FLC từ đầu năm 2010 đến nay đã liên tục tăng vốn từ mức 25 tỷ đồng lên 1.543,6 tỷ đồng. Chỉ trong vòng 4 năm, vốn tăng trên 61 lần. Đây chắc chắn sẽ là tốc độ pha loãng kỷ lục trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Vậy FLC hấp dẫn gì trong ngắn hạn và dài hạn? Với một thời gian dài tính bằng nhiều năm, chắc chắn yếu tố cơ bản sẽ phải là căn cứ then chốt. Kế hoạch kinh doanh và kết quả lợi nhuận liệu có kịp tăng trưởng với tốc độ pha loãng hay không thời gian sẽ trả lời vì mọi tính toán hiện tại đều chỉ trên cơ sở ước đoán, tự đưa ra các tham số vào mô hình.
Điều duy nhất dường như trái ngược với mặt bằng chung trên thị trường, là rất nhiều công ty niêm yết khác có hoạt động kinh doanh tốt không kém gì FLC, thậm chí còn tốt hơn, hiệu quả hơn, nhưng chưa bao giờ có được mức thanh khoản đặc biệt như vậy. Liệu các công ty đó có triển vọng dài hạn thua kém so với FLC, hay nhà đầu tư dài hạn không hứng thú với cổ phiếu đó?
Điểm lại giao dịch của FLC trong suốt thời gian niêm yết, tỷ lệ thanh khoản hàng ngày với tổng khối lượng lưu hành tại cùng thời điểm chỉ bắt đầu thực sự tăng lên từ tháng 12/2013. Mức độ đột biến chỉ xuất hiện từ đầu tháng 7/2014 đến nay. Những thời điểm thanh khoản cao nhất của FLC gắn chặt với các đợt phát hành tăng vốn liên tục của doanh nghiệp này. Do đó thị trường luôn bị ấn tượng với các biến động giá và thanh khoản theo chu kỳ như vậy.
Nếu nhà đầu tư thực sự tranh nhau mua để giành suất mua phát hành tăng vốn của FLC thì câu chuyện thực tốt đẹp. Bất kỳ doanh nghiệp niêm yết nào cũng mơ ước có được điều đó. Thị trường chứng khoán được xem là kênh huy động vốn và như vậy, nó đang làm đúng chức năng.
FLC từ đầu năm 2010 đến nay đã liên tục tăng vốn từ mức 25 tỷ đồng lên 1.543,6 tỷ đồng. Chỉ trong vòng 4 năm, vốn tăng trên 61 lần. Đây chắc chắn sẽ là tốc độ pha loãng kỷ lục trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tuy nhiên trong mỗi thời điểm khác nhau, thị trường lại không thuận lợi cho các đợt phát hành tăng vốn. Lịch sử đã chứng minh điều đó. Lý do duy nhất khiến các đợt phát hành thất bại, ngoài chuyện đề án tăng vốn kém thuyết phục, là việc nhà đầu tư cân nhắc rủi ro/lợi nhuận ngắn hạn. Giá giao dịch hàng ngày thấp hơn giá phát hành là dấu hiệu thất bại hiển nhiên. Vậy giá giao dịch phải cao hơn giá phát hành bao nhiêu để đủ đảm bảo hấp dẫn và an toàn cho đợt phát hành?
Câu trả lời lại là tùy độ “máu” của nhà đầu tư ngắn hạn. Thật bất thường là yếu tố ngắn hạn lại chi phối triển vọng dài hạn. Đó là vì thị trường định giá cổ phiếu theo cách riêng của nó, không phải theo ước muốn chủ quan của chủ doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư.
FLC trước các đợt phát hành tăng vốn vừa qua đều có giá dưới 10.000 đồng. Sẽ khó có chuyện phát hành thành công với giá dưới mức 10.000 đồng, thậm chí là quanh 10.000 đồng. Ít nhất đó là suy nghĩ của số đông nhà đầu tư. Vậy thì hệ quả rất dễ suy ra là giá sẽ phải tăng để tăng vốn thành công. Điều tiếp theo cũng tất yếu xảy ra: Các nhà đầu cơ lẫn đầu tư băn khoăn liệu mình sẽ “kiếm chác” được gì từ cơ hội đó hay không?
Câu chuyện rủi ro/lợi nhuận lại được đặt lên bàn cân. Sẽ không có chuyện nhà đầu cơ lao vào một cổ phiếu nào đó ngay lập tức nếu họ không nhìn thấy một lịch sử đã thành công, cũng như được chứng kiến những bằng chứng thực sự cho giả định của họ. FLC hội tụ đủ những yếu tố đó: Sóng tăng mạnh trong những đợt phát hành trước đó và thanh khoản ở mức kỷ lục theo từng thời kỳ.
Rủi ro lớn nhất trong những cơ hội ngắn hạn như vậy là các nhà đầu cơ lo ngại mình thuộc về phe thiểu số. Rất nhiều “game phát hành” đã thất bại ở nhiều cổ phiếu khác chỉ vì không lôi kéo được đủ số tiền tham gia. Vì vậy yếu tố hàng đầu phải là thanh khoản. Giao dịch hàng ngày khối lượng lớn được hiểu là số đông nhà đầu tư tham gia, tức là rủi ro này giảm xuống.
Để đẩy được thanh khoản như mức FLC đang có, phải cần một lượng tiền khổng lồ. Đó cũng là câu hỏi lớn nhất trên thị trường trong hai tháng gần đây. Mức vốn tích lũy trong 3 ngày liên tục tại FLC trong bình quân 20 ngày gần nhất luôn trên 500 tỷ đồng. Đây là con số lớn kinh khủng, cần phải có rất nhiều nhà đầu cơ tham gia, hoặc các tổ chức có nguồn vốn rất lớn.
Nguồn tiền sẵn có lớn đến mức nào và bao nhiêu trong đó là vốn huy động qua các dạng cầm cố, repo? Riêng việc hút mất 1.543,6 tỷ đồng từ cổ đông hiện hữu đã làm suy giảm đáng kể năng lực vốn lưu động của những người tham gia giao dịch FLC.
Việc FLC được giữ giá trên mức 10.000 đồng về lý thuyết là sẽ giúp đợt phát hành thành công. Dĩ nhiên giá càng cao thì cơ hội thành công càng lớn. Tuy nhiên không phải tất cả các nhà đầu tư, đầu cơ tham gia cuộc chơi hai tháng nay đều nghĩ như vậy. Cơ hội gần nhất và rõ ràng nhất chính là cơ hội đầu cơ giá lên trong ngắn hạn chứ không phải mua để mục tiêu dài hạn. FLC có được mức thanh khoản lớn như vậy chính là nhờ có lực lượng đầu cơ tham gia giao dịch hàng ngày.
Lực lượng đầu cơ không phải là những người sẽ theo sát FLC trong một thời gian dài. Họ như những thợ săn chuyên nghiệp, sẽ rời bỏ khu rừng khi mồi không còn. Nếu điều này đúng, sẽ sớm thấy thanh khoản của FLC tụt giảm sau ngày 22/8 tới đây, thời điểm mà hạn đóng tiền mua thêm đã kết thúc.
FLC trong khoảng 2 tuần gần đây đang điều chỉnh giảm, nhưng giá vẫn quanh quẩn mức 13.000 đồng, ngưỡng được cho là đảm bảo thành công của đợt phát hành. Nguồn tiền vẫn rất lớn, nhưng không đẩy giá lên cao hơn được nữa do chi phí vốn quá lớn, cộng với thời gian đang đi đến hồi kết. Gánh nặng của lực lượng đầu cơ bán ra có thể vượt quá khả năng chịu đựng của nguồn tiền.
Một lý do nữa, như đã chỉ ra ở trên, là ẩn số của lượng vốn vay mượn qua hoạt động cầm cố, repo. Thời hạn có thể sẽ hết sau ngày 22/8, chưa kể chính những lực lượng này cũng phải giải phóng bớt cổ phiếu để lấy tiền đóng mua số lượng phát hành thêm.
Điểm rất thú vị với FLC là thanh khoản cực cao như vậy được duy trì liên tục mà không thấy có các báo cáo giao dịch của cổ đông lớn. Có thể hiểu rằng FLC đang được phân chia sở hữu sao cho dưới tiêu chuẩn phải báo cáo giao dịch cho cơ quan quản lý tại những tài khoản giao dịch thường xuyên. Điều này cũng là bình thường và không vi phạm quy định. Chính vì vậy các biến động ở FLC càng trở nên bí ấn, với những lực lượng tham gia mà nguồn tiền cảm giác như vô tận.
FLC sau đợt phát hành tháng 3/2014, giá lao dốc mạnh. Nhiều nhà đầu tư thường lấy đó để dự đoán kết cục sau ngày 22/8. Tuy nhiên thời điểm tháng 4, tháng 5, FLC cũng như toàn thị trường bị ảnh hưởng bởi sự kiện biển Đông. Tác động của lần phát hành này sẽ nằm ở áp lực cầm cố, repo vì khác với thời điểm tháng 3 trở về trước, thanh khoản của FLC lần này lớn gấp nhiều lần.