(TBTCO) - Lỗ nặng, treo ao… vốn là những từ gần đây cứ đeo bám người nuôi cá tra. Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm từ cá tra đến 142 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mang tiếng là “độc quyền”, là “phá giá” trên thị trường quốc tế, nhưng người nuôi cá và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu vẫn cứ lao đao.
Bấp bênh hướng ngoại
Tại thị trường nội địa, cá tra chưa được sánh ngang tầm với các loài thủy đặc sản khác. Ảnh: HG
Mười năm qua, từ một loài cá bản địa, khai thác tự nhiên, con cá tra đã phát triển và trở thành sản phẩm chiến lược của Việt Nam. Hiện, cá tra Việt Nam đã được xuất khẩu đến 142 quốc gia và vùng lãnh thổ với sản lượng nuôi tăng gấp 50 lần, vượt ngưỡng 1 triệu tấn mỗi năm, giá trị xuất khẩu tăng gấp 65 lần, đóng góp khoảng 2% GDP của cả nước.
Nhưng hiện tại, giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL đang dao động ở mức rất thấp, từ 18.000 - 19.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thành cá tra mà dân nuôi từ 23.000 - 24.500 đồng/kg. Như vậy, người nuôi lỗ khoảng từ 4.000 - 6.000 đồng/kg... Theo Hiệp hội Thủy sản An Giang (AFA), do không chịu nổi lỗ kéo dài, hơn 90% diện tích nuôi cá tra của người dân ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp - những tỉnh là “vương quốc của cá tra” đã “treo ao”, nông dân bỏ nghề hoặc nuôi các loại thủy sản khác.
Bên cạnh đó, dự báo cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt hơn, Việt Nam sẽ mất đi thế độc quyền, bởi hiện nay, ngoài 4 nước trong hạ lưu sông Mê Kông đã có nghề nuôi cá tra truyền thống là Thái Lan, Campuchia, Lào và Việt Nam, loài cá này còn được một số nước khác ở Đông Nam Á như Philippines Indonesia... đẩy mạnh sản xuất.
Việc làm “yếu” đi sức cạnh tranh của cá tra, theo Bộ Công thương nhìn nhận, còn bởi các doanh nghiệp Việt cạnh tranh nội bộ, bán phá giá, bán hàng kém chất lượng...
Phải hành động thế nào trước những thách thức này? Theo các chuyên gia và đại diện Hiệp hội, để cá tra phát triển bền vững, rất cần sự phối hợp của các doanh nghiệp và sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước.
Rộng đường nội địa?
Trước việc người nuôi cá tra khốn đốn vì thương nhân Trung Quốc bỏ không mua cá tra siêu trọng, ông Lê Chí Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang cho rằng: “Nếu phía Trung Quốc ngưng mua thì những hộ lỡ nuôi cũng nên bình tĩnh, tìm cách cho thu hoạch từ từ, bán dần cho thương lái tiêu thụ nội địa, bởi cá tra trọng lượng lớn rất ngon, đang được người tiêu dùng ưa chuộng”.
Chỉ cần nhẩm tính, nếu trung bình mỗi người dân Việt Nam, một năm chỉ cần ăn vài cân cá tra, thì lượng cá tra tiêu thụ nội địa cũng lên tới con số hàng trăm nghìn tấn/năm. Cứ cho là người Việt Nam trong cơ cấu bữa ăn đang có xu hướng chọn thịt nhiều hơn cá, và cá tra chưa thực sự được ưa chuộng trong bữa ăn hàng ngày, thì việc ăn 2 cân cá tra trong một năm chắc không phải khó thành hiện thực. Tiềm năng từ thị trường nội địa vẫn còn đó.
Vậy thực tế, cá tra tiêu thụ nội địa như thế nào?
Hiện nay hầu như không có một bộ phận nào của cá basa bị loại bỏ sau công đoạn chế biến cá philê tại nhà máy. Tham gia vào thị trường cá basa chế biến có nhiều "gương mặt" nhà sản xuất quen thuộc như Agifish, Tuấn Anh, Vĩnh Hoàn và Afiex...
Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (Agifish) cho biết, Agifish có tới hơn 200 sản phẩm chế biến từ cá basa đã được đưa ra thị trường nội địa. Nhưng qua thời gian, sở thích và tâm lý tiêu dùng của người mua chỉ tập trung vào một số sản phẩm.
Theo khảo sát của phóng viên tại thị trường Hà Nội, hệ thống siêu thị đã có sự góp mặt của một số mặt hàng chế biến từ cá tra như cá tra phi lê, cá tra cắt khúc, tẩm gia vị, kho tộ, chả viên, chả miếng, cuộn lá chanh hoặc cuốn bắp cải, xúc xích, đầu cá nấu lẩu... Tuy nhiên, chủng loại sản phẩm vẫn chỉ dừng ở con số vài chục chứ chưa thật sự nhiều, và nhất là, giá cả còn cao. Tại các chợ miền Bắc, cá tra gần như vắng bóng.
Như vậy, có thể thấy, với một ngành nuôi trồng thủy sản thế mạnh, ảnh hưởng tới đời sống của rất nhiều hộ dân như ngành nuôi cá tra, công nghiệp chế biến phát triển chưa xứng tầm. Hay nói cách khác là, đằng sau sự thưa thớt của gương mặt cá tra trong siêu thị và các chợ, người ta nhận thấy một điều, với các doanh nghiệp, thị trường nội địa chỉ được xem là nơi thử nghiệm, chưa được xem trọng như những hợp đồng xuất khẩu.
Để cá tra có thể “quay đầu về nguồn”, xuất hiện thường xuyên hơn trong bữa cơm của gia đình Việt, cần một chiến lược toàn diện cho cá tra, trong đó, rất cần một sự vào cuộc nhiệt tình của giới truyền thông./.