Tâm lý đảo chiều
Thị trường mở cửa tuần vừa qua với một phiên tăng đột biến 10,77 điểm của VN-Index, mạnh nhất trong vòng 13 phiên. Chỉ số này nhảy vọt lên trên ngưỡng 600 điểm và ngay lập tức, sự hưng phấn trần ngập với hi vọng nhịp điều chỉnh đã kết thúc.
Tuy nhiên chính vào lúc thị trường cần sự lạc quan cao nhất để tăng trưởng mạnh hơn thì tin xấu lại xuất hiện dồn dập. Đầu tiên là Trung Quốc liên tục phá giá đồng Nhân dân tệ dẫn đến việc Việt Nam cũng phải phản ứng theo, giảm giá VND. Tiếp đến là giá dầu thế giới biến động cực mạnh theo hướng tiêu cực.
Một điều tưởng như bình thường là sự đồng thuận trong suy nghĩ thực ra đóng vai trò rất quan trọng. Thị trường trước khi xuất hiện các biến cố bất thường tỏ ra có sức mạnh và rất có thể đã chạm đáy ngắn hạn. Khi phần lớn nhà đầu tư suy nghĩ như vậy thì sức mạnh tỏ ra vượt trội và đó là nguyên nhân dẫn đến phiên tăng cực mạnh đầu tuần.
Đến khi thông tin bất lợi xuất hiện, đặc biệt là Việt Nam bị cuốn vào việc phải phản ứng lại sự mất giá của đồng Nhân dân tệ, thì tâm lý đã đảo chiều rất nhanh, từ lạc quan sang bi quan.
Không gì khác có thể lý giải được hoạt động bán tháo ồ ạt 3 ngày cuối tuần rồi, với điểm số mất đi 24,02 điểm. Thị trường rất hiếm khi chứng kiến chuỗi phiên giảm điểm liên tục mạnh như vậy. Ngay cả khi phản ứng với việc TPP thất bại, mức sụt giảm liên tục mạnh nhất cũng chỉ là 20,3 điểm.
Điểm số mất đi với mức độ lớn như vậy thể hiện một điều, đa số nhà đầu tư tỏ ra lo ngại và suy luận tiêu cực về thông tin, dẫn đến những hành động cực đoan là bán tháo cổ phiếu. Nếu như sự đồng thuận tích cực có thể tạo nên những ngày bùng nổ tăng như hôm 10/8 thì cũng có thể dẫn đến những ngày rơi sâu liên tục vào cuối tuần. Nhà đầu tư phản ứng với những gì đáng lo ngại nhất trong suy luận của mình chỉ nhằm mục đích cuối cùng: bảo vệ tài sản. Và khi số đông nhà đầu tư chỉ nghĩ đến việc bảo vệ tài sản thay vì kiếm lời, đó là lúc thị trường suy yếu nhất.
Những lo ngại hiện hữu
Không ít nhà đầu tư quyết tâm “tử thủ” trong tuần rồi cho rằng việc bán tháo mang tính đám đông rất cao. Điều này có thể đúng, nhưng mỗi người có một cách nhìn nhận khác nhau về sự việc. Đối với người này mức lỗ 5-10% chưa thấm vào đâu, nhưng với người khác, đó có thể là nguy cơ lớn.
Bản thân tác động của sự kiện phá giá đồng nội tệ của các nước trong khu vực cũng đã được phân tích khá nhiều. Tuy nhiên từ góc độ thị trường, điều đáng lo ngại nhất là sự bất ổn đang hiện hữu.
Mỗi khi tham gia thị trường, nhà đầu tư luôn phải lường trước các khả năng xảy ra để có đối sách ứng phó phù hợp. Nói cách khác, việc đầu tiên khi mua vào là lường trước các rủi ro. Tuy nhiên với sự kiện như phá giá đồng Nhân dân tệ tới 3 lần trong 3 ngày thì không ai có thể đoán trước được. Nếu như đồng tiền này được thả nổi thì biến động theo thị trường là bình thường, nhưng đây là các quyết định của Ngân hàng trung ương và từ trước đến nay, đồng Nhân dân tệ vẫn được neo giá.
Trước sự kiện bất thường đó, câu hỏi lớn nhất là liệu đồng Nhân dân tệ có bị phá giá nữa không và các Ngân hàng trung ương khác sẽ phản ứng thế nào. Chẳng hạn, Việt Nam đã tăng biên độ dao động tỷ giá lên thêm 1% - một hình thức để ngỏ khả năng giảm giá VND - khi Trung Quốc giảm giá đồng bản tệ. Vậy nếu Trung Quốc tiếp tục giảm giá hay thay đổi tỷ giá liên tục, liệu Việt Nam có bị cuốn vào vòng xoáy này, hay phản ứng tiếp theo sẽ là gì?
Vì hành động của Trung Quốc là điều rất khó đoán nên việc dự đoán phản ứng của Việt Nam cũng khó đoán không kém. Vì khó đoán nên nhà đầu tư không tài nào dự kiến được các rủi ro sẽ xảy ra. Chẳng hạn Nhà đầu tư nước ngoài, tự nhiên đã mất thêm khoảng 1% giá trị tài sản do phải quy đổi ra USD. Nếu tỷ giá lại thay đổi, họ sẽ lại có biến động tài sản nữa.
Đã có những lo ngại kiểu này. Chẳng hạn phát biểu với Bloomberg, ông Fiachra MacCana, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Chứng khoán TP.HCM cho rằng có khả năng tiền đồng sẽ giảm giá thêm 1% nữa từ nay đến cuối năm. ANZ cũng dự báo tỷ giá VND/USD có thể phải giảm mạnh hơn một chút so với những năm gần đây để tránh giảm dự trữ ngoại hối. Ông Adam McCarty, chuyên gia kinh tế trưởng của công ty Mekong Economics tại Hà Nội nhận định, việc nới biên độ tỷ giá USD/VND có thể làm gia tăng kỳ vọng của thị trường về một động thái giảm giá tiền đồng nữa./.