Quan ngại của nhà đầu tư
Theo kết quả khảo sát của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại 8.053 doanh nghiệp dân doanh và 1.540 doanh nghiệp FDI, thủ tục về xây dựng, bảo hiểm xã hội, thủ tục đăng ký doanh nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là nhóm thủ tục được đánh giá phiền hà hàng đầu cho các nhà đầu tư.
Hiện nay, việc thực hiện các dự án đầu tư được áp dụng theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp năm 2005 và các văn bản pháp luật có liên quan. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện, còn nhiều vướng mắc, các thủ tục có phần chống chéo, trùng lặp. Việc ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện ở mỗi địa phương khác nhau khiến các nhà đầu tư phải “quay như chóng chóng”.
 |
Thủ tục hành chính khiến nhiều nhà đầu tư nản lòng. Ảnh T.L
|
Thủ tục hành chính (TTHC) rườm rà, không minh bạch, trùng lặp đang là rào cản lớn đối với việc thu hút nhà đầu tư. Ông Đậu Anh Tuấn, Phó trưởng ban phụ trách Ban Pháp chế VCCI cho biết, hiện tại TTHC trong lĩnh vực đầu tư được thực hiện theo 5 luật, 10 nghị định, 9 thông tư, chưa kể nhiều văn bản hướng dẫn khác.
Quá nhiều thủ tục khiến các nhà đầu tư loay hoay không biết làm cái nào trước cái nào sau, Chưa kể trong mỗi thủ tục lại có những thủ tục “con”, trong thủ tục “con” còn có thủ tục “cháu”. Chính những TTHC rườm rà phức tạp tạo ra sự chống chéo dễ dẫn đến sự nhũng nhiễu tắc nghẽn trong quá trình thực hiện, ông Tuấn bày tỏ.
Ở mỗi tỉnh, thành TTHC lại được thực hiện một cách khác nhau, có tỉnh ngắn gọn nhanh chóng cũng có tỉnh phải làm tuần tự từng thủ tục. Nhà đầu tư có kinh nghiệm ở tỉnh này chưa chắc đã áp dụng được ở tỉnh khác. Chẳng hạn như, để được nghiên cứu lập dự án tại Hà Tĩnh, nhà đầu tư phải thực hiện lộ trình từ chấp thuận chủ trương đầu tư, giới thiệu địa điểm đầu tư, rồi đến quyết định cho phép khảo sát và phê duyệt đự án đầu tư.
Còn tại Hà Nội, nhà đầu tư lại đi theo trình tự lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất thông qua đấu thầu hoặc chỉ định thầu.
Giải bài toán “ma trận”
Theo tính toán của Cục Kiểm soát TTHC, Bộ Tư pháp, trong trường hợp đơn giản nhất, giả định mọi yếu tố đều thuận lợi thì thời gian hoàn thành các thủ tục hành chính từ khi chuẩn bị đầu tư đến lúc vận hành cũng phải lên đến hơn 5 tháng, tức là 155 ngày.
Tuy nhiên, trên thực tế số thời gian mà nhà đầu tư bỏ ra để hoàn thành thủ tục còn lớn hơn rất nhiều.
|
|
 |
Tính sơ bộ, thực tế một dự án xin phép với tốc độ nhanh nhất, thuận lợi nhất cũng mất 14 tháng
|
 |
|
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam |
|
|
“Chỉ cần thay đổi một ít thôi cũng giúp cho doanh nghiệp rất nhiều. Chúng tôi là người Việt Nam đầu tư trên đất Việt Nam đã thấy mông lung như ma trận thì các nhà đầu tư nước ngoài không biết khó khăn đến mức nào. Rõ ràng, những rủi ro từ các mệnh lệnh hành chính, thủ tục thì nhà đầu tư đành chịu chấp nhận và không có cơ chế nào để bảo vệ mình”, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam chia sẻ.
Để giải bài toán "ma trận" TTHC, ông Nguyễn Đình Cung – Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, cần tạo bước đột phá đối với việc cải cách TTHC, với sự đồng bộ chung tay hợp tác giữa các bộ, ngành.
Cũng theo ông Cung, trong quá trình thực hiện cải cách TTHC sẽ có người được lợi, có người thiệt hại. Chính những điều đó là những thách thức đối với quá trình cải cách TTHC. Khi mà Chính phủ đã có cam kết mạnh mẽ, DN đồng thuận ủng hộ thì quá trình cải cách TTHC sẽ có kết quả tốt hơn, khả quan hơn.
Còn Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Phương Bắc đề xuất, các bộ, ngành cần sớm ban hành thông tư liên tịch trong lĩnh vực này để hướng dẫn địa phương thực hiện thống nhất. Đồng thời làm rõ khái niệm chấp thuận đầu tư và sửa đổi các nhóm quy định liên quan đến đầu tư, mô hình hợp tác công – tư.
Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng có thể ban hành các luật hoặc nghị định về “Bộ thủ tục hành chính” đối với một số lĩnh vực quan trọng liên quan nhiều đến doanh nghiệp và dân sinh. Để làm được điều đó cần phải đổi mới tư duy về cải cách TTHC, đồng thời xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để cải cách./.