Bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ
Hầu hết các Bộ, ngành, địa phương đã cùng các doanh nghiệp (DN) xây dựng và tổ chức thực hiện phương án chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết đầy đủ, đáp ứng nhu cầu tăng cao (khoảng 15-20%, một số địa phương trọng điểm nhu cầu tăng khoảng 20%-25%) so với bình thường của người dân trong dịp Tết.
Bên cạnh việc tạo điều kiện kinh doanh thông thoáng, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN, hỗ trợ thị trường nhằm huy động, khai thác tối đa các nguồn hàng từ trong và ngoài tỉnh đáp ứng nhu cầu Tết Quý Tỵ, 2013; các địa phương cũng đã tổ chức tốt việc cung ứng hàng hoá phục vụ Tết Nguyên đán trên địa bàn miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hải đảo, cơ bản đáp ứng nhu cầu mua sắm trong dân cư, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Nhiều chính sách hỗ trợ, góp phần bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ đã được triển khai tích cực như: Tiếp tục thực hiện Chương trình dự trữ hàng hoá bình ổn thị trường, giá cả tại nhiều địa phương (theo báo của các địa phương và tổng hợp của Bộ Công Thương, tính đến ngày 6/02/2013 có 41 tỉnh, thành phố thực hiện chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường trong dịp Tết với tổng kinh phí khoảng gần 1.700 tỷ đồng, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như: gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, dầu ăn, thủy hải sản, đường, rau củ, thực phẩm chế biến…
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xuất cấp 29.092 tấn gạo dự trữ quốc gia cho một số địa phương trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt năm 2013. Tính đến ngày 7/2/2013, các Cục dự trữ Nhà nước khu vực đã tổ chức xuất cấp được 24.554 tấn gạo, đạt 100% kế hoạch phân bổ trước Tết Nguyên đán, số lượng còn lại là 4.538 tấn sẽ được tổ chức xuất cấp sau Tết cho nhân dân các địa phương Lai Châu, Hà Tĩnh, Phú Yên, Sơn La, Yên Bái.
Công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá
Thực hiện giữ ổn định giá trong dịp Tết đối với một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như: giá điện, giá than cho sản xuất điện, giá nước sạch, giá cước xe buýt được Nhà nước trợ giá…; tạm thời giãn thời gian điều chỉnh giá trong tháng 2 đối với một số dịch vụ khám chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước, giá dịch vụ giáo dục (học phí)… tại một số địa phương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 25/CT-TTG ngày 26/9/2012.
Đối với giá xăng dầu: Trước diễn biến tăng của giá xăng dầu thế giới, để bình ổn giá cả thị trường; trong tháng 1 và tháng 2/2012, Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã 4 lần điều hành để giữ ổn định giá bán xăng dầu thông qua biện pháp cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối được sử dụng hoặc tăng mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng, dầu; tạm thời chưa tính lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở
Kiểm soát chặt chẽ các phương án giá, mức giá của hàng hóa dịch vụ do Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch thanh toán bằng nguồn ngân sách Nhà nước; hàng hóa được trợ cước, trợ giá phục vụ đồng bào dân tộc, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Kiểm soát việc thực hiện cam kết về giá đối với các DN được hỗ trợ vốn từ chương trình dự trữ hàng hoá bình ổn thị trường giá cả. Đồng thời, thực hiện kiểm soát chặt chẽ các khoản chi từ Ngân sách Nhà nước trong đầu tư, trong chi tiêu thường xuyên, kiên quyết loại trừ các khoản chi không đúng định mức, tiêu chuẩn, chi sai chế độ chính sách.
Công tác kiểm tra, thanh tra thị trường, giá cả
Thực hiện ý kiến kết luận của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải về tình hình chuẩn bị hàng hoá cho dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 và Chỉ thị số 04/CT-BTC ngày 2/11/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường những tháng cuối năm 2012 và Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, Bộ Tài chính đã tham gia đoàn công tác liên ngành với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn làm việc tại một số địa phương về công tác chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết.
Đồng thời chủ trì tổ chức đoàn công tác của Bộ Tài chính kiểm tra và nắm tình hình triển khai thực hiện công tác quản lý và bình ổn giá tại 3 miền Bắc-Trung-Nam.
Nhìn chung các địa phương, DN đã chủ động lên kế hoạch cân đối cung cầu, nhập hàng dự trữ phục vụ Tết Nguyên đán từ sớm và có kế hoạch tổ chức các hoạt động phục vụ Tết như bán hàng lưu động, tổ chức các hội chợ xuân, các chương trình khuyến mại, giảm giá…
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá gắn với kiểm tra chấp hành pháp luật về thuế; kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, góp phần bình ổn giá cả hàng hóa thị trường trong nước.
Trong tháng 2/2013, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 11.562 vụ, xử lý 4.153 vụ vi phạm, trong đó 535 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu; 599 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; 1.805 vụ vi phạm trong kinh doanh và 1.214 vụ vi phạm trong lĩnh vực giá, với số thu gần 23 tỷ đồng, trong đó phạt vi phạm hành chính gần 16 tỷ đồng.
Ngành Thuế: Bên cạnh việc đôn đốc, chỉ đạo Cục thuế các địa phương tích cực triển khai thu nội địa theo dự toán được giao năm 2012, toàn ngành đã tăng cường công tác kiểm tra thực hiện pháp luật về thuế, xử lý kịp thời đối với các trường hợp vi phạm trốn thuế, lậu thuế, kết hợp với kiểm tra chấp hành pháp luật về giá, nhất là những đối tượng vừa qua được hưởng chính sách miễn, giảm, giãn thuế VAT, thu nhập DN...
Ngành Kho bạc Nhà nước: Tăng cường kiểm soát chi từ ngân sách Nhà nước trong đầu tư XDCB, trong chi tiêu thường xuyên tại hệ thống Kho bạc Nhà nước. Đến hết tháng 02/2013, qua công tác kiểm soát chi, hệ thống KBNN đã phát hiện trên 7.500 khoản chi của 3.500 lượt đơn vị chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định; tạm dừng và từ chối thanh toán trên 140 tỷ đồng.
Ngành Hải quan: Đã thực hiện các biện pháp như tăng cường sự phối hợp giữa các Đội kiểm soát hải quan với các lực lượng Công an, Biên phòng, Cảnh sát Biển, Ban chỉ đạo 127, Quản lý thị trường cùng tuần tra, lập các chốt kiểm soát tại các điểm nóng; tuyên truyền vận động quần chúng tố giác, báo tin cho các cơ quan chức năng khi phát hiện có các hoạt động buôn lậu; tổ chức điều tra nghiên cứu các đối tượng, xây dựng mạng lưới cơ sở bí mật, phân công cụ thể địa bàn cho từng cá nhân quản lý...
Những biện pháp đó bước đầu đã đạt được kết quả khả quan: Giảm 95%-98% lượng gà thải loại nhập lậu vào thị trường nội địa; một số địa bàn trọng điểm, qua kiểm tra, kiểm soát, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 112 vụ vi phạm trong đó Hà Giang (9 vụ), Tây Ninh (68 vụ), An Giang (16 vụ), Gia Lai-Kon Tum (3 vụ), Đồng Tháp (5 vụ), Hải Phòng (8 vụ), Quảng Bình (3 vụ)...
Trong dịp Tết Quý Tỵ, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới diễn biến rất phức tạp. Qua công tác đấu tranh chống buôn lậu, ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý gần 1.400 vụ vi phạm, với trị giá hàng vi phạm ước tính gần 16,5 tỷ đồng
Dự báo giá thị trường tháng 3/2013 có xu hướng ổn định hoặc tăng nhẹ so với tháng 2/2013.
(Nguồn Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính)