Đây là nhận định của tờ IFR Asia, một tạp chí chuyên ngành hàng đầu về thị trường vốn châu Á.
Thị trường vốn sôi động hơn
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, lộ trình cải cách trong nhiều lĩnh vực của Chính phủ Việt Nam đang tạo hy vọng về phục hồi của nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay ước đạt 5,6% và có thể đạt đến 7% vào năm 2017, theo Oxford Economics.
Thị trường tài chính trong nước đang có những tín hiệu tích cực về sự cải thiện của nền kinh tế. Chỉ số Vn-Index hôm 25/8 đã đạt mức cao nhất trong 6 năm qua. Cùng lúc đó, các nhà đầu tư cũng đặt lòng tin cao hơn với Việt Nam. Mức độ rủi ro tín dụng quốc gia theo chỉ số CDS đã giảm mạnh từ mức đỉnh 305,59 điểm năm 2013 xuống còn 204,44 điểm hôm 19/8.
Chính phủ đã bắt đầu chương trình cải cách theo xu hướng thị trường, trong đó có việc giảm giới hạn đầu tư nước ngoài trong một số ngành, xử lý nợ xấu và cải thiện hiệu quả của DNNN thông qua cổ phần hóa.
“Chính phủ đã nỗ lực để tạo ra môi trường tốt hơn cho các DN”, ông John Ditty, đối tác cao cấp của KPMG tại TP.HCM nói. “Trước đây, tình hình khá khó khăn. Thị trường bất động sản tăng nóng, lạm phát cao, sức ép tăng với thị trường tiền tệ. Hiện nay, tăng trưởng đã ổn định ở mức hơn 5%, thị trường tiền tệ cũng ổn định, thị trường chứng khoán phục hồi”.
Tháng trước, một chi nhánh của công ty Singapore Fraser and Neave đã mua 15 triệu cổ phần của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), nâng tỷ lệ sở hữu từ 9,54 lên 11,04%. Nhà đầu tư Dragon Capital đã bán 9,5 triệu cổ phần trong thương vụ này.
Thời gian tới, có thể còn nhiều thương vụ tương tự sẽ diễn ra khi kế hoạch cổ phần hóa hàng trăm DNNN được đẩy nhanh, trong đó có những DN quy mô lớn hàng đầu quốc gia như Vietnam Airlines, Vinatex…. Các công ty này có thể sẽ niêm yết trong năm nay hoặc năm tới.
“Việt Nam đang tái xác lập vị trí của mình như là con hổ tiếp theo của châu Á, một địa điểm đầu tư quan trọng trong khu vực. Mặc dù việc phát triển thị trường vốn không giữ được tốc độ nhanh như vài năm qua, những nỗ lực cổ phần hóa và cải cách có thể tạo sự kích thích để hồi phục thị trường chứng khoán”, Bill Stoops, CIO của quỹ Dragon Capital nhận xét.
|
Nhiều công ty nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam. Ảnh: ĐT
|
Quá trình tư nhân hóa hứa hẹn sẽ thu hút thêm nhiều dòng vốn đầu tư nước ngoài thông qua hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) hoặc IPO các DNNN. Việc nâng hạn mức sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các công ty niêm yết từ 49% hiện nay lên 60% cũng đang được xem xét.
Tất nhiên, các công ty nước ngoài sẽ đầu tư vào nơi mà họ thấy lợi nhuận. Trong vài năm qua, các công ty công nghệ cao như Nokia, Samsung và Intel đã di chuyển một số nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, nhờ lợi thế tăng trưởng ổn định và mức lương thấp hơn so với Trung Quốc.
Nỗi lo ngân hàng
Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn còn e ngại về hệ thống ngân hàng. Nợ xấu và quản lý kém hiệu quả đã khiến ngành ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong 5 năm qua. Nhiều biện pháp đã và đang được thực hiện để chấn chỉnh lại các ngân hàng, mặc dù kết quả cho đến nay vẫn còn khiêm tốn.
Tháng 2 vừa qua, Việt Nam đã tăng giới hạn sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài trong ngân hàng nội địa từ mức 15% lên 20% vốn điều lệ, mặc dù vẫn duy trì tổng mức sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong một ngân hàng là 30%.
Đây là cơ hội tốt và về lý thuyết các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tăng thêm cơ hội sở hữu ngành ngân hàng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng giới hạn về quyền sở hữu không phải là lý do duy nhất cản trở nhà đầu tư nước ngoài mua ngân hàng Việt Nam. Thu hút thêm đầu tư nước ngoài vào các ngân hàng yếu kém của Việt Nam không phải là việc dễ, nhất là khi chất lượng tài sản đang là vấn đề, bên cạnh những vấn đề khác.
Theo ông Ditty, “tăng giới hạn sở hữu là một điều chỉnh tốt để hỗ trợ thị trường, nhưng thực tế là đầu tư sẽ không chỉ tăng nhờ thay đổi chính sách”.
Trên thực tế, những khó khăn trong hệ thống ngân hàng đang được xử lý dần dần, chẳng hạn như việc xử lý nợ xấu. Tháng trước, hãng đáng giá tín dụng Moody’s đã nâng hạng tín nhiệm của Việt Nam lên B1, nhờ sự ổn định hơn về kinh tế vĩ mô, khả năng thanh toán nợ tốt hơn và rủi ro ngân hàng giảm.
Mặc dù hệ thống ngân hàng vẫn có rủi ro nhất định do nợ xấu, nhưng Moody’s cho rằng tình hình đang được cải thiện. “Chúng tôi cho rằng hệ thống ngân hàng đã ổn định hơn, so với thời kỳ 2010 – 2012, vì vậy mức độ rủi ro với quốc gia cũng giảm", Moody's nhận định.