi vọng giá đã điều chỉnh xong và mức kỳ vọng lớn hơn khi nhìn vào độ cao của sóng tăng vừa diễn ra.
Chỉ số giá của hai sàn dành cho nhóm cổ phiếu này đều có mức tăng mạnh hơn nhiều so với các chỉ số khcas. HSXSmallCap tăng 2,73% trong khi VN-Index chỉ tăng 1,34%. HNX Mid/Small Cap tăng 2,53% nhưng HNX-Index chỉ tăng 2,27%.
Tính đầu cơ và độ mạo hiểm của dòng vốn tại nhóm cổ phiếu nhỏ là rất lớn, thể hiện ở khối lượng giao dịch hôm nay khá cao trong nhóm này. Đặc điểm thường thấy của các cổ phiếu nhỏ khi giảm là hàng trăm tới cả triệu cổ phiếu bị bán đổ bán tháo. Do đó khi giá bật ngược tăng, khối lượng giao dịch cũng tăng rất cao.
Hôm nay mới là phiên đảo chiều bất thường đầu tiên ở các cổ phiếu nhỏ. Còn quá sớm để khẳng định các cổ phiếu này đã tạo đáy sau phiên hôm nay. Tuy nhiên có thể nhận thấy xu hướng bắt đáy ở các cổ phiếu đầu cơ là rất mạnh. Độ mạo hiểm rất cao khi nhà đầu cơ chấp nhận hôm qua vừa tranh bán sàn, hôm nay đã tranh đua mua giá trần. Các cổ phiếu này đã tạo ra độ nóng đáng chú ý của thị trường hôm nay.
Giá trị giao dịch giảm thấp nhất trong 39 phiên
Top 5 giao dịch NĐTNN
Mã CK
KL mua ròng
GT mua ròng
(tỉ đồng)
ITA
1,054,450
10,7
DXG
449,350
7
VCB
212,210
6,6
BMI
334,050
6,2
NLG
175,930
3,6
Mã CK
KL bán ròng
GT bán ròng
(tỉ đồng)
DPM
271,800
12
VIC
78,250
5,7
HAG
172,850
4,9
IJC
241,210
3,3
TRC
50,000
1,9
Rất bất ngờ là thị trường hôm nay chứng kiến gần 430 cổ phiếu tăng giá, trong đó hơn 100 mã kịch trần nhưng giá trị khớp lệnh chỉ đạt 2.131,8 tỷ đồng, giảm 34% so với hôm qua và là mức thấp nhất trong 39 phiên.
Giá trị giao dịch giảm không hẳn do các cổ phiếu đầu cơ nhỏ mất thanh khoản là nguyên nhân. Đúng là có thực tế rằng nhiều mã không được giao dịch thêm do trắng bên bán. Tuy nhiên nhìn vào giá trị giao dịch, các cổ phiếu đầu cơ này không đóng góp được bao nhiêu cho quy mô toàn thị trường vì thị giá quá thấp.
Thanh khoản thị trường yếu hôm nay là chung cho hầu hết các nhóm cổ phiếu, trong đó đặc biệt là các rổ cổ phiếu lớn. HSX30 chẳng hạn, hôm nay giao dịch 686,1 tỷ đồng trong khi mới hôm qua còn giao dịch gần 1.370 tỷ đồng.
Nhìn vào giao dịch ở rổ HSX30, cơ hội tạo thanh khoản lớn vẫn còn nhiều. Trừ ITA, tất cả các cổ phiếu khác vẫn đang có dư mua dư bán dồi dào. Mức tăng giá khá mạnh ở nhóm này nhưng khối lượng và giá trị giao dịch thành công rất thấp là do người bán đã bán ra ít hơn trong khi người mua cũng chưa dám mua bằng được. Nếu người mua chấp nhận nâng giá tốt hơn, hôm nay hẳn sẽ là một ngày bùng nổ cả về giá lẫn thanh khoản trên toàn thị trường.
Nhà đầu tư nước ngoài cũng giảm giao dịch rất rõ hôm nay. Tại HSX, khối này giảm 31% khối lượng mua vào và 38% giá trị mua so với phiên trước. Giao dịch thỏa thuận nhìn chung là cân bằng. Việc nhà đầu tư nước ngoài hạn chế đua giá trực tiếp trên sàn trong một phiên tăng hơi nóng hôm nay là điều đã đừng xảy ra. Không chỉ nhà đầu tư nước ngoài, ngay cả nhà đầu tư trong nước cũng ngại đua giá.
Thị trường tăng mạnh với giá trị giao dịch thấp thường xuất phát từ việc khối lượng hàng bán ra giảm đi. Người mua mặc dù yếu nhưng vẫn đủ để tạo được sức mua tốt hơn, lấn át khối lượng bán ra và đẩy giá lên. Tuy nhiên không phải nhà đầu tư nào cũng chấp nhận mua cao với khối lượng lớn trong một phiên tăng như hôm nay. Nếu thị trường thực sự hào hứng như vài phiên trước và lượng tiền lớn mới thoát ra hoặc đứng ngoài trong vài ngày vừa qua quay lại hết, giá trị giao dịch có thể lên mức 3.000-4.000 tỷ đồng và các cổ phiếu lớn kịch trần hàng loạt.
Chính vì nhiều người chưa tin tưởng nên thị trường tăng giá với thanh khoản giảm quá mạnh bị đánh giá bằng con mắt nghi ngờ nhiều hơn. Khối lượng cổ phiếu được giữ lại chắc chắn sẽ bị bung ra ở một thời điểm nào đó.
HSX
HNX
Giá trị Khớp lệnh
Khối lượng Khớp lệnh
Giá trị Khớp lệnh
Khối lượng Khớp lệnh
1.480,3 tỷ đồng (-34%)
99,1 triệu (-30%)
651,5 tỷ đồng (-33%)
61,8 triệu (-32%)
5 cổ phiếu đạt giá trị giao dịch cao nhất
HSX (tỉ đồng/tỉ lệ % so với tổng giá trị sàn)
HNX (tỉ đồng/tỉ lệ % so với tổng giá trị sàn)
FLC (146) - (9,9%)
SHB (92)-(14,1%)
ITA (128,1) - (8,7%)
PVS (58,9)- (9%)
SSI (75,5) - (5,1%)
KLS (56,9) - (8,7%)
HAG (40,9) - (2,8%)
PVX (56,7) - (8,7%)
FPT (40,4) - (2,7%)
SCR (48,1) - (7,4%)