Đây là nhận định của ông Nguyễn Minh Ngọc, Phó Giám đốc phụ trách Khối Khách hàng tổ chức, CtyCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) khi trao đổi với phóng viên TBTCVN xung quanh các vấn đề về diễn biến của thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) hiện nay.
* Thị trường TPCP sơ cấp đã có dấu hiệu giảm nhiệt kể từ đầu quý II tới nay. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về tình trạng này? Nguyên nhân từ đâu, thưa ông?
|
|
 |
Trong quý 2 này, tôi cho rằng vẫn chưa thể có sự biến động mạnh về lãi suất. Nên diễn biến thị trường sẽ tiếp tục trầm lắng như thời gian qua, có chăng các phiên đấu thầu sơ cấp kỳ hạn 10 năm, 15 năm sẽ thu hút quan tâm của nhà đầu tư và sẽ là những điểm sáng cho thị trường.
|
 |
|
Ông Nguyễn Minh Ngọc
|
|
|
- Theo tôi, nguyên nhân chính vẫn là từ chính sách lãi suất. Do lãi suất đã xuống ở mức thấp nhất trong vòng 7 năm trở lại đây, kể cả lãi suất huy động lẫn lãi suất TPCP. Lãi suất huy động dưới 6 tháng về mức 6%/năm kể từ ngày 18/3/2014. Kể từ thời điểm đó, lãi suất TPCP trên thị trường sơ cấp liên tục giảm nhanh và mạnh, kỳ hạn càng ngắn mức giảm càng mạnh. Mức lãi suất TPCP kỳ hạn 2-5 năm giảm khoảng 200-130 điểm cơ bản so với mức trung bình năm 2013. Trên thị trường sơ cấp, các kỳ hạn ngắn thường không bán được hết, các kỳ kỳ hạn 10 – 15 năm thì luôn bán được hết với khối lương đăng ký luôn ở mức cao hơn khối lượng chào thầu.
Trong bối cảnh tín dụng chưa có dấu hiệu tăng trưởng tích cực, tiền huy động của dân cư phải trả lãi cao hơn nhiều so với việc đầu tư vào TPCP, trong khi phải chịu thêm rủi ro kỳ hạn của dòng tiền, khiến các tổ chức tín dụng giảm tỷ trọng giải ngân vào TPCP.
Mặt khác, nhìn động thái của các thành viên trên thị trường, họ sợ phải đối mặt với rủi ro lãi suất tăng trở lại, khi đó họ sẽ chịu thiệt cho danh mục trái phiếu của mình. Tôi cho rằng, các tổ chức đang đánh giá đây là vùng đáy của lãi suất nên chấp nhận đứng ngoài, chịu lỗ ngắn hạn do phải huy động và cho vay lại trên thị trường liên ngân hàng hơn là mua trái phiếu để phải gánh nhiều rủi ro hơn trong dài hạn.
Thực tế, nếu nhìn vào mức chênh lệch lãi suất cao giữa kỳ hạn ngắn và kỳ hạn dài, sẽ phần nào hiểu được kỳ vọng của các nhà đầu tư. TPCP kỳ hạn 10 – 15 năm bán ra vẫn được mua hết, tuy nhiên, kỳ hạn ngắn không có được điều đó, chứng tỏ rủi ro về lãi suất đang lấn át rủi ro về kỳ hạn và là nguyên nhân khiến cho thị trường giảm nhiệt.
* Một số đánh giá cho rằng, dù bớt trầm lắng hơn thị trường sơ cấp, nhưng thị trường thứ cấp hiện tại vẫn khó tạo được đà tăng đột biến và lãi suất dự báo vẫn trong xu thế đi ngang. Quan điểm của ông về ý kiến này như thế nào?
- Như trên đã nói, các diễn biến trên thị trường trái phiếu đều bắt nguồn từ lãi suất. Tôi nghĩ trong ngắn hạn điều này có thể đúng, lãi suất sẽ tiếp tục đi ngang, thị trường thứ cấp lẫn sơ cấp khó mà đạt được đà tăng đột biến.
Tuy nhiên, xét về trung và dài hạn, thì nền kinh tế Việt Nam vẫn là nền kinh tế đang phát triển, nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển vẫn còn rất lớn, nên duy trì mức lãi suất ở mức hiện tại về lâu dài là rất khó. Tôi nghĩ mức lãi suất cân bằng cho thị trường Việt Nam trong khoảng 10 năm tới sẽ ở mức 7,5 – 8,5% cho kỳ hạn từ 2 – 5 năm, tương đương với mức lãi suất tiết kiệm khoảng 7,5%/năm cho kỳ hạn dưới 1 năm. Tôi cho rằng, trong trường hợp tín dụng không thể tăng trưởng tích cực thì đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải hút về một lượng lớn tiền đồng để tránh áp lực lạm phát do dư cung tiền tệ, cùng với áp lực giải ngân do tính chu kỳ vào cuối, như vậy lãi suất sẽ vận động theo hướng đi lên.
* Tình hình biển Đông liệu có làm ảnh hưởng tới sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường TPCP không thưa ông?
- Rõ ràng, chúng ta nhìn thấy động thái nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trên thị trường trái phiếu kể từ tháng 3 đến nay. Động thái này càng khẳng định quan điểm trên của tôi rằng, các nhà đầu tư nhận định đây là vùng đáy của lãi suất, nên việc bán trái phiếu ra thu lời trong thời điểm này là hành động rất hợp lý, tất nhiên vẫn có tổ chức phải duy trì một tỷ trọng trái phiếu tối thiểu, chứ không thể bán toàn bộ.
Do đó, không thể nói là tình hình biển Đông là nguyên nhân chính làm giảm sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Tôi cho rằng, việc bán mạnh trên thị trường trái phiếu trong hai tuần vừa qua chỉ là một động thái đảo danh mục của nhà đầu tư nước ngoài. Lãi suất trái phiếu không hấp dẫn, trong khi giá chứng khoán hấp dẫn hơn, nên khối này chuyển dòng tiền từ trái phiếu sang cổ phiếu. Dòng tiền vẫn ở lại với thị trường Việt Nam chứ không chảy ra khỏi thị trường.
* Quý II đã trôi đi được gần 2/3 quãng đường, ông nhận định thế nào về thị trường trái phiếu trong tháng cuối cùng của quý này?
- Trong quý 2 này, tôi cho rằng vẫn chưa thể có sự biến động mạnh về lãi suất. Nên diễn biến thị trường sẽ tiếp tục trầm lắng như thời gian qua, có chăng các phiên đấu thầu sơ cấp kỳ hạn 10 năm, 15 năm sẽ thu hút quan tâm của nhà đầu tư và sẽ là những điểm sáng cho thị trường. Và bản thân tôi cũng không mong muốn lãi suất sẽ tăng ngay chỉ để tạo cho thị trường sôi động hơn, vì như vậy thị trường sẽ phải chịu một cú sốc mà xét về tổng thể chẳng có lợi gì. Hãy cứ để thị trường tự điều chỉnh dần dần và về đến mức cân bằng của nó./.
* Xin cảm ơn ông!