Theo đó, thời gian triển khai dự kiến là quý 2/2015. Tuy nhiên đến nay đã là cuối tháng 6, các thông tin về đợt tăng vốn này vẫn chưa có gì mới. Giá phát hành dự kiến là 10.000 đồng nhưng hiện KLF chỉ loanh quanh 7.000 đồng. Liệu đó có phải là lý do khiến đợt phát hành này trễ hẹn?
Giá không như ý, còn “game” phát hành?
Thời điểm KLF lên kế hoạch phát hành tăng vốn, theo tờ trình tại đại hội cổ đông, giá cổ phiếu khoảng 12.200 đồng đến cuối tháng 1/2015. Tuy nhiên từ đó đến nay, giá KLF đã sụt giảm khá nhiều, chỉ còn 7.100 đồng cho đến ngày 24/6/2015. Thậm chí trong suốt đợt tăng trưởng của thị trường cuối tháng 5, đầu tháng 6, KLF lại sụt giảm và chưa bao giờ vượt quá được 8.000 đồng.
Với thị giá dưới mức mệnh giá, khả năng phát hành thành công phần bán cho cổ đông hiện hữu là rất khó khăn. Tuy nhiên giới đầu cơ lại chờ đợi một “game” phát hành thường thấy ở những mã như KLF là giá sẽ được đẩy lên cao hơn giá phát hành.
Ít nhất trong vòng gần 1 tháng trở lại đây, giá cổ phiếu KLF đã xuôi chiều sụt giảm, từ khoảng 7.500 đồng/CP (ngày 1/6) về 6.900 đồng/CP (ngày 29/6).
Đáng chú ý là thanh khoản của KLF đã không còn như thời hoàng kim nữa. Hiện mức giao dịch trung bình 20 ngày gần nhất chỉ khoảng 5,4 triệu cổ phiếu/phiên trong khi thời điểm cuối tháng 11, đầu tháng 12 năm ngoái, mức trung bình này là hơn 16,6 triệu cổ phiếu/phiên.
Một biểu hiện thường thấy của các “game” phát hành là thanh khoản cổ phiếu tăng đột biến. Đó là dấu hiệu của dòng vốn đầu cơ đổ vào để đẩy giá lên. Thông thường cổ đông sẽ từ chối quyền nếu như giá cổ phiếu thấp hơn giá giao dịch trên sàn nên giới đầu cơ chờ đợi một sự tăng giá mạnh vượt xa mức phát hành, chẳng hạn 15%-20%. Tuy nhiên “bài” đó đã khá cũ.
Một dạng “game” phát hành mới hơn là tạo thanh khoản để phân phối cổ phiếu “hậu” phát hành. Không nhất thiết giá cổ phiếu phải tăng quá mạnh. Mức giá cần thiết chỉ là trên mệnh giá để có thể phát hành được (lần đầu). Sẽ có một phần lớn cổ phiếu ế và lúc nào cũng có sẵn các nhà đầu tư khác đăng ký mua lần hai. Sau khi đã phát hành hết theo quy định, cổ phiếu trên sàn sẽ được tạo thanh khoản cực lớn để thu hút nhà đầu cơ, đầu tư vào mua. Đó là lúc lượng cổ phiếu ế được phân phối dần dần cho những nhà đầu tư mới.
Sẽ có không ít nhà đầu tư đặt câu hỏi, nếu như giá mua cổ phiếu ế không chênh lệch bao nhiêu so với giá thị trường thì làm sao nhà đầu cơ ôm hàng có lãi? Câu trả lời không nằm ở lợi nhuận, mà nằm ở mục đích. Điều quan trọng nhất là phát hành hết được cổ phiếu, chứ không phải đầu cơ sinh lời.
Bí ẩn các khoản hợp tác kinh doanh với cá nhân
Trở lại với câu chuyện của KLF. Nhu cầu tăng vốn được đưa ra với hàng loạt dự án “khủng” cần triển khai. Đó là nhu cầu bình thường của bất kỳ doanh nghiệp nào. Tuy nhiên báo cáo tài chính quý 1/2015 lại cho thấy KLF đang có những khoản phải thu lên tới hàng trăm tỷ đồng mà là các khoản phải thu từ việc hợp tác kinh doanh với các cá nhân. Trong khi doanh nghiệp cần vốn, việc các cá nhân nhận được lượng vốn lớn như vậy từ KLF là một dấu hỏi.
Cụ thể, tại báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2015, KLF ghi nhận khoản phải thu ngắn hạn liên quan đến hợp tác kinh doanh với bà Nguyễn Thị H (Tr12, báo cáo tài chính quí 1/2015 của KLF) với số tiền 50 tỷ đồng và bà Nguyễn Hà T là 13 tỷ đồng. Ngoài ra, hai cá nhân này cũng đang nợ KLF tiền lãi từ hoạt động hợp tác kinh doanh. Cụ thể, bà H nợ 3,57 tỷ đồng và bà T là 3,93 tỷ đồng.
Chưa hết, trong phần phải thu dài hạn, bà T cũng xuất hiện với khoản phải thu 44,5 tỷ đồng. Ngoài ra, xuất hiện thêm hai cá nhân nữa là bà Trịnh Thị Út X với khoản tiền 60 tỷ đồng; bà Đoàn Thị Thanh T với số tiền 45 tỷ đồng (Tr12, báo cáo tài chính quí 1/2015 của KLF).
Đối với trường hợp bà Đoàn Thị Thanh T, báo cáo tài chính hợp nhất năm 2014 đã ghi nhận khoản tiền 45 tỷ đồng trong phần phải thu ngắn hạn. Tuy nhiên sang báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2015, đã được chuyển sang phải thu dài hạn.
Như vậy, báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2015 cho thấy KLF đã thực hiện hợp tác kinh doanh với 4 cá nhân số tiền tổng cộng 212,5 tỷ đồng. Đó là chưa kể đến khoản nợ 8,82 tỷ đồng tiền lãi phát sinh từ các hợp tác kinh doanh này. Trong 4 cá nhân này, chỉ duy nhất trường hợp của bà Đoàn Thị Thanh T là xuất hiện từ báo cái tài chính hợp nhất 2014.
Theo kết quả kinh doanh hợp nhất quý 1/2015, KLF đạt lợi nhuận sau thuế 34,66 tỷ đồng, tăng hơn 76% so với cùng kỳ, doanh thu tăng gần 30% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên lợi nhuận gộp trong quý 1/2015 của KLF rất thấp, chỉ đạt 5,15 tỷ đồng so với gần 10,46 tỷ đồng cùng kỳ. Như vậy tỷ suất lãi gộp quý này chỉ ở mức 3,2%, thấp hơn nhiều so với mức 8,4% cùng kỳ.
Nguyên nhân dẫn đến mức lợi nhuận sau thuế tăng vọt là ở hoạt động tài chính. Quý 1/2014 doanh thu hoạt động tài chính của KLF chỉ là hơn 21 tỷ đồng, năm nay vọt lên trên 357,4 tỷ đồng. Từ mức lãi gộp chỉ gần 5,15 tỷ đồng, con số lợi nhuận thuần được cải thiện lên tới xấp xỉ 43,4 tỷ đồng.
Như vậy hơn 88% lợi nhuận quý này của KLF xuất phát từ hoạt động tài chính.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2015 cũng cho thấy các khoản phải thu của KLF tăng rất mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 12% so với cùng kỳ, khoảng 477,98 tỷ đồng. Các khoản phải thu dài hạn tăng gần 3,6 lần, từ 104,5 tỷ đồng lên 374,5 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong phần phải thu dài hạn, KLF lại xuất hiện nợ của 3 cá nhân: Bà Đặng Thị H (40,5 tỷ đồng), bà Nguyễn Thị H (79,5 tỷ đồng) và bà Hoàng Thị Thu H (105 tỷ đồng). Phải thu tổng hợp 3 cá nhân này lên tới 225 tỷ đồng ((Tr11, báo cáo tài chính quí 1/2015 của KLF)../.