Loay hoay thoái vốn
Mặc dù được Chính phủ đánh giá là một trong những bộ tiến hành sắp xếp, đổi mới DN hiệu quả nhất nhưng các DN thuộc Bộ NN&PTNN quản lý vẫn đang loay hoay thực hiện CPH, do bế tắc trong vấn đề thoái vốn ngoài ngành, đặc biệt là thoái vốn tại các lĩnh vực bất động sản, ngân hàng...
Ông Nguyễn Nam Hải, Tổng giám đốc Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) cho biết, do khó khăn, nên tất cả các khoản đầu tư ngoài ngành phải thoái vốn trong lộ trình đến năm 2015. Việc thoái vốn ở nhà máy đường… nơi có lãi còn làm được, nhưng ở những đơn vị đang lỗ nặng, thoái vốn chắc chắn là âm.
Theo bà Bùi Thị Thanh Tâm, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc (VNF1) thì đơn vị này rất bế tắc trong việc thoái vốn khỏi 3 ngân hàng: Tổng công ty (TCT) đang tham gia góp vốn vào 3 ngân hàng và có đầu tư một số dự án bất động sản.
Cách đây mấy năm, dựa trên lợi thế đất đai, VNF1 đã xây dựng một số trung tâm thương mại, siêu thị, một số dự án kết hợp chung cư. Nếu VNF1 buộc phải thoái vốn khỏi lĩnh vực này trong bối cảnh hiện nay, đồng thời đáp ứng được yêu cầu giữ được giá trị sổ sách thì rất khó khả thi.
Không chỉ DN cà phê, lương thực mà DN thủy sản cũng đang mắc kẹt với vấn đề rút vốn. Ông Trần Tấn Tâm, Tổng giám đốc TCT Thủy sản Việt Nam cho biết công ty đang loay hoay trong việc rút vốn của Công ty Hải sản Biển Đông. TCT Hải sản Biển Đông có tới 48 đầu mối công ty con, công ty liên kết đầu tư ra ngoài lĩnh vực với tổng vốn tới 800 tỷ đồng.
Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Trước những khó khăn của DN, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, có những vấn đề tồn đọng của lịch sử từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, các DN phải cùng nhau xử lý những tồn đọng đó, chứ không thể có tư tưởng trông chờ, ỷ lại.
Để thoái vốn thành công, đối với VNF1, VNF2, Tập đoàn Công nghiệp Cao su, Bộ trưởng đề nghị, sắp tới phải báo cáo làm rõ các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản, phương án thoái vốn theo chế độ báo cáo hàng quý để Bộ báo cáo Thủ tướng.
Về việc hỗ trợ DN trong xử lý các vấn đề về tài chính và đất đai... Bộ trưởng yêu cầu Ban Đổi mới DN thuộc Bộ tập hợp kiến nghị của từng DN để phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng NN&PTNN, và các bộ liên quan cùng nhau làm rõ.
Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến cũng cho biết: Nếu trường hợp có DN muốn thoái vốn, bán dưới giá trị sổ sách thì đề nghị DN thực hiện theo đúng quy trình và quy định, Bộ Tài chính sẽ có phương án giải quyết cụ thể. Khi thoái vốn, các đơn vị phải đấu thầu công khai qua thị trường. Sau khi mở thầu, nếu không có người mua mới bán theo thỏa thuận.
Trên thực tế, nếu DN thực hiện đầy đủ theo những quy định, như cơ chế phòng ngừa rủi ro để bảo toàn vốn, về trích lập dự phòng đối với các khoản đầu tư, mua bảo hiểm đầu tư rủi ro thì họ luôn luôn có đủ nguồn để bảo toàn vốn, ông Tiến khẳng định.
Việc thoái vốn ở nhà máy đường… nơi có lãi còn làm được, nhưng ở những đơn vị đang lỗ nặng, thoái vốn chắc chắn là âm.Ví dụ như Vinacafe Ban Mê Thuột, nơi Vinacafe nắm 39% cổ phần, đang nợ ngân hàng trên 1.600 tỷ đồng, việc thoái vốn ở đơn vị này rất khó. (Ông Nguyễn Nam Hải, Tổng giám đốc Tổng công ty Cà phê Việt Nam) |