Vui hơn với doanh nghiệp xuất khẩu
Theo Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2013, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam ước đạt 125,51 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ riêng tháng 6, xuất khẩu ước đạt 11,4 tỷ USD.
Với con số như vậy, rõ ràng việc tăng tỉ giá USD đang giúp các doanh nghiệp xuất khẩu có cái nhìn lạc quan hơn. Các chuyên gia đánh giá, việc nâng tỷ giá lần này sẽ kích thích xuất khẩu, thu thêm ngoại tệ về để tăng nguồn cung, giúp cung cầu ngoại tệ xích lại gần nhau hơn.
Các nhóm ngành xuất khẩu có nguồn thu USD lớn sẽ hưởng lợi đầu tiên. Nhất là đối với các DN chỉ hoạt động xuất khẩu đầu ra như cao su tự nhiên, thủy sản, thủ công mỹ nghệ và xuất khẩu phần mềm.
Công ty CP Cao su Phước Hòa có doanh thu xuất khẩu chiếm khoảng 50% tổng doanh thu hàng năm. Trong năm 2013, mục tiêu về doanh thu xuất khẩu của của công ty khoảng 36 triệu đô-la. Vì vậy, nếu tỷ giá tăng 1% thì lãi từ chênh lệch tỷ giá ước tính sẽ là 7,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, công ty cũng có khoản vợ vay bằng đô-la là khoảng 250 tỷ đồng (tương đương 12 triệu đô-la) nên sẽ bị lỗ tỷ giá khoảng 2,6 tỷ đồng khi tỷ giá tăng 1%. Do đó, khoản lãi từ chênh lệch tỷ giá ròng của công ty nếu tỷ giá tăng 1% ước tính là gần 5 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, ngành thuỷ sản cũng được hưởng lợi lớn từ việc tăng tỷ giá. Bởi lẽ hầu hết các công ty thủy sản Việt Nam đều xuất khẩu sang các thị trường tiêu thụ lớn của thế giới như EU, Mỹ, Nhật và hầu hết các hợp đồng xuất khẩu đều được giao dịch đồng tiền USD.
Công ty CP Tập đoàn thuỷ sản Minh Phú là doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam, chiếm hơn 15% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước. Thị trường chủ yếu của công ty là Mỹ với 32,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Lợi nhuận sau thuế trong quý I/2013 của công ty 17,8 tỷ đồng. Mặt khác, tuy công ty vay vốn bằng đồng nhưng lượng tiền vay đều thấp hơn so với doanh thu mang lại. Do vậy, sự điều chỉnh tăng tỷ giá USD/VND lần này đã mang lại một phần lãi từ chênh lệch tỷ giá cho công ty.
Ông Phạm Quốc Khánh – Tổng giám đốc Công ty TNHH Tiến Động cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh tỷ giá trong thời điểm các doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn là thích hợp, giúp đẩy mạnh xuất khẩu, tăng lợi nhuận. Với quyết định này, những doanh nghiệp xuất khẩu như doanh nghiệp của ông sẽ được hưởng lợi rất nhiều.
Doanh nghiệp nhập khẩu thiệt thòi
Ngược lại với xuất khẩu, việc tăng tỷ giá có tác động tiêu cực đến một số ngành có tỷ lệ nhập khẩu nguyên vật liệu lớn, các doanh nghiệp có tỷ lệ nợ vay bằng đô-la cao, nhất là các DN chỉ đơn thuần nhập khẩu mà không có xuất khẩu.
Các chuyên gia đánh giá, sắt thép là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề của việc tăng tỷ giá. Trả lời báo giới, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Nguyễn Tiến Nghi cho biết, hiện nay sản phẩm thép và nguyên liệu sản xuất thép nhập vào Việt Nam mỗi năm khoảng 7 tỷ USD nên điều chỉnh tỷ giá sẽ tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp đang khó khăn, nay càng khó khăn hơn.
Tập đoàn Hoa Sen nhập khẩu 100% nguyên liệu đầu vào là thép cán nóng. Năm 2013, với sản lượng tiêu thụ dự kiến là 545.000 tấn sản phẩm thì giá trị nhập khẩu ước tính là khoảng 400 triệu đô-la. Do đó, nếu tỷ USD/VND tăng 1% thì giá trị nhập khẩu sẽ phải tăng tương ứng 4 triệu đô-la.
Phụ thuộc vào 60-65% nguyên liệu nhập khẩu, ngành thức ăn chăn nuôi cũng bị ảnh hưởng lớn khi tỷ giá tăng. Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm nay, ngành đã chi khoảng 1,2 tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu.
Theo ông Bùi Đức Huyên, Tổng giám đốc Công ty CP Dinh dưỡng Việt Tín, hiện tại để phục vụ cho sản xuất chúng tôi vẫn phải nhập khẩu phần lớn ngô từ Ấn Độ, Brazin…Việc tăng tỉ giá khiến giá nhập nguyên liệu đội lên cao, đồng nghĩa với giá sản phẩm tăng, sản phẩm khó tiêu thụ, hàng tồn kho tiếp tục tăng nên doanh nghiệp rất khó khăn. Đặc biệt, điều này sẽ khiến mọi gánh nặng đổ lên đầu người nông dân.
Trả lời báo giới, ông Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, đây là quyết định đúng hướng và tất yếu hỗ trợ cho nền kinh tế. Việc tăng tỷ giá sẽ có lợi cho xuất khẩu. Từ đây sẽ tạo công ăn việc làm, tăng sức mua, phục hồi sức sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. “Đây là những thứ lúc này chúng ta đang cần”.