Hoảng loạn bất ngờ
Không thể lý giải được điều gì đã diễn ra trong phiên hôm nay, khi toàn thị trường đột nhiên chuyển sang bi quan cùng cực mà không có thông tin cụ thể. Đây đó cũng lan truyền thông tin tăng giá xăng, nhưng dù có là thực đi nữa thì tin này khó có thể tạo ra hiệu ứng mạnh như vậy.
Bất ngờ hơn nữa là sáng nay, thị trường còn đón nhận tin hỗ trợ liên quan đến chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 4 tăng rất cao. Các điều kiện kinh doanh cải thiện đáng kể, tỷ lệ mở rộng mạng lưới khách hàng của doanh nghiệp cao chưa từng có. Chỉ số này tăng thể hiện ngành sản xuất tăng trưởng ấn tượng nhất trong 4 năm khảo sát của chỉ số này. Tóm lại mọi thứ đều “long lanh”.
Điều duy nhất khiến nhà đầu tư đau đầu là thị trường lại đi xuống. Buổi sáng thị trường mới là điều chỉnh nhẹ nhàng. Đến phiên chiều, thị trường hoảng loạn thực sự, thể hiện ở trên 300 cổ phiếu mất giá ít nhất là 2%. Các chỉ số rơi nhanh và sâu khó tưởng tượng: VN-Index đóng cửa giảm 3,08%, HNX-Index giảm 3,38%. Thậm chí có những chỉ số bốc hơi chóng mặt như HNX30 giảm 4,28%, HSXSmallcap giảm 3,12%.
Có tới 113 cổ phiếu giảm kịch sàn là con số khó tưởng tượng. Ngay cả ngày 17/12 khi Thông tư 36 dìm thị trường, VN-Index mất 16,92 điểm thì cũng không có đến 80 mã giảm sàn. Đến như ngày 12/5/2014, đỉnh điểm của sự kiện biển Đông với VN-Index mất 25,41 điểm, cũng chỉ có khoảng 260 mã giảm sàn.
Không ai rõ về chuyện gì đang xảy ra, chỉ thấy trực tiếp trên bảng điện là cơn lốc tháo chạy kinh hoàng. Điều này diễn ra đúng vào thời điểm mà sức mua trên thị trường rất yếu. Để đáp ứng được thanh khoản, tức là bán được hàng, nhà đầu tư phải chấp nhận hạ giá xuống. Rủi ro thanh khoản chỉ có thể bù đắp bằng mức chiết khấu giá rất sâu.
|
Thông tin trên thị trường đang đều "long lanh", nhưng cổ phiếu cả 2 sàn lại cùng thi nhau "xuống dốc" không phanh trong phiên giao dịch 4/5.
|
Hàng đầu cơ gặp hạn
Rủi ro thanh khoản thể hiện rõ nhất ở các cổ phiếu đầu cơ, khi mà dòng vốn nóng có nhu cầu bảo toàn cực cao, do đa phần có sử dụng đòn bẩy tài chính. Khá nhiều blue-chips giảm sàn hôm nay, nhưng rất nhiều cổ phiếu đầu cơ giảm sàn và mất thanh khoản. Có thể kể đến những cái tên nổi bật như FLC ở HSX hay KLF ở HNX. Thêm nữa là OGC, VIX, ITQ, HAI…
FLC dẫn đầu về quy mô giao dịch ở HSX với khoảng 11,5 triệu cổ phiếu và KLF dẫn đầu ở HNX với gần 12,7 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên vẫn còn hàng triệu cổ phiếu không bán được ở giá sàn hay giá ATC. Với OGC, cơn hoảng loạn không phải bắt đầu từ hôm nay, nhưng gần 17 triệu cổ phiếu ế cũng là cơn ác mộng với cổ đông.
Blue-chips giảm sàn trong rổ HSX30 là FLC, IJC, ITA, OGC, PVT. Trong rổ HNX30 là DCS, HMH, ICG, KLF, SHS.
Việc cả hai chỉ số của hai nhóm cổ phiếu nói trên giảm rất sâu cũng đủ nói lên biến động giá kinh hoàng. Điều bất lợi lớn nhất là đáng lẽ các blue-chips phải hãm đà giảm thì hôm nay, lại chính các mã này dìm điểm số nhiều nhất: GAS giảm 5,3%, CTG giảm 5,56%, BID giảm 6,91%, VCB giảm 1,66%, PVD giảm 1,83%, VIC giảm 1,03%, MSN giảm 1,23%, VNM giảm 1,85%, PVS giảm 2,69%, SHB giảm 3,57%.
Bất kể là dầu khí, ngân hàng hay bất động sản, chứng khoán đều cắm đầu giảm và đó là điều tạo nên tâm lý hoảng sợ nhất. Nếu ngay cả những nhóm cổ phiếu hàng đầu, nhóm dẫn dắt và là niềm hi vọng của thị trường cũng không “thoát” được thì gần như không còn cơ hội cho các cổ phiếu khác.
Thanh khoản hôm nay tăng, giá trị khớp lệnh đạt 2.384,1 tỷ đồng, cao nhất 7 phiên. "Cơn lũ" bán tháo đã đẩy thanh khoản tăng và điều này chưa hẳn là tích cực./.