Xung quanh vấn đề này, PV TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược đầu tư, CtyCP Chứng khoán Maritime Bank (MSBS).
* Ông đánh giá thế nào về sự tác động của Thông tư 36/2014/TT-NHNN tới diễn biến của thị trường chứng khoán?
- Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước đã có tác động rất xấu đến tâm lý nhà đầu tư ít nhất là diễn biến thị trường trong ngắn hạn. Cụ thể là chỉ số VN-Index đã giảm mạnh trong 2 tuần cuối tháng 11 vừa qua, giảm từ mốc 605 điểm về quanh mốc 565 điểm.
|
|
 |
Về dài hạn, Thông tư 36 là điểm cộng tích cực không chỉ đến hoạt động của các ngân hàng thương mại cổ phần mà cả với các công ty chứng khoán hoạt động trong thị trường chứng khoán Việt Nam.
|
 |
|
Ông Lê Đức Khánh
|
|
|
Mặc dù về dài hạn tôi nghĩ rằng, Thông tư 36 là điểm cộng tích cực không chỉ đến hoạt động của các ngân hàng thương mại cổ phần mà cả với các công ty chứng khoán hoạt động trong thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thị trường chứng khoán sẽ chỉ hoạt động tốt hơn và hiệu quả hơn khi mà các thông tư như vậy được ban hành.
* Còn đối với các công ty chứng khoán, liệu họ có bị “đói vốn”, nhất là các công ty đang được ngân hàng “chống lưng” khi Thông tư này có hiệu lực hay không, thưa ông?
- Câu chuyện ở đây sẽ tùy vào công ty chứng khoán nào và ngân hàng nào hỗ trợ họ về nguồn vốn. Thông thường các ngân hàng có liên quan sẽ có thời gian từ nay đến 2/1/2015 để giảm tỷ lệ sở hữu chéo ở các tổ chức tín dụng hoặc các ngân hàng khác, nhưng nhìn chung việc điều tiết và huy động vốn cho các hoạt động cho vay chứng khoán sẽ là vấn đề không nhỏ đối với các công ty chứng khoán.
Các công ty chứng khoán có tiềm lực mạnh về tài chính thì họ mới mở rộng được hoạt động cho vay chứng khoán ký quỹ, nên với những công ty có tham vọng về thị phần bắt buộc phải có nguồn vốn hỗ trợ.
Một ý nữa là các ngân hàng thương mại cổ phần bắt buộc phải chủ động về mặt tài chính hơn và sẽ vẫn hỗ trợ được các công ty chứng khoán của mình khi họ đảm bảo được các điều khoản nêu trong Thông tư 36.
* Còn đối với các ngân hàng thì thế nào thưa ông? Liệu có “làm khó” cho dòng chảy của tín dụng vào năm tới?
- Rõ ràng các ngân hàng thương mại cổ phần cũng sẽ có ảnh hưởng và họ cũng phải chạy đua với thời gian là hiệu lực của Thông tư này, mặc dù không bao gồm việc “hồi tố” các khoản tín dụng cho vay chứng khoán trước thời hạn trên.
Dòng chảy tín dụng từ phía các ngân hàng năm tới sẽ được chọn lọc và có phần hạn chế hơn.
|
Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại. Nguồn: FPTS
|
Thị trường chứng khoán năm tới sẽ không được đánh giá là quá lạc quan khi mà những biện pháp đổi mới liên quan đến lĩnh vực tài chính – ngân hàng – chứng khoán đang được ban hành và thực thi. Tuy nhiên, bù lại kỳ vọng lớn vào thị trường sẽ đến từ dòng tiền khối ngoại và hoạt động của các quỹ ETFs nội trong thời gian tới.
* Theo ông, các công ty chứng khoán sẽ “xoay xở “ thế nào để tiếp “cuộc đua margin”?
- Tôi cho rằng, công ty chứng khoán nào có ngân hàng đứng sau với tiềm lực tài chính mạnh và tỷ lệ nợ xấu thấp sẽ có lợi thế hơn so với các công ty chứng khoán khác.
“Cuộc đua margin” là điểm cạnh tranh mang yếu tố quyết định đối với các công ty chứng khoán có tham vọng về thị phần. Thông thường các nhà đầu tư lớn, trung bình, hoặc nhỏ lẻ vẫn ưa thích những công ty chứng khoán có tỷ lệ cho vay ký quỹ cao.
Để giải quyết khó khăn kể trên thì công ty chứng khoán năm tới sẽ tiếp tục cần đến sự hỗ trợ về mặt tài chính từ phía các tổ chức tín dụng hoặc ngân hàng “mẹ”, sát nhập với các công ty chứng khoán nhỏ khác hoặc tăng vốn điều lệ qua phát hành riêng lẻ cho các cổ đông chiến lược và rồi niêm yết là giải pháp tình thế tối ưu để tiếp tục cuộc đua “cạnh tranh về margin”, cạnh tranh thị phần.
* Xin cảm ơn ông!