Kết quả cổ phần hóa, thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước những tháng đầu năm vẫn còn chậm và chưa đáp ứng được mục tiêu, kỳ vọng đặt ra. Xung quanh vấn đề này, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Văn Thu, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính.
* Ông đánh giá thế nào về tình hình triển khai cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước trong quý I/2015 vừa qua?
- Kết quả sơ kết quý I/2015, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp của Chính phủ thì tình hình cổ phần hóa trong quý vừa qua có vẻ hơi chậm so với mục tiêu và mong muốn.
|
|
 |
Thực tế cho thấy thời gian qua, nhiều DN nhà nước xây dựng phương án cổ phần hóa vẫn để tỷ lệ cổ phần do Nhà nước nắm giữ còn quá cao. Điều này không đảm bảo độ hấp dẫn của các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư tổ chức. |
 |
|
Ông Hoàng Văn Thu
|
|
|
Ngoài yếu tố về thời gian nghỉ Tết dài, theo tôi, còn có một lý do khác làm cho công tác cổ phần hóa, thoái vốn trong quý I vẫn chậm là vì số doanh nghiệp (DN) còn lại phải cổ phần hóa có quy mô lớn, mức độ phức tạp cao. Do vậy, chính điều này tạo ra khó khăn cho việc xác định giá trị DN, cũng như tổ chức, thực hiện các khâu khác của công tác cổ phần hóa.
* Có ý kiến cho rằng, nhiều DN bán đấu giá nhưng không nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư là do công bố thông tin chưa minh bạch. Quan điểm của ông thế nào?
- Việc đánh giá một DN bán đấu giá thành công hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Riêng về việc công bố thông tin thì trong bản cáo bạch của DN đã được công bố một cách cụ thể theo quy định. Theo tôi, việc thành công của phiên đấu giá còn phụ thuộc vào dòng vốn trên thị trường.
Ngoài ra, thực tế cho thấy thời gian qua, nhiều DN nhà nước xây dựng phương án cổ phần hóa vẫn để tỷ lệ cổ phần do Nhà nước nắm giữ còn quá cao. Điều này không đảm bảo độ hấp dẫn của các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư tổ chức.
* Thực tế, công tác cổ phần hóa, thoái vốn của các bộ, ngành cho thấy sự khác biệt về mặt tiến độ. Điều này cho thấy, vướng mắc lớn nhất không phải nằm ở mặt cơ chế chính sách. Vậy phải chăng, “cái khó” một phần do sự quyết tâm của đơn vị, thưa ông?
- Như chúng ta đã biết, trong các giải pháp được Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp của Chính phủ đặt ra cho 9 tháng cuối năm, có một giải pháp sẽ gắn chặt trách nhiệm của người đứng đầu đối với tiến độ thực hiện cổ phần hóa. Như vậy, tiến độ thực hiện cổ phần hóa vẫn phụ thuộc vào vai trò của người đứng đầu và sự quyết tâm của các bộ, ngành trong việc tái cơ cấu, cũng như cổ phần hóa DN nhà nước.
* Thời gian gần đây, rất nhiều đơn vị mà tiêu biểu là SCIC đã đề xuất phương án bán đấu giá theo lô lớn. Ông đánh giá thế nào về đề xuất này?
- Nội dung này đúng là thực tiễn đòi hỏi chúng ta phải thực hiện một cách nghiêm túc. Các cơ quan có trách nhiệm sẽ phối hợp với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Tài chính tích cực nghiên cứu vấn đề này.
Đề xuất đấu giá theo lô với mục tiêu là lựa chọn các nhà đầu tư đủ năng lực, với tư cách là nhà đầu tư chiến lược, cùng tham gia vào quá trình tái cơ cấu DN. Sắp tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành cùng nghiên cứu để xây dựng cơ sở pháp lý cho nội dung này./.
* Xin cảm ơn ông!
Theo số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong 3 tháng đầu năm, có 27 DN nhà nước thực hiện đấu giá cổ phần lần đầu và thoái vốn thông qua 2 Sở giao dịch chứng khoán (bằng 28% số lượng cả năm 2014 là 97 DN). Tổng số lượng cổ phần chào bán trên 137,6 triệu cổ phần (bằng 10,4% cả năm 2014), trong đó, tổng số lượng cổ phần đã bán được là trên 60,5 triệu cổ phần (chiếm hơn 43% tổng số lượng cổ phần chào bán), thu được gần 1.251 tỷ đồng (bằng 11% cả năm 2014). |