Theo ông Phạm Duy Hưng, APS đã tổ chức ĐHCĐ bất thường lần 1 nhưng không thành công, do không đủ cổ đông tham dự. Tuy nhiên, vừa qua, ĐHCĐ lần 2 đã thành công với tổng số cổ phần hiện diện tại đại hội chiếm 51,7%. Theo đó, 100% phiếu biểu quyết đã thông qua phương án Công ty Chứng khoán Sen Vàng (GLS) sáp nhập vào APS với tỷ lệ 1:1, thay đổi địa chỉ trụ sở chính của APS. Trước đó, GLS cũng đã tiến hành ĐHCĐ bất thường để thông qua chủ trương sáp nhập vào APS và đã được đại hội đồng ý.
|
|
 |
Thực tế cho thấy, đến thời điểm hiện tại, việc chỉ có hai thương vụ CTCK “về chung một nhà” là còn ít. Bởi vậy, theo tôi, trong thời gian tới chắc chắn sẽ có thêm nhiều thương vụ sáp nhập, hợp nhất giữa các CTCK hơn nữa. |
 |
|
Ông Phạm Duy Hưng
|
|
|
Trao đổi với PV TBTCVN, ông Hưng cho biết thêm: Là một công ty đã niêm yết trên HNX, trong thời gian đầu sáp nhập, chi phí quản lý và nhân sự chắc chắn sẽ tăng và cổ phiếu của APS sẽ bị pha loãng. Tuy nhiên, xét về dài hạn, khi GLS sáp nhập vào APS, ngoài vốn chủ sở hữu, tổng tài sản tăng, chúng tôi còn tận dụng được hơn 10.000 khách hàng sẵn có của GLS để gia tăng thị phần giao dịch trong thời gian tới.
Cùng với đó, nếu sáp nhập thành công, APS sẽ tận dụng được lợi thế hạ tầng công nghệ, phần mềm của GLS. Bởi, GLS là một trong những công ty đang sở hữu một hệ thống phần mềm công nghệ thuộc hạng tốt nhất trên thị trường hiện nay.
Đặc biệt hơn, khi tiến hành các thủ tục để sáp nhập, tài sản của hai công ty sẽ được định giá lại chính xác hơn; do đó, APS sẽ gia tăng hệ số an toàn tài chính nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cơ quan quản lý.
Bên cạnh đó, sau khi sáp nhập, APS sẽ có cơ hội phát triển thị phần tại khu vực phía Nam, nơi tập trung các khách hàng của GLS (chiếm hơn 90%) - một địa bàn mà chúng tôi đang mong muốn mở rộng. Hơn nữa, APS sẽ có thêm các cổ đông lớn có tiềm lực tài chính đang hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản vốn có những mạng lưới quan hệ hợp tác sâu rộng với các tổ chức trong và ngoài nước, như: HBC, TDH, DongTam Corporation, FDC, VPH, ....
Tóm lại, với những lợi thế trên, APS định hướng trở thành CTCK có mạng lưới rộng lớn trên khắp cả nước, kênh giao dịch đa dạng, hệ thống tư vấn tài chính chuyên nghiệp, thị phần môi giới tăng gấp đôi hiện tại. Do vậy, mục tiêu lọt vào top 10 CTCK lớn nhất tại Việt Nam là có cơ sở để thực hiện được trong các năm tới.
Nhận định về xu hướng hợp nhất, sáp nhập của các CTCK, ông Hưng chia sẻ: Thị trường chứng khoán Việt Nam có hơn 100 CTCK, nhưng thống kê cho thấy chỉ có khoảng hơn 80 công ty đang có hoạt động đúng nghĩa.Vì vậy ông Hưng nhìn nhận rằng: "Với quy mô của thị trường Việt Nam, theo tôi, số lượng này là khá lớn và cần thiết phải giảm về con số. Thêm vào đó, xét về thị phần môi giới, “miếng bánh” chủ yếu tập trung vào các CTCK lớn, còn phần còn lại là các công ty nhỏ chia nhau. Do vậy, áp lực cạnh tranh để tồn tại và phát triển chắc chắn sẽ ngày càng khốc liệt".
“Tôi cho rằng, sáp nhập, hợp nhất các CTCK với nhau là xu thế tất yếu và tích cực trong giai đoạn hiện nay. Điều này không những giúp thị trường giảm về “lượng”, mà còn giúp các CTCK tăng “chất” của mình: Gia tăng khách hàng, giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh,....”, ông Hưng nói thêm./.