Theo Hãng tin Bloomberg, tính đến ngày 5/8, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 277,1 triệu USD giá trị cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm nay, cao hơn 5,3% so với cả năm 2013. Điều này đã góp phần khiến VN-Index tăng 20% kể từ đầu năm đến nay.
Hôm 29/7, hãng đánh giá tín dụng Moody’s đã nâng mức xếp hạng tín nhiệm đối với Việt Nam lần đầu tiên kể từ 5 năm qua, khi cán cân thanh toán, khả năng trả nợ và dự trữ ngoại hối ngày càng được cải thiện.
“Chúng tôi đang tăng mua vào ở Việt Nam. Mặc dù đây là một trong những thị trường tăng trưởng mạnh nhất châu Á trong năm nay, nhưng nhiều cổ phiếu vẫn có giá rất tốt”, Thomas Hugger, Giám đốc quỹ Asia Frontier Capital cho biết.
Trong khi đó James Bannan, người điều hành Quỹ Thị trường sơ khai tại Coeli, Thụy Điển, nói ông “rất lạc quan” về Việt Nam. Sven Richter, phụ trách các thị trường sơ khai tại RenAsset Management thì vẫn “đang tìm mua các cổ phiếu hấp dẫn”.
Chưa gỡ được "nút thắt cổ chai"
Tuy nhiên, vẫn còn những lo ngại về tình hình nợ xấu trong lĩnh vực ngân hàng có thể làm chậm đà tăng trưởng. Theo báo cáo của Standard & Poor’s hôm 15/7, nợ xấu tăng có thể làm xói mòn sự ổn định của các ngân hàng Việt Nam. Cuối tháng 6, tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đã tăng lên 4,84% tổng dư nợ.
“Các khoản nợ xấu trong hệ thống ngân hàng vẫn ở mức khá cao và vấn đề này cần được xử lý triệt để. Đây là nút thắt cổ chai của nền kinh tế và nếu giải quyết được vấn đề này, Việt Nam sẽ tăng trưởng ổn định và mạnh mẽ hơn”, Hoàng Việt Phương, Giám đốc cấp cao của Viện Nghiên cứu và Tư vấn đầu tư của Công ty Chứng khoán Sài Gòn cho biết.
Trong quý II vừa qua, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 5,25%, cao hơn mức 5,09% của quý 1. Triển vọng của lĩnh vực xuất khẩu cũng được cải thiện cùng với việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm 1% tỷ giá.
Lạm phát thấp hơn 5% trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu tăng 14,9%, thặng dư thương mại đạt 1,3 tỷ USD so với mức thâm hụt 1,4 tỷ USD cùng kỳ năm trước.
Thị trường sơ khai điển hình
Chuyên gia James Bannan cho biết, “đây là một thị trường mới nổi giai đoạn đầu điển hình, với rất nhiều tiềm năng. Có những cơ hội rất đáng chú ý ở thị trường Việt Nam và chúng tôi hiện đang đầu tư vào đó”.
Không chỉ ở thị trường chứng khoán, tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam cũng thu hút các nhà sản xuất lớn. Samsung - nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới tháng trước đã được chấp thuận xây dựng thêm nhà máy trị giá 1 tỷ USD tại Bắc Ninh.
“Việt Nam đang dần trở thành một trung tâm quan trọng của ngành sản xuất trong khu vực, với chi phí nhân công thấp hơn Trung Quốc, với số lượng lớn lực lượng lao động trẻ được đào tạo”, ông Hugger nhận định./.