Đó là ý kiến của các đại biểu tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp chuyên đề “Giải pháp mở rộng diện tích áp dụng mạ khay - máy cấy các tỉnh phía Bắc năm 2013” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp Hà Nội tổ chức mới đây.
Điển hình trong cơ giới hóa
Có thể nói, Hà Nội là một trong những tỉnh đi đầu trong việc cơ giới hóa (CGH) trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là áp dụng mô hình sản xuất mạ khay và cấy bằng máy đã đóng góp một vai trò quan trọng việc thúc đẩy sản xuất và nâng cao hiệu quả. Nhận thức rõ điều đó, Hà Nội có cơ chế chính sách hỗ trợ CGH cho nông dân.
Ông Nghiêm Văn Hởi - Đội trưởng Đội Sản xuất xã Văn Hoàng, huyện Phú Xuyên, Hà Nội chia sẻ, anh đã mua máy cấy mạ khay tổng trị giá 97 triệu đồng, trong đó, huyện hỗ trợ 45 triệu đồng, ủy ban xã hỗ trợ 15 triệu đồng, hợp tác xã (HTX) hỗ trợ 10 triệu đồng, còn 27 triệu đồng là vốn của anh tự vay trong vòng 3 năm không lấy lãi.
Nhiều hộ nông dân khi áp dụng mô hình này vào sản xuất đều cho rằng, hiệu suất sử dụng máy cao. Tùy loại máy, năng suất thu hoạch đạt từ 200 – 300 ha/năm, người đầu tư chỉ trong vòng 2 – 3 năm là trả hết nợ và gần như không có tình trạng nợ xấu, mức độ rủi ro thấp khi cho vay vốn đầu tư máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp.
|
Áp dụng cấy bằng máy sẽ tiết kiệm chi phí lớn cho nông dân. Ảnh: Vtc16.vn
|
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, mô hình sản xuất mạ khay và cấy bằng máy đã tạo ra hiệu quả rõ rệt về kinh tế xã hội, năng suất lúa tăng, giảm chi phí sản xuất và sức lao động của nông dân. Đồng thời góp phần thúc đẩy chuyên nghiệp hóa khâu làm mạ, xuất hiện tổ chức dịch vụ chuyên nghiệp làm mạ cung cấp cho nông dân.
Điển hình, xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên có tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 13% xuống 2,93%, thu nhập bình quân từ 17 triệu lên 23 triệu/người/năm. Với kết quả đó, trong chương trình xây dựng nông thôn mới, Đại Thắng xác định vụ mùa vụ 2013 và những năm tiếp theo dự kiến sẽ đưa vào 40 - 50% diện tích là CGH trong sản xuất nông nghiệp, sử dụng mạ khay và cấy bằng máy.
Cần thiết hỗ trợ cho sản xuất mạ khay
Bên cạnh những kết quả đạt được, áp dụng mạ khay cấy máy cũng bộc lộ một số tồn tại như: Ruộng đất nhiều nơi tuy đã được dồn điền đổi thửa song vẫn còn manh mún, khó khăn cho việc áp dụng. Nhiều nơi các cấp ủy đảng, chính quyền chưa thực sự quan tâm tới việc áp dụng kỹ thuật mới. Một số bà con nông dân vẫn còn có tư tưởng bao cấp, trông chờ vào Nhà nước, chưa thực sự tin tưởng vào tiến bộ kỹ thuật mới. Với mục tiêu “tiết kiệm chi phí cho người nông dân, tiết kiệm chi phí xã hội và đảm bảo lợi ích người đầu tư”, nhiều cơ sở mạ khay và địa phương phát triển vững chắc và rất hiệu quả.
Vì vậy, ông Nguyễn Mạnh Hồng - cơ sở Mạ khay Phú Thanh, xã Quảng Phúc, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa đề xuất, hầu hết các địa phương trong thời gian qua mới chỉ hỗ trợ cho máy cấy (hỗ trợ 30 - 50% giá mua máy), đề nghị ưu tiên hỗ trợ cho các cơ sở mạ khay phát triển sản xuất.
Ông Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, giai đoạn 2014 - 2016, Trung tâm sẽ đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho triển khai các mô hình máy cấy lúa trên diện rộng.
Bên cạnh đó, cần có chính sách giúp nông dân mua máy móc, xây dựng các câu lạc bộ người sử dụng máy nông nghiệp nhằm phát huy tối đa hiệu suất sử dụng. Ở các địa phương cần có các chủ trương chính sách về dồn điền, đổi thửa, có cơ chế hỗ trợ mua máy. Đồng thời, làm tốt công tác thông tin tuyên truyền để nhân rộng mô hình.
Hà Nội hỗ trợ 50% cho nông dân mua máy
Để đề án cơ giới hoá nhanh chóng đi vào cuộc sống phục vụ sản xuất ngân sách các cấp thống nhất hỗ trợ như sau: Chương trình khuyến nông của thành phố, hỗ trợ 50% giá trị 1 máy cấy, máy gieo hạt, khay nhựa làm mạ nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng trong năm 2012 (chỉ áp dụng cho năm 2012). Ngân sách huyện hỗ trợ 10% giá trị /máy. Ngân sách xã, HTX: 15% trở lên (tuỳ theo điều kiện của từng nơi). Tổng số hỗ trợ chiếm 75% trở lên giá trị của máy (bao gồm đồng bộ cả máy cấy, máy gieo hạt, khay nhựa gieo mạ). |