HĐQT Eximbank không tuân thủ Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông?
Ngày 29/4/2016, những xung đột dai dẳng giữa nhóm cổ đông lớn với HĐQT Eximbank một lần nữa bùng lên, khi đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) của ngân hàng này bị hoãn lại do không đủ tỷ lệ cổ đông có quyền biểu quyết tham dự. Theo đó, số lượng cổ đông tham gia chỉ chiếm 50,19% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, tức là có tới 49,81% cổ đông không tham dự, một tỷ lệ lớn không bình thường đối với một ngân hàng niêm yết đại chúng như Eximbank.
Trước đó, tờ trình dự kiến trong ĐHĐCĐ cho thấy, HĐQT của Eximbank đã nhận được thư của đại diện một nhóm cổ đông nắm giữ số cổ phiếu chiếm tỷ lệ 11,82% và đại diện nhóm cổ đông nắm giữ số cổ phiếu chiếm tỷ lệ 10,42% cổ phần, cả hai nhóm đều có quyền biểu quyết tại Eximbank này đã đưa ra yêu cầu về việc ngân hàng phải tiến hành bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT cho đủ số thành viên được ĐHĐCĐ ngày 15/12/2015 thông qua (11 thành viên).
Tuy nhiên, theo một đại diện của nhóm cổ đông 11,82% của ngân hàng này cho biết: HĐQT Eximbank dường như đã cố tình không thực hiện các bước cần thiết để bầu bổ sung. Theo đó, HĐQT ngân hàng này đã đánh tráo khái niệm bằng cách đưa yêu cầu của nhóm cổ đông như một kiến nghị bổ sung chương trình nghị sự, để ĐHĐCĐ xem xét đưa vào chương trình nghị sự hay không. Trong khi, nếu làm đúng qui định, thì HĐQT phải tích cực thực hiện các thủ tục này trước ngày khai mạc ĐHĐCĐ năm 2016, bao gồm cả việc gửi danh sách đề cử của cổ đông lên cho NHNN phê duyệt, theo Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2015.
"Thậm chí, HĐQT đã tự ý “cân nhắc thống nhất đây chưa phải là thời điểm thích hợp để bầu thành viên mới”. Đây là hành động đi ngược lại Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2015 và là điều mà các nhóm cổ đông lo lắng. Bởi với lý do tương tự, HĐQT có thể tái diễn việc tự ý trì hoãn hoặc không thực hiện bất kỳ một nghị quyết ĐHĐCĐ nào trong tương lai", vị đại diện nhóm cổ đông nêu trên nói.
Thiếu tôn trọng cổ đông, thiếu sự minh bạch thông tin
Theo qui định, các cổ đông có quyền được biết về các hoạt động của doanh nghiệp, trong đó có việc quản lý và đầu tư tài chính, công bố thông tin kịp thời. Thế nhưng, thực tế hiện nay các quyền này của cổ đông đang bị coi thường, bỏ ngỏ khi HĐQT Eximbank đã cố tình chậm trễ trong việc công bố thông tin ra ĐHĐCĐ năm 2016.
Vị đại diện của một nhóm cổ đông cho biết, vào ngày họp ĐHĐCĐ Eximbank, buổi sáng 29/4/2016, hai tờ trình số 11 và 12 theo yêu cầu của nhóm cổ đông nước ngoài mới được đưa vào tài liệu ĐHĐCĐ. Sau đó, trang web của Eximbank đã công bố thêm hai tờ trình đó và ghi ngày công bố là 28/4/2016?! Thời điểm công bố chính xác chỉ có thể được xác định bởi người có quyền quản lý trang web của Eximbank, nhưng việc công bố thông tin vào ngày 28/4/2016 cũng như việc nhóm cổ đông nước ngoài chỉ gửi thư vào ngày 26/4/2016, chỉ vừa đúng 3 ngày làm việc trước ngày ĐHĐCĐ năm 2016, thể hiện sự thiếu minh bạch của HĐQT và chậm trễ trong việc cung cấp thông tin.
Vị đại diện của nhóm cổ đông lớn bức xúc cho rằng, việc nhóm cổ đông nước ngoài đã thể hiện sự tiền hậu bất nhất khi gửi thư cho HĐQT vào ngày 26/4/2016, chỉ 3 ngày trước ngày ĐHĐCĐ, yêu cầu giảm số lượng thành viên HĐQT từ 11 xuống 9 mà không công bố lý do. Trong khi 4 tháng trước đó, chính họ đã bỏ phiếu để thông qua số lượng thành viên HĐQT là 11 theo Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2015.
Điều đáng nói là, kiến nghị của một nhóm cổ đông khác đã được gửi tới với thời gian sớm hơn, nhưng HĐQT Eximbank đã cố tình xếp tờ trình liên quan tới việc bầu bổ sung thành viên HĐQT sau tờ trình của nhóm cổ đông nước ngoài?
“Chúng tôi mong muốn một HĐQT công tâm sắp xếp nội dung yêu cầu của các nhóm cổ đông theo đúng trình tự về thời gian để ĐHĐCĐ xem xét”, đại diện nhóm cổ đông này phát biểu. Đồng thời, vị đại diện nhóm cổ đông này cho rằng: “Nếu thật sự thư của nhóm cổ đông nước ngoài thể hiện ngày gửi 26/4/2016, nhiều khả năng sẽ không đủ thời gian làm các thủ tục nói trên”.
Vì vậy, vị đại diện nhóm cổ đông này nghi vấn rằng: Liệu HĐQT có đang cố tình thiên vị một nhóm cổ đông thiểu số mà quên đi vai trò là đại diện của toàn bộ cổ đông, cũng như những cam kết của chính HĐQT tại ĐHĐCĐ năm 2015 là “Minh bạch, Tuân thủ luật pháp, Chuyên nghiệp, Hiệu quả và hướng tới các thông lệ và chuẩn mực tốt nhất”?
Vị đại diện nhóm cổ đông này cũng cho rằng: “Dưới góc độ quản trị doanh nghiệp, dư luận và các cổ đông đang thực sự quan ngại về những xung đột lợi ích trong nội bộ ngân hàng cũng như cách hành xử của HĐQT Eximbank. Khi một HĐQT bỏ qua các quyền cơ bản của cổ đông, thì việc cổ đông thể hiện sự bất mãn của mình bằng cách không tham gia ĐHĐCĐ - một quyền cơ bản của cổ đông – là một bất lợi lớn cho doanh nghiệp”./.
CỔ ĐÔNG LỚN CÓ QUYỀN TRIỆU TẬP ĐHĐCĐ
Trong trường hợp một nhóm cổ đông lớn phản đối quyết định của HĐQT một doanh nghiệp, thì có cơ chế nào để họ can thiệp vào quyết định của HĐQT? Luật Doanh nghiệp quy định, nhóm cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng (hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại điều lệ công ty) có quyền triệu tập họp ĐHĐCĐ trong trường hợp HĐQT vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông.
|