Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ nâng thuế tự vệ đối với hàng hóa Trung Quốc trong trường hợp hai quốc gia không đạt được thỏa thuận thương mại. Thông tin trên kéo theo sự điều chỉnh của chứng khoán Hoa Kỳ cũng như thị trường châu Á trong ngày 20/11 và thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
Trên thị trường cơ sở, lực cung gia tăng khiến chỉ số nới rộng mức giảm theo thời gian. VN-Index đóng cửa tại 1.000,56 điểm (- 0,77%). VN30-Index giảm gần 1% về ngưỡng 917 điểm.
Sắc đỏ chiếm ưu thế tại các lĩnh vực vốn hóa lớn, bao gồm ngân hàng, dầu khí, bất động sản, trong đó VCB, GAS, VIC, SAB ảnh hưởng lớn nhất tới vận động của VN-Index.
Quan hệ Mỹ - Trung có dấu hiệu căng thẳng thúc đẩy dòng tiền tìm đến các nhóm ngành được đánh giá hưởng lợi, đáng chú ý là khu công nghiệp với KBC (+2,4%), SZL (+6,4%), SZC (+4,6%), SIP (+2,5%), …
Nhóm cao su tự nhiên cũng diễn biến khả quan trong bối cảnh giá hợp đồng tương lai cao su tự nhiên niêm yết trên sàn Tocom (Nhật Bản) liên tiếp hồi phục trong thời gian gần đây. PHR và DPR tăng tương ứng 3,5% và 2,6%. GVR bật tăng 2,9% sau chuỗi phiên giao dịch giằng co tích lũy.
Một số cổ phiếu khác có giao dịch nổi bật, có thể kể đến như HVG, FTS (tăng trần), TLH (+4,6%), DBD (+3%), FRT (+2,8%), DHC (+3,7%),...
Thanh khoản chưa được cải thiện, chỉ đạt hơn 4,5 nghìn tỷ đồng trên HOSE. Khối ngoại duy trì trạng thái bán ròng trên HOSE, tuy nhiên quy mô trong nhiều phiên gần đây đã giảm rõ rệt. Phiên 20/11, khối ngoại chỉ bán ròng 13,8 tỷ đồng.
Trên thị trường phái sinh, toàn bộ các hợp đồng tương lai đều giảm điểm, tuy nhiên mức giảm đều thấp hơn biên độ của chỉ số VN30. Cụ thể: F1911 giảm 8,7 điểm, F1912 giảm 8,3 điểm; F2003 giảm 5,2 điểm; F2006 giảm 6,0 điểm.
Hiện tại các hợp đồng đều đang duy trì mức chênh lệch dương với chỉ số cơ sở từ 4 đến 17 điểm. Hợp đồng hiện tại là F1911 sẽ đáo hạn trong phiên hôm nay, mức chênh lệch dương 4 điểm sẽ gây áp lực giảm với hợp đồng này.
Thanh khoản thị trường tương lai tăng thêm 13%, khi khối lượng giao dịch đạt 61.557 hợp đồng trong phiên giảm mạnh của toàn thị trường. Giá trị giao dịch vì thế tăng lên mức 5.698 tỷ đồng. Khối lượng mở tăng nhẹ và duy trì ở mức cao với 27.619 hợp đồng.
Chỉ số VN30 tăng nhẹ đầu phiên nhưng các mã vốn hóa lớn đồng loạt giảm khá mạnh vào cuối phiên khiến chỉ số để mất tới 9,07 điểm xuống mức 917 điểm. Khối lượng giao dịch nhóm VN30 ở mức gần 72,6 triệu đơn vị, tăng so với phiên trước đó gần 9 triệu đơn vị, nhưng vẫn giảm so với khối lượng giao dịch bình quân 20 phiên hơn 0,6 triệu đơn vị.
Báo cáo phái sinh của SSI Retail Research cho thấy, trên biểu đồ kỹ thuật, nến ngày là một nến màu đen chân dài để mất hơn số điểm tăng của phiên trước và tiến gần về dải mây hỗ trợ xu hướng Ichimoku (đồ thị với một cái nhìn cân bằng).
Chỉ báo dao động ngẫu nhiên (stochastic oscillator) vận động khá sâu vào vùng quá bán, đồng thời chỉ số VN30 đang tiến về đường xu hướng (trendline) kể từ tháng 6 và đà giảm có thể chậm lại ở quanh vùng này.
Mức đảo chiều phiên ngắn hạn cho chỉ số VN30 hạ xuống 915 điểm cho phiên giao dịch tiếp theo./.