Còn gần 8 năm nữa mới hết hạn để mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, hiện Việt Nam vẫn chưa có nhiều cải thiện về công nghệ.
Theo ông Nguyễn Anh Dương - Phó Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô (CIEM) cho hay: “Xuất khẩu (XK) được coi là lợi thế của Việt Nam khi hội nhập, giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào thương mại toàn cầu. Nhưng 5 năm qua, XK hàng hóa của Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu (NK) trung gian, phần lớn là hàng Trung Quốc để sản xuất ra được sản phẩm XK cuối cùng”.
“Chúng ta đang “bôi sơn” lên hàng Trung Quốc để thành hàng Việt Nam rồi XK”! Điều này cũng dễ hiểu khi những con số NK mới nhất đưa ra cho thấy, NK từ Trung Quốc chiếm hơn 25% tổng kim ngạch NK của cả nước, ông Dương nhấn mạnh.
|
NK từ Trung Quốc chiếm hơn 25% tổng kim ngạch NK của cả nước |
Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì sau 5 năm gia nhập WTO, công nghệ của Việt Nam vẫn là “đạp máy khâu (ngành Dệt may) và nối mối hàn (ngành Đóng tàu)”. Theo bà Lan, thực tế gia nhập WTO cũng không làm tăng XK của Việt Nam lên nhiều, vẫn ở mức khoảng 20% như trước đây.
Hệ quả là do một thời gian dài, đầu tư đã dồn hết cho DN nhà nước, tập đoàn kinh tế mà không mang lại giá trị XK, chỉ làm gia tăng NK, cuối cùng chúng ta không có ngành và DN XK mạnh mà chỉ làm gia công. XK gần đây đã “rơi” vào tay các DN FDI với trên 60% kim ngạch XK cả nước. Trong khi đó, DN trong nước chỉ tăng XK được 3%. “Nếu không có chiến lược cải thiện, một ngày nào đó, các DN FDI chuyển hướng đầu tư sang nước khác thì XK của ta gay go” - bà Phạm Chi Lan cảnh báo.
Từ những gì được và chưa được sau 5 năm gia nhập WTO nhìn về phía trước, thời điểm hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN và ký kết các hiệp định tự do hóa thương mại đang đến gần, mang đến những cơ hội lớn nhưng cũng là thách thức không nhỏ cho Việt Nam, đòi hỏi những giải pháp phù hợp và đột phá.