GAS, VNM “thổi” VN-Index
Chỉ số giá chính của sàn HSX kết thúc phiên giao dịch với mức điểm số 601,04, tăng 0,8% so với tham chiếu. Sau gần 3 tháng chờ đợi của con sóng phục hồi mạnh mẽ từ mức 508 điểm, rốt cục VN-Index cũng đã vượt qua được ngưỡng điểm số quan trọng.
Từ góc độ phân tích chỉ số, các nhà phân tích kỹ thuật có thể vui mừng với sự kiện này. Tuy nhiên nếu nhìn toàn cục, hôm nay lại là một phiên lo lắng hơn là vui mừng. Nếu VN-Index vượt 600 điểm có thể làm gia tăng xu thế phục hồi thì với đa số cổ phiếu, hôm nay lại là ngày điều chỉnh giảm.
Chỉ hai cổ phiếu đã làm đảo lộn xu thế của thị trường hôm nay nếu nhìn từ góc độ chỉ số. Đó là GAS và VNM. Giao dịch đặc biệt mạnh hôm nay là VNM. Việc VNM phát hành cổ phiếu thưởng 20% đã được thị trường đón nhận từ cuối tuần trước nên việc giá tăng hôm nay cũng không có gì bất ngờ.
Tăng 4,51%, VNM có cú nhảy trong phiên mạnh chưa từng có trong 15 tháng qua. Chỉ trong hai phiên, VNM đã tăng 7,6% và lực chốt lời vẫn chưa tỏ ra đủ mạnh để chặn đà tăng giá dù giá đang ở mức cao nhất trong vòng 3 tháng. Trong phiên đã có lúc VNM bị xả khá nhiều và mức tăng rất hẹp, chỉ khoảng 0,75%. Tuy nhiên càng về cuối phiên lực mua càng khá và đà tăng lấy lại được quán tính.
GAS, trái lại, không có bất kỳ thông tin mới nào hỗ trợ, vẫn tăng giá 2,73% và lập đỉnh cao giá mới trong lịch sử tại mức 113.000 đồng. Thực ra thì GAS đã từng có giá 114.000 đồng vào ngày 30/6 vừa qua, nhưng đó chỉ là mức giá đạt được trong phiên, còn chưa bao giờ đóng cửa cao hơn mức 113.000 đồng.
Điểm chung của cả hai cổ phiếu GAS và VNM hôm nay là cùng đạt được mức thanh khoản rất ấn tượng. VNM giao dịch thành công 703.510 cổ phiếu, tương đương 96,5 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ phiên giảm giá hoảng loạn chạm đáy hồi tháng 5. GAS khớp lệnh 635.080 cổ phiếu, tương đương 71,1 tỷ đồng, cũng là mức cao nhất kể từ đầu tháng 6.
Cả hai cổ phiếu này cũng dựa nhiều vào nguồn lực của nhà đầu tư trong nước là chính. VNM thì đương nhiên không còn room cho nhà đầu tư nước ngoài. Mặc dù vậy con số gần 100 tỷ đồng không phải là nhỏ. GAS được khối ngoại mua 168.500 cổ phiếu, cũng chỉ khoảng 27% tổng lượng giao dịch trong phiên. Hàng chục tỷ đồng vẫn đến từ nhà đầu tư trong nước.
GAS và VNM là hai cổ phiếu quyết định việc VN-Index đóng cửa trên 600 điểm. Thực ra trong số các blue-chips, còn có PPC tăng 1,26%, PVD tăng 2,81%, REE tăng 0,71% và VIC tăng 0,71%, nhưng các mã này tác động không đáng kể nếu so với các mã giảm.
Có thể thấy rõ điều nay trong việc chênh lệch giữa các chỉ số ở sàn HSX. VN-Index đóng cửa tăng 0,8% khi có 2 "ông lớn" GAS và VNM tăng điểm. Trong khi đó HSX30 lại giảm 0,03% mặc dù vẫn có VNM. Nguyên nhân không chỉ là do số lớn các cổ phiếu khác trong rổ HSX30 giảm giá, mà còn là ở chỗ VNM bị giới hạn vốn hóa khi tính chỉ số cho rổ này. Nói đơn giản, ở VN-Index thìVNM thể hiện toàn bộ sức mạnh vốn hóa, trong khi ở HSX30 thì bị giới hạn.
Dòng tiền hưng phấn, thanh khoản duy trì
Những số liệu thống kê về giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài hôm nay đem lại một bức tranh khá “lộn xộn”. Về tổng thể, khối ngoại vẫn đang mua ròng, thậm chí còn mua ròng mạnh, nhưng ở các cổ phiếu cụ thể, khối này lại đang đi ngược hướng với nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên chính ở các mã ngược hướng đó lại thể hiện được sức mạnh của dòng tiền.
Nhìn vào GAS, cổ phiếu đóng cửa ở mức giá cao chưa từng có trong lịch sử hôm nay. GAS bị khối ngoại xả trên 300.000 cổ phiếu, tương đương gần 33,6 tỷ đồng. Mặc dù có mua ròng như đã nói ở trên, con số bán ròng vẫn là hơn 14,7 tỷ đồng.
GAS có lúc suy yếu trong phiên hôm nay với nhiều thời điểm lùi lại giá tham chiếu có thể là do áp lực bán ra từ khối ngoại. Chẳng hạn thời điểm VN-Index thấp nhất trong buổi sáng, hoặc lúc rơi xuống dưới 600 điểm trong buổi chiều, GAS đều bị ép giá xuống mức tham chiếu. Hàng chục tỷ đồng bán ra cần có hàng chục tỷ đồng mua đối ứng mới có thể duy trì được giá không giảm. Để giá tăng, lượng tiền cần nhiều hơn nữa. GAS tăng giá 2,73% lúc đóng cửa với trên 52 tỷ đồng vốn mua vào của nhà đầu tư trong nước.
Ở cổ phiếu khác như VIC, sức ép khiến giá không thoát nổi khổi giá tham chiếu trong suốt thời gian của phiên chiều cũng đến từ nhà đầu tư nước ngoài. Khối này xả tổng cộng trong phiên 590.360 VIC, tương đương 78% khối lượng giao dịch của cổ phiếu này. VIC bị bán ròng 35,6 tỷ đồng và giá vẫn rất vững vàng.
Hoạt động bán ròng còn xuất hiện tại MSN, HPG và một số cổ phiếu khác. Nhiều mã trong số này cũng giảm giá nhưng mức độ không lớn, thường là không quá hai bước giá dưới tham chiếu.
Tổng hợp thị trường hôm nay, khối ngoại tăng mua so với phiên thứ Sáu tuần trước 8% về giá trị với khoảng 210,5 tỷ đồng. Giá trị mua ròng tổng thể là 41,4 tỷ đồng. Như vậy mặc dù ở một số cổ phiếu cá biệt, khối ngoại vẫn đang bán ra, nhưng trên bình diện lớn, dòng vốn ngoại vẫn đang chảy vào thị trường.
Quy mô giao dịch hôm nay giảm khoảng 2% về khối lượng và hơn 3% về giá trị. Yếu tố giảm giá cũng khiến giá trị giao dịch có phần thấp đi. Mặc dù vậy vẫn có 2.529,6 tỷ đồng tham gia khớp lệnh trực tiếp, một con số khá lớn vào thời điểm hiện tại.