Đại gia… nói và làm
Việc tung tiền ra mua cổ phiếu để cứu giá là việc thường thấy, nhưng cũng có nhiều kiểu mua dẫn đến tác dụng ngược. Mới đây nhất là GAS đã khiến thị trường bực tức với cách mua cổ phiếu quỹ rất kém khả thi. Rốt cục GAS vẫn giảm và chẳng đi đến đâu cả.
Về biến động giá, HAG khá giống GAS, thậm chí có phần tệ hơn. Kể từ đầu tháng 3, HAG rơi vào một nhịp giảm giá rất nhanh và mạnh. Tính đến ngày hôm qua, HAG đã giảm khoảng 22% giá trị trong 48 phiên giao dịch.
Đặc biệt HAG giảm giá thủng cả đáy hồi tháng 5/2014, là thời điểm thị trường suy sụp do sự kiện biển Đông. Không những thế, HAG còn phá luôn cả đáy đầu năm 2014 và chạm tới điểm thấp nhất từ tháng 9/2013.
Đó là một biến động giá rất bất thường và tồi tệ cho cổ đông HAG. Hôm nay, hành động cứu giá đã được công bố: HAG sẽ mua lại 10 triệu cổ phiếu quỹ và bản thân Bầu Đức sẽ mua 5 triệu cổ phiếu.
Thị trường có thể kỳ vọng vào hành động của HAG và Bầu Đức khác với trường hợp của GAS. Hôm nay rất đông nhà đầu tư đã nhảy vào mua HAG nhằm tranh thủ biến động giá có thể xảy ra khi cổ phiếu quỹ được mua. Từ chỗ chỉ có 17.100 đồng/cổ phiếu, HAG đã phục hồi mạnh lên 18.200 đồng, tương đương biến động trên 6,4% chỉ trong một ngày.
Tuy nhiên lực bán ra vẫn rất mạnh và có thể là từ nhà đầu tư nước ngoài. Khối ngoại đang cắt lỗ HAG mạnh tay liên tục từ giữa tháng 3/2015. HAG đóng cửa lại lùi mức tham chiếu 17.800 đồng. Dù sao cổ phiếu này cũng đã có được một ngày dừng giảm.
Việc mua cổ phiếu quỹ của HAG có tác dụng cứu giá đến đâu? Quy định hiện tại không cho phép mua đẩy giá mà chỉ mua đỡ giá. Khối lượng mua cũng bị hạn chế để tránh làm thay đổi quá lớn cung cầu. Khối lượng giao dịch trung bình 20 phiên của HAG vào khoảng 1,9 triệu cổ phiếu. Như vậy với 10 triệu cổ mua, HAG sẽ được đỡ trong thời gian khá dài.
Ẩn số còn lại là bản thân Bầu Đức sẽ mua. Với khối lượng 5 triệu cổ, lại không bị chi phối bởi các quy định mua cổ phiếu quỹ, giao dịch này có thể tác động tích cực khi phối hợp với hoạt động mua cổ phiếu quỹ của công ty.
Tuy nhiên thực tế thị trường đã cho thấy, việc mua cổ phiếu quỹ hay cổ đông lớn mua vào chỉ mang tính phát đi thông điệp về giá trị cổ phiếu, hơn là tạo lực đỡ trên thị trường. Các giao dịch mua này chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn. Sau khi hoàn thành giao dịch, giá sẽ lại chịu tác động từ kỳ vọng của thị trường.
Thị trường tiếp tục điều chỉnh
Sau phiên sụt giảm lớn hôm qua, thị trường được kỳ vọng sẽ phục hồi lại hôm nay. Đáng tiếc là sức mạnh của dòng tiền không đủ, VN-Index và các chỉ số khác chỉ tăng điểm được trong một thời gian ngắn đầu phiên rồi giảm trở lại.
Nguyên nhân chính vẫn là thị trường không có được các nhóm cổ phiếu lớn đủ mạnh. Tại HSX, dầu khí chứng kiến mức giảm tới 1,87% của PVD, 1,79% của PVT. Nhóm ngân hàng, VCB giảm 1,3%, CTG giảm 1,13%, BID giảm 1,14%, STB giảm 1,18%. Chỉ có MBB tăng 0,76%.
Khá nhiều cổ phiếu lớn khác cũng giảm giá, số mã giảm nhiều gấp đôi số mã tăng trong rổ HSX30. Điều này dẫn đến VN-Index giảm 0,29% trong lúc đóng cửa. Như vậy phiên phục hồi được chờ đợi đã thất bại.
HNX may mắn hơn một chút khi vẫn có PVS tăng 2,92%, PVC tăng 0,94%, PVB tăng 0,53%, cùng một số mã khác như VND,VCG cũng tăng. HNX-Index tăng nhẹ 0,27%.
Thanh khoản vẫn sụt giảm khoảng 7% hôm nay cả về khối lượng lẫn giá trị. Sự suy yếu đáng kể của thanh khoản vẫn là mối lo trên thị trường, bất chấp việc nhiều cổ phiếu đang ngấp nghé hoặc thấp hơn đáy cũ hồi tháng 3 vừa rồi. Dòng tiền bắt đáy không mạnh và hôm nay chỉ thấy một số cổ phiếu được mua nhiều như HAG, CII, FLC, PVS, FIT.
Thông thường sau một phiên rơi tới hơn 1% như hôm qua, thị trường sẽ phục hồi lại. Nếu điểm số hồi càng mạnh thì cơ hội dừng giảm càng lớn. Tuy nhiên hôm nay lại thể hiện một sức mạnh rất yếu ớt. Điều đó cho thấy nhà đầu tư đang chấp nhận đứng ngoài hơn là nhảy vào bắt đáy.