Hệ thống chính sách minh bạch và thống nhất
Nhiều DN Nhật Bản đang gặp một số vướng mắc, do hệ thống luật pháp Việt Nam thiếu ổn định: Giữa luật này với luật khác còn tồn tại những mâu thuẫn; cơ chế thường không thống nhất giữa các địa phương; phạm vi hiệu lực giữa luật, nghị định, thông tư chưa rõ ràng; luật quy định thường thay đổi.
Chẳng hạn, một số DN Nhật Bản chưa rõ làm thế nào để đáp ứng các quy định của luật về vấn đề lao động, vì chưa có nghị định, thông tư hướng dẫn chi tiết, thậm chí sau khi Bộ luật Lao động mới đã có hiệu lực từ ngày 1/5/2013.
 |
Ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam vẫn còn yếu khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài lo ngại Ảnh: Duy Thái |
Ngoài ra, các DN Nhật Bản còn gặp một số vấn đề do việc áp dụng không thống nhất luật, quy định như: Cách hiểu khác nhau giữa địa phương này với địa phương khác; áp dụng khác nhau giữa trung ương với địa phương; nhiều khi luật còn được áp dụng với hiệu lực hồi tố, trong khi trường hợp này hiếm khi xảy ra theo các chuẩn mực quốc tế.
Chính sách miễn thị thực cho các du khách ngắn hạn đã có đóng góp lớn cho việc thu hút luồng vốn FDI mới vào Việt Nam. Trong trường hợp chúng ta ngừng áp dụng chính sách này khi chưa cân nhắc kỹ, điều đó có thể ảnh hưởng xấu đến cả lượng vốn đầu tư FDI cũng như số lượng du khách đến Việt Nam. Vì vậy, chúng ta nên tiếp tục duy trì chính sách này.
Xây dựng môi trường kinh doanh
Yếu tố đầu tiên là hạ tầng cơ sở, phần cứng và phần mềm. Những cơ sở hạ tầng giao thông như đường sá, bến cảng, sân bay; cơ sở hạ tầng công nghiệp như điện, khí đốt, nước… vẫn chưa đáp ứng tốt yêu cầu đặt ra. Bởi vậy, điều chúng ta cần là tiếp tục hướng đầu tư vào những cơ sở hạ tầng này như đã làm trong suốt thời gian qua.
Số lượng các doanh nghiệp (DN) sản xuất quy mô vừa và nhỏ của Việt Nam mới chiếm khoảng 38%, trong khi các DN Nhật Bản cần nhiều hơn nữa linh kiện, nguyên vật liệu từ các ngành công nghiệp phụ trợ. Hiện nay, Chính phủ Nhật đã có những hỗ trợ phát triển công nghiệp phụ trợ của Việt Nam với nhiều phương thức khác nhau. Chính phủ Việt Nam cũng có thể hỗ trợ nhiều hơn về tài chính, nhân lực, cơ sở vật chất để giúp các ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam thành công trong sản xuất kinh doanh.
Chính phủ Việt Nam đã có chính sách ưu đãi thuế cho những doanh nghiệp đầu tư kinh doanh nhà máy tại các khu công nghiệp. Cần cụ thể hóa chủ trương này khi sửa đổi, bổ sung Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp, nhằm tăng số lượng các DN sản xuất để đóng góp cho xuất khẩu và chuyển dịch sang những sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Nếu chúng ta xem đây là những vấn đề phổ biến của các nước đang phát triển thì e rằng, Việt Nam sẽ dễ dàng đánh mất sự hấp dẫn và dòng vốn đầu tư sẽ đổ về những nước châu Á khác ngày một nhiều. Vì thế, chúng ta cần có những bước đi cụ thể, thực tế nhằm giải quyết những vấn đề trên, sau khi đã có sự cân nhắc kỹ lưỡng, kịp thời của các bộ, ban ngành hữu quan.