Vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đạt khoảng 56 tỷ USD (tính đến hết tháng 10/2014 đạt 1.202 nghìn tỷ đồng), nhưng nếu hợp sức với 5 thị trường đã và sẽ kết nối liên thông của ASEAN thì sẽ hình thành một thị trường tới gần 3.000 tỷ USD và xếp thứ 8 trên thế giới. Sân chơi lớn sẽ thu hút những người chơi lớn. Nhưng vấn đề là Việt Nam sẽ chuẩn bị thế nào để tham gia hợp sức tạo nên sân chơi này…
Nhìn sang “ông bạn” đi trước…
Hiện nay 3 Sở giao dịch chứng khoán lớn nhất trong khu vực ASEAN là Singapore, Malaysia và Thái Lan đã thiết lập hệ thống hạ tầng kết nối giao dịch liên thông, tạo ra một thị trường chung của 3 nước. Như vậy, tuy đã có ký kết tham gia kết nối nhưng Việt Nam, Philippine và Indonesia sẽ vẫn là những người đi sau.
Đành rằng, đi trước có thể chưa hẳn đã hay và đi sau cũng chưa phải là dở. Nhưng có thể thấy rằng để đi trước thì người đó hẳn phải có đủ tự tin và cơ sở để dám xông pha đi trước…
Trong chuyến công tác tại Thái Lan do Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh tổ chức để tham dự sự kiện “SET in the City 2014” – cuộc triển lãm và hội chợ chuyên biệt về lĩnh vực do Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan (SET) tổ chức thường niên, bản thân người viết cũng đã phần nào cảm nhận được những cơ sở tự tin ở một người đi trước chúng ta như Thái Lan.
Sự kiện này, SET chỉ mời 4 khách mời là 4 sở giao dịch chứng khoán Đông Dương tham dự gồm Sở GDCK TP. Hồ CHí Minh, Sở GDCK Hà Nội, Sở GDCK Lào và Campuchia. 4 vị khách mời được dành một vị trí khá được ưu tiên để tham gia giới thiệu về mình trong sự kiện này. Còn nhân vật chính của triển lãm này là hàng trăm gian trưng bày của các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty niêm yết trên SET và một số các ngân hàng, công ty bảo hiểm…
|
|
 |
Thực tế quy mô của mỗi thị trường trong khu vực hiện tại khá nhỏ, nên rất hạn chế trong thu hút các định chế đầu tư lớn trên thế giới tham gia đầu tư. |
 |
 |
Ông Lê Hải Trà |
|
|
Mặc dù là sự kiện triển lãm chuyên biệt về lĩnh vực chứng khoán, dành cho cho mọi thành phần có mục đích đưa lĩnh vực chứng khoán đến gần hơn với mọi công chúng đầu tư, nhưng quả thực khung cảnh chẳng khác nào những cuộc triển lãm lớn ở Việt Nam chúng ta trong lĩnh vực công nghệ thông tin – viễn thông, ở cả về độ trang trí các gian triển lãm, cho đến sự đông đảo của khách đến tham quan.
Sự so sánh cũng chỉ mang cảm tính nên có thể chưa chuẩn chỉnh, nhưng cũng bởi thị trường chứng khoán Việt Nam sau hơn 14 năm hoạt động vẫn chưa có một sự kiện nào được tổ chức lớn và qui mô như vậy để đem ra so sánh cho sự tương quan này.
Điểm khá ấn tượng là tính chuyên nghiệp trong cung cách “tiếp khách”, hướng dẫn hay trả lời khách hàng của các nhân viên tại các quầy triển lãm. Tuy họ giao tiếp toàn bằng tiếng Thái, nhưng nhìn qua động thái giao tiếp của họ cho thấy, có vẻ như cuộc triển lãm đã thu hút những người đến đây thực sự là những nhà đầu tư có nhu cầu tìm hiểu thông tin, tìm kiếm cơ hội, hay là tìm hiểu các thông tin, kiến thức về lĩnh vực chứng khoán mà họ có nhu cầu cần tìm…
Trong khuôn khổ chuyến đi này, chúng tôi được cùng tham gia đoàn công tác của Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh đến thăm kênh truyền hình Money Channel – trực thuộc Sở GDCK Thái Lan. Tại đây, chúng tôi được chứng kiến thêm một đức tính chuyên nghiệp của người Thái trong việc tổ chức thị trường và cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán.
Theo giới thiệu của đại diện Kênh truyền hình này, thì Money Channel là kênh thông tin chuyên biệt về lĩnh vực chứng khoán phát sóng trên truyền hình 24/24/7 ngày, nội dung chủ đạo và xuyên suốt là cung cấp thông tin giao dịch, thông tin liên quan đến diễn biến thị trường, phân tích số liệu giao dịch, thông tin về doanh nghiệp niêm yết… Đặc biệt là các chương trình tư vấn đầu tư trực tiếp và thông tin phổ biến kiến thức về chứng khoán và đầu tư chứng khoán cho công chúng…
Qua nắm bắt khái lược thông tin và xâu chuỗi những gì đã được chứng kiến, có thể cảm nhận rằng trong việc tổ chức thị trường, cung cấp các dịch vụ liên quan đến lĩnh vực chứng khoán của người Thái rất bài bản và với tính chuyên nghiệp rất cao.
|
Ông Lê Hải Trà - Ủy viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc thường trực Sở GDCK TP.HCM chia sẻ thông tin với phóng viên tại sự kiện SET in the City 2014.
|
Tận dụng cơ hội ở "sân chơi" 3.000 tỷ đô
Được biết, thị trường chứng khoán Thái Lan hiện có khoảng gần 600 công ty đang niêm yết trên sàn SET với tổng vốn hóa thị trường khoảng 11.500 tỷ THB – tương đương khoảng 350,791 tỷ USD; trong số đó có gần 80 tổ chức và doanh nghiệp nước ngoài, chiếm 30% tổng vốn hóa của thị trường. Đặc biệt là Thái Lan đang có khoảng 20 quỹ đầu tư hàng đầu thế giới đang hoạt động tại Thái Lan, trong đó có các tên tuổi lớn như HSBC Investment, Morgan Stanley Investment, Templeton, UBS Global Asset Management, Deutsche AM, Allianz, Capital International Inc. ...
Vì vậy, chia sẻ với các phóng viên ngay tại gian trưng bày của 4 sở giao dịch Đông Dương tại SET in the City 2014, ông Lê Hải Trà - Ủy viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc thường trực Sở GDCK TP.Hồ Chí Minh cho rằng, việc tham gia sự kiện này của 2 sở giao dịch chứng khoán Việt Nam cũng là một cơ hội tốt để giới thiệu, quảng bá trực tiếp hình ảnh thị trường chứng khoán Việt Nam tới đông đảo cộng đồng đầu tư Thái Lan, trong đó có những quỹ đầu tư lớn đang hoạt động tại thị trường này…
Cùng trong câu chuyện trao đổi về mục đích của việc tham dự SET in the City 2014, ông Lê Hải Trà cũng chia sẻ với khá đông phóng viên về những cơ hội nào cho thị trường chứng khoán Việt Nam trên “sân chơi” chung của thị trường chứng khoán ASEAN. Ông Lê Hải Trà cho rằng: Thực tế quy mô của mỗi thị trường trong khu vực hiện tại khá nhỏ, nên rất hạn chế trong thu hút các định chế đầu tư lớn trên thế giới tham gia đầu tư.
“Bởi với thị trường nhỏ, thì sẽ không hấp dẫn được các nhà đầu tư lớn, vì khi thị trường nhỏ mà có những giao dịch lớn sẽ tạo ra tác động ảnh hưởng đến thị trường. Do đó có thể sẽ cản trở chiến lược đầu tư của họ, cũng như sẽ gây ra sự “ồn ào” về mặt thông tin, mà điều này thường các nhà đầu tư lớn luôn không muốn”, ông Lê Hải Trà chia sẻ.
Tuy nhiên, nếu 3 thị trường là Việt Nam, Philippine và Indonesia tham gia kết nối với 3 thị trường đã thực hiện liên thông với nhau là Singapore, Malaysia và Thái Lan thì 6 thị trường này sẽ tạo ra một thị trường chung lên tới 3.000 tỷ USD, xếp vào hàng thứ 8 thế giới. Khi đó, “sân chơi 3.000 tỷ đô” sẽ tạo điều kiện để thu hút những "người chơi lớn" tham gia và tạo ra một sự thay đổi lớn trong thu hút vốn đầu tư cho các thành viên của sân chơi này – trong đó có Việt Nam.
Ông Trà cho biết, thông qua việc đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với các Sở GDCK Asean, Việt Nam cam kết sẽ tham gia kết nối với hệ thống giao dịch của các Sở GDCK Asean trong thời gian tới. Nhưng “để chuẩn bị cho việc kết nối trên, ngay từ bây giờ Việt Nam cần tính toán tháo gỡ một số bất cập, nhằm giúp hệ thống chính sách có thể thuận lợi “khớp nối” với các thị trường trong khu vực”, ông Lê Hải Trà nói.
Cũng theo thông tin ông Trà chia sẻ, việc kết nối các Sở GDCK Asean sẽ mở ra những cơ hội tích cực, nhất là việc sẽ tạo thuận lợi cho các dòng vốn trong khu vực ngày càng dịch chuyển thuận lợi hơn thông qua các bước chuẩn hóa về quy định, thủ tục giao dịch giữa các thị trường, đồng thời cải thiện hình ảnh, cũng như quy mô của thị trường, qua đó tạo điều kiện thu hút sự tham gia của các định chế đầu tư lớn trên toàn cầu.
“Một khi quy mô và chiều sâu thanh khoản của TTCK Asean được cải thiện, thì sẽ gia tăng sức hút đối với các luồng vốn lớn trên toàn cầu. Trong đó các thị trường thành viên như Việt Nam cũng sẽ nhận được những hiệu ứng tích cực”, ông Trà đánh giá.
Trong “sân chơi” chung, thì mọi thành viên tham gia phải tuân thủ và đáp ứng được các qui định chung. Điều đó có nghĩa là Việt Nam chúng ta cũng sẽ cần phải giải quyết các vấn đề đồng bộ các quy định về quản lý ngoại hối, quản lý dòng tiền ngoài Việt Nam ra vào thị trường, pháp lý cho các giao dịch xuyên biên giới… nhằm đáp ứng các điều kiện để kết nối liên thông với các thị trường quốc tế.
Hiện nay Việt Nam đang triển khai thực hiện việc tái cấu trúc thị trường chứng khoán. Hy vọng rằng, việc tái cấu trúc thị trường, tái cấu trúc cơ cấu tổ chức hoạt động của Sở giao dịch… sẽ bám sát các thông lệ quốc tế, hướng tới việc đáp ứng được các chuẩn mực và thông lệ chung không chỉ trong “sân Asean”, mà còn với cả với thế giới.
Vươn ra thế giới để cùng lôi kéo các luồng vốn đầu tư là mong muốn, là nhu cầu thực tế. Nhưng làm thế nào để tận dụng và huy động được một các hiệu quả cao nhất các nguồn lực nội tại trong nước cũng đang là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong lúc này, không chỉ với lĩnh vực chứng khoán, mà đối với các lĩnh vực sản xuất khác của chúng ta cũng vậy.
Hoàn thiện để hội nhập, nhưng cũng phải khai thác được tối đa sức mạnh của nội lực là điều cần phải làm, để có được sự phát triển bền vững. Có lẽ những đúc rút kinh nghiệm, học hỏi thêm những cách làm của những nước đã đi trước, đã làm hay hơn sẽ rất bổ ích và bổ ích với Việt Nam chúng ta nhất là hiện nay chúng ta đang chuẩn bị tham gia vào cộng đồng kinh tế Asean đang sắp hình thành trong thời gian không còn xa tới đây.
Dưới đây là một số hình ảnh tại SET in the City 2014:
 |
 |
SET in the city 2014 thu hút đông đảo khách tham dự và giới truyền thông đến đưa tin. |
 |
 |
Gian trưng bày của Sở GSCK Hồ Chí Minh, Hà Nội, Lào và Campuchia tại SET in the City 2014. |
 |
Sự có mặt của đại diện chứng khoán Việt đã thu hút sự quan tâm của người Thái tại sự kiện SET in the City 2014. |
 |
 |
Nhiều thương hiệu lớn của Thái Lan và thế giới tham gia sự kiện SET in the City 2014. |