VCB, SSI cầm trịch sàn HSX
Gần như tất cả các cổ phiếu ngân hàng đều sụt giảm hôm nay, cổ phiếu chứng khoán cũng không ngoại lệ. Tuy thế những mã đầu tàu lại không thể điều chỉnh được, đã tạo nên một sự phân hóa mờ nhạt. Thực ra việc cổ phiếu không điều chỉnh theo nhóm ngành là do nhà đầu tư đánh giá cơ hội cụ thể cao hơn cơ hội của toàn thị trường.
Có thể thấy rất rõ điều này tại hai nhóm cổ phiếu là ngân hàng và chứng khoán hôm nay. Nhóm ngân hàng chứng kiến một đợt điều chỉnh khá mạnh sau những biến động lớn hôm qua. Phiên hôm qua, mới chỉ có lực bán chốt lời thận trọng kiềm chế mức tăng, còn sang phiên hôm nay, nhà đầu tư đã bán ra mạnh hơn, đẩy giá giảm.
BID sụt giảm tới 1,55%, một kết cục rất trái ngược với hai phiên tăng mạnh mẽ trước đó. Việc cố gắng vượt đỉnh tháng 7 không thành công đã khiến nhà đầu tư thoát hàng ồ ạt. CTG cũng giảm 0,98%, EIB giảm 0,83%, ACB giảm 1,54%, còn lại tham chiếu.
Riêng VCB là một ngoại lệ của nhóm ngân hàng. Cổ phiếu này tiếp tục tăng 0,44%. Mức tăng không lớn, nhưng là những nỗ lực rất đáng ghi nhận. Trong phiên VCB bị bán rất nhiều và giá có lúc giảm sâu. Tuy nhiên nhà đầu tư đã mua vào đủ mạnh để nâng đỡ giá, tạo cú lội ngược dòng trong buổi chiều.
Trong nhóm chứng khoán, từ VND đến HCM đều giảm. Riêng SSI lại tăng 1,6%, rất mạnh. SSI còn là cổ phiếu thanh khoản lớn nhất thị trường với hơn 4 triệu cổ phiếu giao dịch, tương đương 101,2 tỷ đồng. Đây là con số rất lớn vì toàn thị trường chỉ giao dịch trên 1.400 tỷ đồng.
Sức mạnh của VCB và SSI một phần đến từ khẩu vị mua của nhà đầu tư nước ngoài rất tốt. Khối ngoại mua khoảng 10% tại SSI và 51% tại VCB. Phải nhấn mạnh rằng quy mô mua trên toàn thị trường hôm nay là thấp và việc bỏ một lượng tiền lớn vào VCB và SSI đã là một ngoại lệ đáng chú ý.
Để nâng đỡ điểm số, còn một vài blue-chips lớn khác được đẩy tăng lên, nhưng giao dịch khá nhỏ và không nổi bật bằng VCB hay SSI. Hai cổ phiếu này là niềm cảm hứng cho HSX hôm nay.
Những cổ phiếu lớn giúp VN-Index đóng cửa chỉ giảm 0,05% là VIC tăng 1,19%, VNM tăng 2,05%, BVH tăng 0,65%, PPC tăng 1,72%, FPT tăng 0,23%, HSG tăng 0,74%.
Sàn HNX ngược lại, chứng kiến chỉ số chính giảm 0,48% do tác động đồng loạt từ các mã ngân hàng và dầu khí. Tại HSX cổ phiếu GAS cũng giảm 1,28%, PVD giảm 0,86%, nhưng vẫn có VNM, VCB, VIC cân bằng lại. HNX không có được các mã quan trọng tăng giá: PVS giảm 1,89%, ACB giảm 1,54%, PVG giảm 1,12%, PVC giảm 1,49%, PVB giảm 1,32%, PGS giảm 0,53%.
Tiền nằm kẹt trong tài khoản
Biểu hiện rõ nhất của sự nghi ngờ hôm nay vẫn là thanh khoản. Tổng giá trị khớp lệnh sụt giảm gần 20% so với hôm qua, còn 1.421,6 tỷ đồng. Khối lượng tương ứng giảm 20%, còn 95,4 triệu cổ phiếu.
Quy mô giao dịch này co ngót chỉ tương đương với giao dịch của HSX trong những ngày bình thường. Nhà đầu tư đã không chịu bỏ tiền vào mua, dù áp lực phải cắt lỗ cũng không cao. Điều gì khiến tiền nằm kẹt trong tài khoản như vậy?
Thực ra thị trường không có thêm thông tin gì mới mang tính tiêu cực khiến nhà đầu tư sợ hãi. Nhưng các tác động cũ vẫn khiến thị trường trong trạng thái bất ổn: Giá dầu tiếp tục sụt giảm, thị trường chứng khoán Trung Quốc sụt giảm 1,39%. Việc Trung Quốc tiếp tục bơm ngoại tệ hàng chục tỷ USD mỗi ngày khiến dự trữ ngoại hối giảm. Điều này gây sức ép lên đồng Nhân dân tệ.
Nhà đầu tư vẫn đang rất ngán ngại khả năng giảm giá tiếp theo của đồng Nhân dân tệ, mà những hệ quả của đợt phá giá gần đây khiến đồng VND cũng mất giá theo. Đó là chưa kể thị trường đang đứng trước một thời điểm hết sức nhạy cảm: lãi suất USD có thể tăng trong vài ngày tới. Nếu lãi suất tăng, đó sẽ là cú đánh mạnh vào rủi ro chính sách tiền tệ trong nước.
Những ngày gần đây có rất nhiều phân tích, phán đoán khác nhau về khả năng tăng của lãi suất USD. Mọi phân tích đều để ngỏ và không phân tích nào “dám” khẳng định chắc chắn về một câu trả lời đơn giản: Có hay không.
Một phản ứng rất hợp lý của thị trường tài chính là nếu không chắc chắn về điều gì thì không đặt cược. Đó chính là nguyên nhân gốc rễ của việc nhà đầu tư giữ tiền và đứng ngoài thị trường hơn là mua vào. Suốt 7 phiên gần đây, không ngày nào thị trường giao dịch được quá 2.000 tỷ đồng, trong khi chỉ trong 2 tuần cuối tháng 8 còn có tới 3 phiên giao dịch trên 3.000 tỷ đồng./.
HSX
|
HNX
|
Giá trị Khớp lệnh
|
Khối lượng Khớp lệnh
|
Giá trị Khớp lệnh
|
Khối lượng Khớp lệnh
|
1.108 tỷ đồng (-19%)
|
68,4 triệu (-18%)
|
313,6 tỷ đồng (-24%)
|
27 triệu (-23%)
|
5 cổ phiếu đạt giá trị giao dịch cao nhất
HSX
|
HNX
|
Mã
|
Khối lượng
|
Giá trị
|
Mã
|
Khối lượng
|
Giá trị
|
SSI
|
4,008,890
|
101,217
|
TIG
|
2,975,204
|
33,663
|
VCB
|
1,389,010
|
63,675
|
VMI
|
954,730
|
27,416
|
BID
|
1,899,900
|
48,558
|
VND
|
1,314,767
|
18,432
|
VIC
|
1,097,080
|
46,250
|
FID
|
1,347,200
|
18,143
|
DCM
|
3,402,080
|
44,972
|
VIX
|
2,038,400
|
16,871
|