Đó là nhận định của các đại biểu tại Diễn đàn “Khuyến nông@Nông nghiệp” với chủ đề “Phát triển cây su su vùng trung du miền núi phía Bắc” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vĩnh Phúc tổ chức ngày 31/5/2013.
Su su - cây kinh tế
Các tỉnh miền Bắc từ lâu đã biết tới thương hiệu “Su su Sa Pa”, “Su su Tam Đảo”, các món từ su su hiện nay đã xuất hiện thường xuyên trong các bữa cơm gia đình, nhà hàng như một món ăn đặc sản dân dã nhưng được nhiều người yêu thích. Hiệu quả kinh tế thu được không nhỏ nên nhiều năm nay diện tích trồng cây su su đang ngày càng mở rộng.
Tại tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2005 mới chỉ có 25 ha thì đến năm 2011 đã phát triển hơn 300 ha. Trung bình 1 ha su su cho thu 13,2 tấn/ha/năm và thu về gần 106 triệu đồng/ha. Chị Lê Thị Vui, hộ nông dân trồng su su ở thôn Sơn Đồng, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc cho biết, ở đây các hộ gia đình trồng 1 sào su su cho năng suất 1,5 - 1,7 tấn, giá bán trung bình 4.000 đồng - 5.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, người trồng cũng thu được 5 - 6 triệu đồng/tháng.
Cũng là một tỉnh có thế mạnh về trồng su su, Lào Cai đã trồng được 120 ha, thu về 6 tỷ đồng/năm. Ngoài thu nhập từ bán sản phẩm quả, ngọn, người trồng su su còn thu nhập từ nguồn bán su su giống với giá trung bình là 8.000 đồng/kg, cá biệt có những năm giá tăng lên 14.000 đồng/kg. Có thể nói, hiệu quả kinh tế từ trồng su su rất lớn, cho thu nhập trên 60% tổng thu nhập của nông dân tham gia trồng rau.
|
Cơ hội để người nông dân làm giàu từ cây su su. Ảnh: T.L |
Mặc dù mang lại giá trị kinh tế cao nhưng hiện nay việc trồng su su còn gặp phải một số khó khăn: Ngoài thương hiệu “Su su an toàn Tam Đảo” và “Su su Sa Pa” được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể, các vùng sản xuất su su còn lại chưa có thương hiệu. Đặc biệt là việc tổ chức liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn.
Một số hộ nông dân ở làng Hà, xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo cho biết, các hộ cũng đăng ký sản xuất rau an toàn với cấp ngành có liên quan, nhưng khi thu hoạch thì bán nhỏ lẻ cho các thương lái. Nếu năm nào được giá thì thu nhập tăng, nhưng khi vài năm gần đây thị trường tiêu thụ bấp bênh, thiếu ổn định nên thu nhập giảm đáng kể.
Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu
Ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Chủ tịch huyện Tam Đảo cho biết, có một thực tế là người tiêu dùng đã biết đến cây su su Tam Đảo lâu rồi nhưng trên thị trường, thương hiệu đó vẫn còn “lờ mờ”. Nguyên nhân là do các vùng trồng su su chưa xây dựng được hệ thống phân phối, tiêu thụ ổn định. Hơn nữa, chưa có sự khác biệt về giá cả giữa rau an toàn và rau thông thường nên chưa tạo động lực thúc đẩy sản xuất rau an toàn phát triển.
Để cây su su phát triển ổn định, tạo được thương hiệu trên thị trường, TS. Phan Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, trước mắt cần giữ ổn định diện tích vùng sản xuất rau su su miền Bắc hiện có, nâng cao chất lượng sản phẩm, phấn đấu đảm bảo 100% sản phẩm rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Bên cạnh đó, các tỉnh cần tăng cường đa dạng hóa về đầu mối cũng như hình thức tiêu thụ như bán buôn, bán lẻ tại các siêu thị và các thị trường khác để đảm bảo lưu thông và tiêu thụ được thuận lợi; đẩy mạnh xúc tiến thương mại…