Báo cáo Vĩ mô và thị trường chứng khoán quý I/2015 của CtyCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho biết, thanh khoản sụt giảm bình quân 3 tháng đầu năm đạt 2.263 tỷ đồng/phiên, giảm 28,7% so với cùng kỳ năm 2014. Các cổ phiếu “siêu thanh khoản” hút dòng vốn khiến thanh khoản của thị trường "teo" lại.
BSC cho biết thêm, trong nhiều năm gần đây đỉnh thanh khoản năm thường rơi vào tháng 2 hoặc tháng 3, do đây là thời điểm hoạt động mua bán của các quỹ ETF rất sôi động, tạo hiệu ứng lan tỏa trên toàn bộ thị trường. Cho dù các ETF và khối ngoại đều duy trì hoạt động giao dịch mạnh trên thị trường trong quý I, dòng vốn trong nước rất thận trọng và không có tăng trưởng.
Thanh khoản tháng 2 và tháng 3/2015 do vậy đều có mức giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu được nhìn nhận là do Thông tư 36 có hiệu lực vào đầu tháng 2 đã hạn chế dòng tiền ngân hàng cho vay đầu tư chứng khoán. Áp lực cắt giảm margin, hoạt động cơ cấu lại nguồn của các công ty chứng khoán đã ảnh hưởng đến tâm lý thị trường và khiến thanh khoản sụt giảm.
Một thông tin khá thú vị cũng được BSC cập nhật trong báo cáo này là thanh khoản giảm kéo theo số lượng cổ phiếu trên 1 triệu USD/phiên giảm từ 38 xuống 28 cổ phiếu. Như vậy, số lượng cổ phiếu có thanh khoản bình quân trên 1 triệu USD/phiên đã giảm 10 công ty so với đầu năm. Các cổ phiếu ngân hàng đã có sự cải thiện đang kể khi có 8 ngân hàng lọt vào danh sách so với 2 ngân hàng tại thời điểm đầu năm 2015.
Ngoài ra, đặc biệt báo cáo của BSC còn cho biết, chất lượng thanh khoản giảm sút do dòng tiền bị hút vào các cổ phiếu “siêu thanh khoản”. Nhóm cổ phiếu này đều có thanh khoản tăng vọt và chiếm 3 vị trí đứng đầu lần lượt FLC 5,9 triệu USD/phiên (hơn 125 tỷ đồng/phiên), KLF 3,6 triệu USD/phiên (hơn 76 tỷ đồng/phiên), HAI 2,5 triệu USD/phiên (khoảng 53 tỷ đồng/phiên).
Như vậy, chỉ tính riêng 3 “gương mặt” này đã có tổng giá trị giao dịch bình quân phiên lên tới trên 250 tỷ đồng/phiên. So với con số 2.263 tỷ đồng/phiên của 3 tháng đầu năm, 3 cổ phiếu này chiếm hơn 10% giá trị giao dịch hàng phiên.
Theo dõi trên thị trường, từ đầu năm tới nay, giá trị giao dịch của cổ phiếu FLC thậm chí có phiên lên tới gần 400 tỷ đồng (ngày 20/3/2015: hơn 399,1 tỷ đồng).
Còn cổ phiếu KLF, trong 3 tháng đầu năm nay cũng ghi nhận những con số về giá trị giao dịch bình quân phiên rất cao, khi có phiên lên tới 270 tỷ đồng (ngày 15/1) và rất nhiều phiên hơn 100 tỷ đồng.
“Trong bối cảnh thanh khoản thấp, hoạt động giao dịch chỉ tập trung vào cổ phiếu “siêu thanh khoản” khiến giao dịch của phần còn lại đang teo tóp dần”, Báo cáo của BSC đánh giá.
Được biết, FLC là cổ phiếu của CtyCP Tập đoàn FLC và niêm yết đầu tiên trên thị trường chứng khoán vào ngày 6/8/2013. FLC hiện đang lưu hành hơn 374 triệu cổ phiếu, với mức vốn hóa hơn 3.936 tỷ đồng.
KLF là cổ phiếu của CtyCP Liên doanh Đầu tư quốc tế KLF, hiện đang lưu hành hơn 165 triệu cổ phiếu, với mức vốn hóa hơn 1.488 tỷ đồng.
Được biết, KLF tiền thân là CtyCP Dịch vụ Thương mại và Đầu tư Tân Mỹ Đình, thành lập vào ngày 18/9/2009 với số vốn điều lệ ban đầu là 5 tỷ đồng và 5 cổ đông sáng lập là cá nhân. Đến ngày 28/12/2010, với sự tham gia góp vốn của cổ đông sáng lập tổ chức là FLC. Tháng 9/2012, KLF tăng vốn điều lệ lên 260 tỷ đồng và đổi tên thành CtyCP Liên doanh Đầu tư quốc tế FLC (FLC Global). Ngày 23/9/2013, KLF niêm yết trên HNX.
HAI là cổ phiếu của CtyCP Nông dược H.A.I, hiện đang lưu hành hơn 101 triệu cổ phiếu, với giá trị vốn hóa thị trường hơn 1.100 tỷ đồng. Điều đáng lưu ý, tại Công ty này, KLF đang là cổ đông lớn đang nắm giữ 8.526.000 cổ phiếu HAI, chiếm 8,36% (tính đến ngày 11/3/2015)./.